Avengers: Endgame là kết đoạn được người yêu thích vũ trụ điện ảnh Marvel chờ đợi trong suốt 11 năm qua, kể từ ngày Iron Man lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng; nó cũng kết thúc câu chuyện về siêu ác nhân Thanos kể từ lần đầu lộ diện trong Avengers (2012). Có thể nói 2019 là một năm viên mãn của Marvel Studio, trong khi đó, người hàng xóm DCEU chỉ có duy nhất một tác phẩm kinh phí thấp Shazam! và một dự án "kinh tế" khác mang tên Joker sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Trong khi người yêu Marvel có một năm 2019 viên mãn với hai dự án tỷ đô: Captain Marvel và Avengers: Endgame...
Thì người yêu điện ảnh nhà DC phải tạm hài lòng với hai dự án kinh phí thấp là Shazam! và Joker, dù cho Joker đang rất được kỳ vọng là sẽ tái hiện tinh thần DC nguyên bản với vai diễn của Joaquin Phoenix.
Superman, Batman và Captain America, Iron Man không được tạo ra để so sánh lẫn nhau, nhưng một lẽ cố nhiên, khi con người quá yêu thích một thứ gì đó không độc tôn, họ sẽ có xu hướng cân đo và nếu đi sâu hơn sẽ là chia bè phái. Bài viết dưới đây được thực hiện bởi một “die-hard” fan (fan-siêu-cứng) nhà DC sau khi tham dự suất chiếu họp báo của Avengers: Endgame vào tối ngày 24/4 vừa qua, và có lẽ sẽ ít nhiều đặt lên bàn cân nhiều khía cạnh đáng xem xét về tương quan giữa hai vũ trụ điện ảnh này ở thời điểm hiện tại.
Chút sạn nhỏ, nhưng vẫn rất thỏa mãn với "Avengers: Endgame"
Fan DC dĩ nhiên không “mù quáng” với phim Marvel và ngược lại. Bản thân tôi đã từng cười cợt rất nhiều về cố gắng ngớ ngẩn của Black Panther tại Oscar và Golden Globe, đánh giá Captain Marvel là bộ phim chỉ xứng đáng 4/10, coi lọ muối phóng to là điểm mặn duy nhất của Ant-man and the Wasp, thế nhưng Avengers: Endgame có lẽ là một con 9 đã gần hoàn hảo. Bộ phim trên thực tế mang lại luồng không khí tuyệt vời cho đoạn kết của “Những kẻ báo thù”, và các review tốt đẹp đã xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên mạng, vì thế những gì được đề cập dưới đây sẽ là một chút sạn không đáng kể mà thôi.
- Avengers: Endgame có một kịch bản tạm coi là chặt chẽ với chất liệu du hành thời gian, thế nhưng “dòng thời gian” của bộ phim lại có khá nhiều điểm vô lý. Những điểm vô lý này được giải quyết bằng các câu thoại khó hiểu về vật lý lượng tử kiểu “Gamma + beta = sida”, cũng như phủ nhận có phần khiên cưỡng của các nhà “lượng tử học” trong phim.
- Cốt truyện tri ân từng nhân vật của phase 1 MCU rất cảm động và mang tính chiều fan, nhưng cũng đồng thời làm bộ phim bị kéo dài một cách không cần thiết, làm nhiều non-fan sẽ cảm thấy khá… sốt ruột. Trên thực tế, bộ phim có thể được làm ngắn lại khá nhiều mà vẫn đảm bảo tính mạch lạc, toàn vẹn.
- Một số chi tiết chưa hoàn thiện ở các phần phim cũ được giải quyết trọn vẹn ở phần phim Endgame này, thế nhưng cũng có một số điểm lại hóa dở, nhất là đối với Captain America, nếu đem đối chiếu quyết định của anh với... chính mình ở phần phim Civil War.
Avengers: Endgame hay, nhưng vẫn có những hạt sạn hiển nhiên.
Đó là một ít những điểm trừ hiếm hoi của bộ phim, bên cạnh một vài plot hole (khó tránh khỏi đối với bất cứ bộ phim nào) trong tổng thể một tác phẩm tuyệt vời. Trên thực tế, nếu một người từng chấm Captain Marvel 4/10 có thể đánh giá bộ phim này 9/10 và chỉ nêu ra được 3 điểm không hợp lý của 3 tiếng thời lượng phim, đây hẳn nhiên sẽ là một bộ phim tuyệt vời!
3 tiếng vui vẻ và một chút chạnh lòng: May mà DC đã dừng chạy đua với Marvel!
