Nhà thơ Hoài Khánh nói rằng anh kiên định với thơ thiếu nhi trong hành trình sáng tác của mình. Quả vậy, ở thế giới của hình ảnh và ngôn từ dành cho trẻ thơ, anh tung tăng chơi đùa, tha hồ tưởng tượng. Đó là không gianmà những điều xấu xa gần như bị loại bỏ, chỉ còn lại sự hiền hòa, trong trẻo như bản tánh của những đứa trẻ. Hoài Khánh thong thả rong chơi trong đó đã hơn 40 năm và gần 200 bài thơ đã ra đời.
Có 6 bài thơ của anh góp mặt trong sách Tiếng Việt của các lớp tiểu học. Bài thơ Giữa lòng biển xanh được đưa vào sách Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo và bài Chú hải quân được đưa vào sách Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Cánh diều.
Đi thẳng từ bản thảo vào sách giáo khoa
Hoài Khánh là tác giả đã được học sinh biết đến với bài thơ Đồng hồ báo thức trong các bộ sách giáo khoa trước đây, hiện tại in ở sách Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Cánh diều.
Giờ đây, một lần nữa học sinh gặp lại anh qua bài thơ Giữa lòng biển xanh. Vẫn là Hoài Khánh với lối viết nhân hóa, lồng tính cách vào mọi sinh vật, đồ vật một cách phù hợp và sinh động thường thấy.
Nhà thơ Hoài Khánh
Học sinh lại bắt gặp cách miêu tả ngoại hình và tính cách khác nhau của các loài sinh vật biển, như: "Chú cua tinh nghịch/Ục ịch bò ngang/Vung vẩy đôi càng/Như đang tập võ/Một bầy cá nhỏ/Múa lượn tung tăng/Chú tôm nghiêng ngó/Nhảy càng thêm hăng…/ Bác ốc oai hùng/Giống tòa tháp trắng/Chị rong ung dung/Uốn mình duyên dáng".
Nhà thơ chọn thể thơ 4 chữ với 6 khổ thơ ngắn gọn, dễ nhớ và các hình ảnh sinh vật quen thuộc với trẻ em. Thế giới trong bài thơ Giữa lòng biển xanh là thế giới của vạn vật hòa ái: "Những đêm trăng sáng/Cả nhà cá vui/Ngàn sao lấp loáng/Cùng ùa xuống chơi"... Những hình ảnh vui tươi và rất tương đồng với thế giới của trẻ thơ: Dễ kết bạn, dễ chơi chung. Khi đến với bài thơ là đến với một thế giới tươi đẹp và chan hòa niềm vui như thế, có lẽ các em cũng sẽ biết sống như thế, hoặc sẽ nghĩ đến điều sâu xa hơn là biết giữ gìn môi trường để thế giới xinh tươi ấy không bị hủy diệt.
Bài thơ “Giữa lòng biển xanh”
Bài thơ có hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt. Vào đầu tháng 9/2021, sau khoảng thời gian khá lâu tạm ngưng sáng tác thơ thiếu nhi để tập trung cho thơ người lớn, tình cờ anh nhận được cuộc điện thoại nhờ sáng tác một bài thơ phù hợp với các chủ đề mà nhóm biên soạn đã lên đề cương. Lời đề nghị như một liều thuốc đánh thức những cảm xúc quen thuộc và sở trường của anh, rất nhanh sau đó thì bài thơ Giữa lòng biển xanh đã ra đời.
Hoài Khánh nói: "Sau cuộc điện thoại, trong tôi gần như vang lên khổ thơ đầu tiên. Dòng cảm xúc cứ thế tiếp tục tuôn chảy, giống như chữ này gọi chữ kia, câu thơ này gọi câu thơ kia, vài ngày sau bài thơ được hoàn thành".
Các tập thơ của Hoài Khánh
Ban đầu, bài thơ có tên là Ngôi nhà của cá, sau đó được đổi thành Giữa lòng biển xanh như bản được in trong sách giáo khoa. Như vậy, có thể nói đây là bài thơ hiếm hoi từ bản thảo đi thẳng vào sách giáo khoa, mà chưa đăng trên báo, tạp chí, hoặc một tập thơ nào trước đó, như "đường đi" thường thấy của một tác phẩm trước khi được in trong sách.
Vài nét về nhà thơ Hoài Khánh
Hoài Khánh có tên khai sinh là Đặng Văn Tài, sinh ngày 23/4/1963 tại Hải Phòng, hiện sống ở thành phố quê hương. Anh học ngữ văn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từng là Phó Ban thư ký biên tập của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
Đã xuất bản 6 tập thơ thiếu nhi và 3 tập thơ người lớn, trong đó có thể kể đến Bé kim giây, Trăng treo giữa nhà, Dắt biển lên trời, Đi cùng thương nhớ, Sưởi ấm ngày xa, Địu chữ qua cổng trời…
Bố sáng tác, con học thơ
Nhà thơ nói rằng khi viết xong bài thơ này anh rất vui, vì thấy mình còn giữ được mạch cảm xúc dành cho thiếu nhi và khi được đưa vào sách như sự khẳng định rằng tình cảm anh đối với độc giả nhí không hề phai nhạt, còn được đồng cảm.
