Tại Bình Định vừa diễn ra chương trình Biểu diễn giao lưu văn hóa Chăm từ ngày 7/7 đến ngày 10/7 tại tháp Đôi (Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (Tuy Phước). Nhiều ý kiến gọi chương trình này là cuộc "chuyển giao" nghệ thuật truyền thống Chăm của Ninh Thuận cho Bình Định.
Đây là sự kiện sinh hoạt văn hóa sôi nổi,gồm biểu diễn văn nghệ và trình diễn làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm… nhằm kết nối giá trị truyền thống của cộng đồng Chăm của 2 tỉnh.
Một cuộc thử nghiệm bên tháp Chăm
Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm thuộc Công ty Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) vừa có đợt biểu diễn giao lưu tại Bình Định theo lời mời của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh này. Tại đây, những người Chăm yêu văn nghệ đã có 4 ngày thỏa chí biểu diễn để phục vụ người dân địa phương và du khách.
Hòa tấu nhạc cụ
Một tâm hồn Chăm đã được tìm thấy qua các tiết mục biểu diễn nhạc cụ như: Trống paranưng, trống ginăng, kèn saranai, đàn kanhi, lục lạc… và các điệu múa truyền thống như múa đội lu, múa quạt... Ánh mắt say sưa, đôi chân nhịp nhàng và nụ cười rạng rỡ của các diễn viên, cả nam lẫn nữ, đã thu hút người xem ngay từ tiết mục đầu tiên.
Những ngày trong tuần, các chàng trai cô gái làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh, chỉ thường xuyên diễn ở tháp Poklong Garai vào các ngày cuối tuần. Sau buổi diễn khai mạc, Ja Naot - chàng trai chơi trống ginăng - hào hứng nói: "Máu văn nghệ có sẵn trong mỗi người Chăm nên chúng tôi dễ dàng dạy nhau chơi nhạc cụ và múa hát. Chúng tôi rất vui vì được về thăm và biểu diễn tại đền tháp của cha ông mình".Còn cô diễn viên Đan My thì có phần rụt rè: "Ban đầu em sợ lắm, vì diễn ở chỗ lạ, nhưng thấy khán giả nhiệt tình quá nên cũng nhanh chóng bình thường trở lại".
Múa “Bến nước tình yêu”
Nhiều công ty du lịch đưa khách đến thưởng thức các tiết mục văn nghệ và người dân địa phương cũng tụ về rất đông ở tháp Đôi và tháp Bánh Ít, trong đó có không ít người lớn tuổi "vừa đi vừa bò" lên các bậc thang tháp Bánh Ít, nhưng vẫn không bỏ cuộc. Bạn T.Giang - người dân địa phương - mải mê thưởng thức các điệu múa, tiếng kèn, tiếng trống và cảm thán: "Chỉ cần nhạc nổi lên là họ như thể nhập vào một cảnh giới khác, mà ở đó chỉ có con người hòa giao với trời đất".
Ông Huỳnh Văn Lợi, sau những ngày quan sát đợt giao lưu này, chia sẻ: "Đã lâu, tháp Chăm ở Bình Định chưa có những hoạt động văn hóa văn nghệ như thế này, các tiết mục đều thể hiện được hồn cốt của người Chăm, nên được người dân đón nhận rất tích cực. Đây cũng là một dịp đặc biệt để cộng đồng người Chăm sinh sống và làm việc ở Bình Định được tiếp nhận, được thưởng thức văn hóa truyền thống của mình".
Trong tương lai gần, Bình Định dự kiến sẽ có các buổi diễn văn nghệ truyền thống Chăm định kỳ tại các tháp Chăm. Đợt giao lưu này là bước đi đầu tiên, như cách thử nghiệm để xem sự thu hút du khách cũng như người dân địa phương như thế nào. Sau đó, đoàn này sẽ ra biểu diễn và truyền dạy cho diễn viên ở Bình Định mỗi khi có lời mời.