Câu kết luận trên hoàn toàn không mang tính chất “tự nhục” mà chỉ đơn giản là một nhận xét trung dung. Tôi thường xuyên có cơ hội được tham dự các suất chiếu sớm của các bộ phim bom tấn ra rạp, trong đó có các dự án gần đây nhất của cả hai nhà DC - Marvel như Justice League (2017), Avengers: Infinity War (2018), Aquaman (2018), Captain Marvel (2019), Shazam! (2019) và mới đây nhất chính là Avengers: Endgame (2019). Suất chiếu họp báo của Justice League (2017) có lẽ là một giấc mơ thực sự đối với nhiều người yêu DC khi fan hâm mộ của The Super Seven có cơ hội chiêm ngưỡng các anh hùng mình yêu thích bước lên màn ảnh rộng bằng xương, bằng thịt, tại một sự kiện premier hoành tráng với âm nhạc, cosplayer hâm nóng chương trình, rạp chiếu màn hình rộng và rất nhiều những tiếng vỗ tay - sự đầu tư này hẳn được cụm rạp Việt Nam chi bạo nhờ thành công của bom tấn Wonder Woman ngay mùa hè trước đó.
Justice League sẽ mãi mãi là một giấc mơ đẹp đối với người yêu DC, nhưng vì nhiều lý do mà nó đã thất bại trên thực tế.
Kết quả của Justice League ra sao, hẳn ai cũng đã biết. Bộ phim có thể vẫn sẽ được fan DC yêu mến nhưng lại thất bại thảm hại trong việc gồng gánh vũ trụ điện ảnh non trẻ này, trực tiếp phá hủy nền tảng 5 phần phim được đưa ra bởi Zack Snyder từ thời Man of Steel (2013). Kể từ đó, song song với các tin vắn đáng buồn liên tục nổ ra như đổi diễn viên, đổi đạo diễn, bỏ vai, Snyder’s cut v.v… Sự mặn mà của người yêu điện ảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới đã giảm rõ rệt, mà phải tới Aquaman mới có những tín hiệu đáng mừng đầu tiên.
Ấy vậy mà, Aquaman cũng chỉ có một buổi premiere thường thường, nhạc nền của chương trình được ban tổ chức bê nguyên từ thời quảng bá Justice League một cách lười biếng. Dẫu có doanh thu tỷ đô thì tiếp theo đó, Shazam! vẫn chỉ được quảng bá ở mức độ vừa phải do là một phim kinh phí thấp. Còn nhìn sang người hàng xóm Marvel, giờ đây mỗi sự kiện ra mắt phim của họ: từ phim nhỏ như Ant-man and the Wasp cho tới lớn như Captain Marvel và Avengers: Infinity War đều khiến rạp đông nghịt, chiêng trống đánh bom truyền thông dữ dội và dĩ nhiên là đem về doanh thu từ mức khả quan cho tới mỹ mãn.
Hai dự án gần thời điểm ra mắt Aquaman của nhà Marvel đều được quảng bá rất tốt. Aquaman cũng có được sự hậu thuẫn từ các cụm rạp Việt Nam, nhưng...
Avengers: Endgame thậm chí còn xô đổ mọi kỷ lục truyền thông từ thời Infinity War, sau đó chiêu đãi các khán giả may mắn được xem suất chiếu họp báo một bữa tiệc phim ảnh mãn nhãn. Bản thân bộ phim là một lời tri ân tuyệt vời đến với những “die-hard” fan của Marvel khi lần lượt thâu tóm từng chi tiết một của 21 phần phim trước đó - như một cuốn nhật ký đồ sộ về thế hệ siêu anh hùng đầu tiên của văn hóa đương đại. Bộ phim thể hiện rõ nét sự chiều chuộng fan tới từ Marvel và Disney, thể hiện ở một cốt truyện hoàn chỉnh, rất nhiều chi tiết fan-service và trên hết là tổng độ dài lên tới 3 tiếng.
3 tiếng, đồng nghĩa với ít chi tiết cắt bỏ, nhiều nội dung được thể hiện hơn - những gì mà ai cũng muốn có trong phần phim cuối cùng này. Với bài toán kinh tế mà nói, 3 tiếng đồng nghĩa với ít suất chiếu hơn, lợi nhuận thu về giảm đi, thế nhưng Disney và Marvel đã chấp nhận canh bạc này để đưa ra một bộ phim hoàn chỉnh, giúp người xem có được trải nghiệm tốt nhất ở đoạn kết của cuộc hành trình.
Nội độ dài của phim đã nói lên sự khác nhau về cái đầu làm kinh tế của Marvel Studio và Warner Bros., hay nói cách khác, là của hai gã cùng tên Kevin: Kevin Feige và Kevin Tsujihara.
Cùng tên Kevin, nhưng khác nhau ở "cái đầu"
Siêu anh hùng của DC rất tuyệt vời, nhưng nhà sản xuất phim của họ thì chưa tới tầm!
