Không sở hữu vẻ đẹp lẳng lơ, mời gọi như Ôn Bích Hà - người từng đảm nhận vai Phan Kim Liên của Mối hận Kim Bình - Vương Tư Ý mang đến cho khán giả cách nhìn khác về nhân vật dâm phụ trong tiểu thuyết của Thi Nại Am.
Vương Tư Ý khi vào vai Phan Kim Liên trong bộ phim "Thủy Hử" sản xuất năm 1996. Ảnh: Cri.
Trong vai diễn mới nhất của mình, người đẹp sinh năm 1972 hóa thân thành Trần Túy Phân - hồng nhan Nam Dương - người đàn bà không danh phận của Tôn Dật Tiên trong quãng thời gian ông lưu lạc ở Singapore.
Ngoài Vương Tư Ý, êkíp thực hiện Cách mạng Tân Hợi có mặt ở Việt Nam còn có nhiều tên tuổi sáng giá: Lý Vỹ, Vương Triều Trụ, Mã Thiếu Hoa… Đạo diễn Lý Vỹ từng giành giải Cánh diều vàng 2006 và Bông Sen Vàng tại LHP VN 2007 với bộ phim hợp tác Trung - Việt: Hà Nội, Hà Nội. Người đồng hành của ông - nhà biên kịch Vương Triều Trụ - là tác giả kịch bản nổi tiếng với hàng loạt bộ phim lịch sử đình đám: Trường Chinh, Tướng quân Trương Học Lương... Mã Thiếu Hoa là diễn viên nổi tiếng chuyên đóng Tôn Trung Sơn. Hai diễn viên khác của đoàn là Diêu Cự Đức và Hứa Từ Húc.
Vương Tư Ý trong thời gian ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng MinhĐạo diễn chia sẻ, Cách mạng Tân Hợi là bộ phim truyền hình dài hơn 40 tập của Đài truyền hình Thiên Tân thực hiện, nhân kỷ niệm 100 năm thắng lợi Cách mạng Tân Hợi (1911) với kinh phí khoảng 9 triệu USD (180 tỷ đồng). Những bối cảnh quay tại Việt Nam tái hiện giai đoạn Tôn Trung Sơn phải lánh sang Singapore, sau đó ông trở lại Trung Quốc qua đường Việt Nam. Đạo diễn cho biết, những cảnh này có thể được phục dựng ở trường quay Hoành Điếm nhưng ông muốn mang đến màu sắc chân thật cho bộ phim lịch sử đồng thời tạo ra hương vị mới cho khán giả Trung Quốc khi cảm nhận về nét Việt Nam trong phim.
Đạo diễn Lý Vỹ quen thuộc với Việt Nam vì từng thực hiện "Hà Nội, Hà Nội". Ảnh: Hoàng Minh.Đoàn phim bấm máy ghi hình cảnh đầu tiên tại Đình Chèm (Hà Nội) vào ngày 21/3. Ngoài ra, đoàn còn thực hiện các cảnh quay tại một ngôi nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo, Hồ Gươm, Vườn hoa Bác Cổ trong ba ngày ở thủ đô. Sang ngày 24/3, êkíp vào Huế quay cảnh Cầu ngói Thanh Toàn và sang Hội An quay cảnh Cầu Nhật Bản, khu phố cổ. Ngày 28/3, đoàn rời Việt Nam trở lại Trung Quốc thực hiện những cảnh quay cuối cùng. Dự kiến bộ phim sẽ lên sóng vào tháng 10, đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi.
Song song với bộ phim truyền hình này, một bộ phim nhựa khác mang tên 1911 (có tựa gốc là The 1911 Revolution - Cách mạng Tân Hợi 1911) cũng đang được gấp rút hoàn thành. 1911 do Thành Long thủ vai và làm nhà sản xuất sẽ được phát hành tại Bắc Mỹ cùng thời điểm với trong nước và được đánh giá là cột mốc trong sự nghiệp của ngôi sao võ thuật nổi tiếng này.
Theo vnxpress