Lần đăng thơ trong sách làm anh nhớ lại niềm vui và những kỷ niệm của gần 20 năm trước. Năm 2005, lúc Hoài Khánh 42 tuổi và là tác giả trẻ có thơ trong sách giáo khoa. Có người bạn thơ của anh nói vui trong bàn ăn: "Cậu này làm thơ sau tôi mà giờ con tôi phải học thơ của cậu". Tác giả nhớ hoài cảm giác hạnh phúc khi nghe 2 cậu con trai ê a học thuộc và tập chép bài thơ của bố, dù đó là những kỷ niệm đã xa. Các con anh giờ đã trưởng thành.
Bài thơ “Chú hải quân”
Hoài Khánh nói rằng anh có duyên với sách giáo khoa. Bài thơ Chú hải quân vào sách cũng từ cái duyên như thế. Đó cũng là một gợi ý từ bạn bè, vì nghĩ rằng anh sống ở đất cảng, hẳn có cảm xúc về lính biển. Chú hải quân trong thơ Hoài Khánh giản dị, tươi vui và gần gũi, cái khắc nghiệt, sóng gió không cần được khắc hoặc rõ nét: "Vững vàng trên đảo nhỏ/Bồng súng gác biển trời/Áo bạc nhàu nắng gió/Chú mỉm cười rất tươi"…Chỉ cần trẻ con yêu chú hải quân thì sẽ yêu thêm biển trời quê hương mình.
Bài học trong thơ Hoài Khánh là những lời thủ thỉ nhẹ nhàng vậy thôi. Thế nhưng, tìm hiểu về những sáng tác của anh thì thấy không phải ngẫu nhiên các nhóm biên soạn đem thơ anh vào sách. Hoài Khánh tìm hiểu khá kỹ tâm lý các thời điểm khác nhau của trẻ em để khi cảm xúc đến anh biết phải viết như thế nào là phù hợp.
Theo anh, không phải thơ thiếu nhi là lúc nào cũng phải rộn ràng, nhí nhảnh, mà khi một tứ thơ chợt đến, tác giả phải xác định mình sẽ viết cho trẻ em giai đoạn nào để chọn hình ảnh và ngôn ngữ trong thơ. Đó là những kỹ năng màmột nhà thơ cần rèn luyệnnếu muốn hướng đến sáng tác chuyên nghiệp.
Anh cũng tự định danh mình là một nhà thơ thiếu nhi và hài lòng với điều ấy. Tuy vậy, đôi khi anh thấy hơi chạnh lòng vì bạn bè trong giới thường xem nhà thơ viết cho nhiếu nhi như kiểu "hạng 2, chiếu dưới". Nhưng dù đã gác thơ thiếu nhi qua một bên để viết cho người lớn, thì cảm xúc dành cho thiếu nhi vẫn như một mạch nước ngầm len lỏi, chỉ cần khơi là tuôn chảy.
Tập thơ thiếu nhi “Địu chữ qua cổng trời”
Nghỉ hưu vẫn muốn trí não bứt phá
Gia tài thơ ca của Hoài Khánh không chỉ có thơ thiếu nhi. Như đã nói ở trên, có lúc anh muốn khẳng định mình ở thơ người lớn, nhất làtrong giai đoạn người vợ thân yêu của anh lâm trọng bệnh và qua đời thì thơ đầy thương nhớ, suy tư, chiêm nghiệm.
Độc giả có thể thấy được điều này qua tập thơ Đi cùng thương nhớ (NXB Văn học, 2020): "Em chìm khuất giữa cơn mơ/Cánh tay buông thõng đôi bờ âm dương". Hoặc: "Triệu năm biển vẫn chưa già/Bạc đầu ngọn sóng vẫn là trẻ con".Hoặc: "Vui thì đi đón bình minh/Buồn thì tay nắm tay mình xót xa"…
Tập thơ “Đi cùng thương nhớ”
Hiện tại, Hoài Khánh đã nghỉ hưu, sống một mình, vì 2 con trai ở xa, nên anh dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác thơ. Anh nói tính vốn cẩn trọng, nên không làm thơ nhanh được. Lúc trước 1 tháng anh chỉ viết được khoảng 3 đến 5 bài, bây giờ thì có khi 4 đến 5 ngày anh đã xong 1 bài.
Những năm trở lại đây, mắt của Hoài Khánh ngày càng kém vì bị bong võng mạc, nên gần như anh sống trong bóng tối. Đây cũng là điều khiến cho việc giao lưu của anh với bạn thơ gặp nhiều khó khăn, vì thế vốn tính đã lặng lẽ, nay càng lặng lẽ hơn.
Nhưng anh vẫn lạc quan nghĩ rằng đôi mắt kém đi thì các giác quan khác lại nhạy hơn, như tai nghe rõ hơn, trí tưởng tượng tốt hơn. Điều này giúp cho cảm hứng thơ ca của anh không bị tắt. Anh làm thơ lưu vào máy để có dịp phù hợp thì in sách, hoặc gửi dự thi, đó là cách anh bắt trí não mình phải rèn luyện sự năng động và bứt phá.
Các giải thưởng của Hoài Khánh
- Bài thơ Tam Đảo đoạt giải Ba (không có giải Nhất) tại Cuộc thi sáng tác văn học vì trẻ em do Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốctại Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2000-2001.
- Bài thơ Ông Chủ tịch quét đường đoạt giải Ba (không có giải Nhất) tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài môi trường và đô thị do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng và Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng phối hợp tổ chức trên tạp chí Cửa biển năm 2000-2001.
- Chùm thơ Dắt biển lên trời đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức năm 2001-2002.