Dù cho đó có là Zack Snyder đi nữa. Zack có thể rất geek, nhưng tầm nhìn tuyệt vời của ông lại không phù hợp để làm kinh tế một cách “gấp rút”.
Năm 2016, Batman v Superman ra mắt, được kỳ vọng là sẽ mở đầu cho vũ trụ điện ảnh DC bằng cuộc họp mặt của Trinity: Batman -Superman - Wonder Woman. BvS (bản uncut) thực sự là một bộ phim hay, có lớp có lang, tràn ngập ẩn dụ về tôn giáo và chính trị, thế nhưng đó là một bộ phim xứng đáng có độ dài 3h3m như đã dự tính, chứ không phải phiên bản cắt ghép khó hiểu thiếu gần 30 phút ra rạp. Chúng ta có hành trình tìm hiểu bản thân của Superman, có sự ra mắt của Wonder Woman, có một phần quá khứ tăm tối của Batman, có Lex Luthor, có Doomsday, vậy nhưng tất cả bị nhồi nhét trong vòng 2 tiếng 30 phút ngắn ngủi để tăng suất bán vé và ra đĩa Blu-ray. Kevin Tsujihara cứ tưởng mình đã làm được bài toán kinh tế có lợi, thế nhưng chính ông thợ cắt này đã khiến bước đi đầu tiên của vũ trụ điện ảnh DC gặp phải vô số chỉ trích, trực tiếp ảnh hưởng tới tương lai về sau của DCEU.
Theo tôi, Batman v Superman vẫn là bộ phim hay nhất của DCEU cho tới thời điểm hiện tại. Những tranh cãi xoay quanh bộ tác phẩm là hệ quả tất yếu của một bộ phim có chiều sâu nhưng không hoàn hảo, thể hiện tầm nhìn tuyệt vời nhưng không gặp thời của Zack Snyder.
Ngay việc xây dựng BvS cũng phản ánh phong cách làm việc “ăn xổi ở thì” của ban chỉ đạo Warner Bros.. Để tạo ra phần phim Avengers đầu tiên, MCU đã phải dùng tới 4 phần phim và 1 phép thử thất bại (The Incredible Hulk) để duy trì định hướng vũ trụ điện ảnh của mình. Còn Warner Bros. thì khác. Vào năm 2012, thế giới vẫn còn đang ngây ngất với chiến thắng vang dội của The Dark Knight Rises, ban chỉ đạo Warner Bros. cũng manh mún xây dựng vũ trụ điện ảnh của riêng mình với nòng cốt là người đàn ông thép - Man of Steel. Chất dark-deep được ưa thích từ trilogy The Dark Knight được yêu cầu giữ nguyên ở Man of Steel, và dù doanh thu khả quan (đối với 1 tác phẩm mới toanh khởi đầu 1 franchise mới toanh) thì Warner Bros. đã bắt đầu có những so sánh với người hàng xóm.
Man of Steel ra mắt khi nhà Marvel đã có tới tựa phim thứ sáu, vậy nhưng Warner Bros. vẫn thể hiện tầm nhìn thiển cận của mình khi bức vũ trụ điện ảnh non trẻ của mình phải đuổi kịp người hàng xóm chỉ sau vài bộ phim kế tiếp.
Mọi chuyện thực sự vỡ lở sau khi Warner Bros. dốc sức chạy đua bằng cách nhồi nhét đủ thứ nguyên liệu DC comics vào liên tiếp các dự án phim ảnh liền nhau, đồng thời liên tục thay đổi đường lối của Zack Snyder ở tuyến truyện chính DCEU chỉ vì “Marvel đang chạy trước”. Kết quả là Suicide Squad ra đời và trở thành một đống hổ lốn, Ben Affleck - Batman mà chúng ta xứng đáng - bỏ vai Batman từ khi chưa có nổi một phim riêng; Superman mất dạng phần hai, và Wonder Woman là thành công duy nhất ở mọi mặt trện cho tới thời điểm năm 2018. Cùng lúc đó, nhà Marvel đã bước tới đoạn cuối của những phần phim Avengers nhờ duy trì công thức làm phim có thể bị chê là tẻ nhạt, quá an toàn, ghi điểm mạnh mẽ ở mảng làm kinh tế và dĩ nhiên là thâu tóm phần lớn những đánh giá tích cực của các nhà phê bình. Với các dự án tủn mủn khó hiểu để chữa cháy của nhà DC trên màn ảnh rộng sau đó (như Birds of prey, Suicide Squad 2, thậm chí là cân nhắc cả Batgirl) fan hâm mộ của họ đang phải kêu gào để đòi phim riêng của Batman, Man of Steel 2 cũng như Flashpoint và Green Lantern Corp. Công bằng mà nói, các siêu anh hùng của nhà DC đã quá tuyệt vời trên truyện tranh và phim hoạt hình, vậy nên cái cách mà Warner Bros. phá hỏng vũ trụ điện ảnh của họ cho tới thời điểm trước Aquaman quả là một phép nhiệm màu.