Múa “Dâng hoa tháp cổ”
Ông Vạn Quan Phú Đoan (trưởng đoàn) chia sẻ: "Được về thămvà biểu diễn trên mảnh đất thiêng của tổ tiên, chúng tôi rất vinh dự. Chúng tôi sẵn sàng biểu diễn và chia sẻ những kinh nghiệm mình có được cho bà con ở đây, đó là cách chúng tôi bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa của mình".
Xem họ diễn, mới thấy họ yêu quý văn hóa truyền thống của mình và đúng là máu văn nghệ có sẵn trong mỗi người. Ca sĩ Vương Rock vừa hát xong, sang tiết mục khác đã trở thành nhạc công chơi trống paranưng. Cô gái trẻ Đàng Mỹ Kim vừa múa xong liền quay vào chơi lục lạc. Ka Phiêu vừa giới thiệu chương trình vừa chơi đàn kanhi… Hầu như ai cũng chơi được 2-3 loại nhạc cụ.
Ca sĩ Vương Rock biểu diễn tại đợt giao lưu này
Giữ gìn truyền thống Chăm và phát triển du lịch
Đợt biểu diễn, giao lưu của Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận đợt này nằm trong chính sách của tỉnh Bình Định, với mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương, qua đó phục vụ tốt nhất cho ngành du lịch được tỉnh này xem là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Huỳnh Văn Lợi (PGĐ Sở VH,TT tỉnh Bình Định): "Tỉnh nhà có 8 cụm tháp Chăm, với 14 tháp, nhưng không có cộng đồng người Chăm với các hoạt động tín ngưỡng, cũng như sinh hoạt văn nghệ ở đó. Vì vậy, chúng tôi mời đoàn nghệ nhân ở Ninh Thuận đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động văn hóa và truyền dạy văn nghệ. Sau đợt giao lưu này, chúng tôi đánh giá lại và có định hướng cho các hoạt động trong tương lai, sau đó sẽ đề xuất với UBND tỉnh. Dự kiến, chúng tôi sẽ tổ chức các các động nghệ thuật Chăm định kỳ tại các tháp".
Những phút ngẫu hứng kéo dài, sau giờ diễn chính thức
Sự kiện lần này mới chỉ là bước đầu cho các kế hoạch tiếp theo của Bình Định như gửi diễn viên theo học, đầu tư trang phục và nhạc cụ…Giai đoạn đầu, Sở VH,TT Bình Định sẽ tiếp tục mời Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm biểu diễn và truyền dạy văn nghệ cho cộng đồng người Chăm H'roi.
Tuy nhiên, để thực hiện được không phải dễ dàng, bởi cộng đồng người Chăm Hroi ở Bình Định hiện sống chủ yếu ở huyện Vân Canh, nên việc sắp xếp lịch theo học và biểu diễn đều đặn sau này sẽ gặp một số khó khăn nhất định.
Đây là chính sách đúng đắn của Bình Định để góp phần bảo vệ văn hóa truyền thống của người Chăm và kích cầu du lịch như lời ông PGĐ Sở nói. Vì hiện nay, có thể thấy hệ thống tháp Chăm ở Bình Định là di sản tiềm năng có thể góp phần lớn vào phát triển du lịch, nhưng chưa được khai thác tốt.
Hiện chỉ có tháp Đôi và tháp Bánh Ít thường xuyên đón khách du lịch. Du khách mua vé vào tháp chỉ đọc được một ít thông tin sơ sài trên tấm bia, không có người thuyết minh hoặc những bảng thông tin in ấn đẹp mắt. Cho nên, việc phục vụ văn nghệ truyền thống Chăm cũng là một cách tốt để thu hút khách du lịch, nhưng phải được đầu tư bài bản, lâu dài và nên cộng thêm nét khác biệt, ngoài những gì đã tiếp thu.
Bên cạnh đó, làm thế nào để hệ thống tháp Chăm Bình Định là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhưng vẫn giữ được không gian linh thiêng của người Chăm, như một cách tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng của họ, cũng là một câu hỏi cần được các đơn vị quản lý lưu tâm.