Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930 ở làng Văn Thai (tên nôm là làng Thơi) xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Làng Thơi đã in đậm dấu ấn trong tuổi thơ của ông. Sau này, những kỷ niệm về người và cảnh nơi đây cũng theo vào nhiều trang viết của nhà văn.
Bìa cuốn Nguyễn Minh Châu - từ “Dấu chân người lính” đến lão Khúng ở quê.Cuối đời cầm bút, khi chuyển từ đề tài người lính trong chiến tranh sang người nông dân trong hoà bình, nhà văn lấy chính những người làng mình, thậm chí trong gia đình mình làm nhân vật. Chẳng hạn, Làng Thơi ngoài đời thành làng Khơi trong tác phẩm, và người cháu Nguyễn Huy Cung chính là nguyên mẫu của nhân vật lão Khúng trong truyện ngắn Khách ở quê ra.
Nguyễn Minh Châu - từ “Dấu chân người lính” đến lão Khúng ở quê cho thấy chân dung thấu đáo về nhà văn. Những băn khoăn nung nấu suốt cuộc đời cầm bút của ông được thể hiện đầy đủ, đó là việc nhìn nhận và xây dựng hình ảnh con người, vẻ đẹp của con người trong chiến tranh cũng như trong hoà bình.
"Sinh thời anh sống buồn nhiều hơn vui, cả gương mặt lẫn lời nói luôn luôn lộ một vẻ yếu đuối. Nhưng bên trong con người ấy có một ngọn lửa luôn cháy sáng", một lời bình của nhà văn Dũng Hà về Nguyễn Minh Châu được trích đăng trong cuốn sách. Trong cuốn sách còn có nhiều hình ảnh tư liệu quý giá do gia đình nhà văn cung cấp.
Các tập trước đây trong bộ Nhà văn của em đã cung cấp chân dung các nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam như Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài…
Sách do Nguyễn Huy Thắng biên soạn, giá bìa 16.000 đồng, phát hành vào tháng 7.
Theo evan