May thay, DCEU đã quyết định dừng cuộc chạy đua với MCU khi gần đây đã tuyên bố đuổi cổ Kevin Tsujihara, đồng thời dừng việc xây dựng vũ trụ siêu anh hùng và tập trung hơn vào các dự án đơn lẻ. Quyết định đúng đắn này trên thực tế là nước cờ làm ăn thông minh khi đưa các siêu anh hùng mới mẻ hơn lên màn ảnh, tuy nhiên không khỏi khiến fan chạnh lòng khi sau 6 năm phát triển, giờ đây sân nhà DCEU trống trải như một cái sân bay với chi chít các dự án dang dở (mà chẳng fan nào cần) cùng những phép thử nghiệm loay hoay mới. Nhưng ít nhất, khi Kevin Tsujihara đã bị hạ bệ ở Warner Bros. thì giờ đây, DC đã có một cơ hội để làm lại, với dàn siêu anh hùng xuất sắc từ truyện tranh cho tới phim hoạt hình và mảng truyền hình đang nở rộ.
Các siêu anh hùng DC, may thay, vẫn duy trì vị thế của mình nhờ vào các event truyện tranh và phim hoạt hình tuyệt vời như The Death of Superman, Dark Nights Metal hay Last Knight on Earth. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu quý giá cho ngày về của DC, cũng như niềm an ủi cho fan hâm mộ ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nói đi vẫn phải nói lại, con đường phát triển của mảng phim ảnh nhà DC giờ đây sẽ gặp không ít khó khăn sau khi Endgame ra mắt. Doanh thu được kỳ vọng vượt qua cả Infinity War và sự thành công về độ phủ văn hóa đại chúng chỉ là một lý do; lý do còn lại nằm ở chính tính chất của bộ phim. Lấy yếu tố du hành thời gian làm chất liệu chính, Avengers: End Game đã giáng một đòn chí mạng vào dự án “Flashpoint” - tựa phim riêng của nhân vật Flash (Ezra Miller), vốn được trông chờ sẽ là sự kiện reboot lại vũ trụ điện ảnh DC để thay máu nhân vật Batman của Ben Affleck bằng một Người Dơi trẻ trung hơn. Warner Bros. có lẽ đủ khôn ngoan để hiểu, cái bóng của Endgame sẽ là rất lớn để họ tạo nên một điều tương tự đối với dự án nòng cốt của chính mình, và thế là tương lai đoàn viên của các siêu anh hùng DC ở một “Justice League 2.0” lại càng trở nên xa vời.
Với sự ra mắt của Endgame, dự án Flashpoint có lẽ sẽ tiếp tục lao đao.
“Endgame” và cái kết mở cho hai vũ trụ điện ảnh
Avengers sẽ quay lại, đó là điều ai cũng có thể chắc chắn. Tuy nhiên, với việc các siêu anh hùng nòng cốt như Captain America Steve Rogers và Iron Man Tony Stark đã chọn điểm dừng chân sau Endgame, tương lai của vũ trụ điện ảnh MCU sẽ là một dấu chấm hỏi lớn và khó đoán định.
Lấy ví dụ như Captain Marvel. Nhiều người có thể đồng ý rằng đó không phải một bộ phim xuất sắc, thế nhưng nó vẫn thu về doanh thu hơn 1 tỷ USD nhờ vào chiến lược kinh doanh thông minh của Disne khi công chiếu trước thềm Endgame. Vậy nhưng sẽ không còn một Endgame nào khác để bảo hộ cho Captain Marvel 2, hay Spiderman 2, Black Panther 2, Doctor Strange 2, liệu dàn siêu anh hùng thế hệ mới của nhà Marvel có thành công? Liệu MCU sẽ có chiến lược thông minh nào để duy trì franchise gà đẻ trứng vàng mà mình đang nắm giữ?
Phase 5 rồi sẽ ra sao...
Cái bóng quá lớn của MCU sẽ nhỏ đi ít nhiều sau khi dàn sao gạo cội của Avengers nghỉ hưu, cùng với đó là tín hiệu khả quan đang le lói với Aquaman và Shazam! có lẽ đang thuc giục nhà DC tìm lại hướng đi cho mình. Từ đống tro tàn ngổn ngang, hy vọng rằng mọi chuyện sẽ khá hơn đối với người yêu DC. Và cả Marvel nữa, vì có cạnh tranh thì mới có vui!
Avengers: Endgame khởi chiếu từ 26/4.
Trailer 2 "Avengers: Endgame"