Dòng phim "chick flick", hay nói một cách dễ hiểu hơn - dòng phim dành cho phụ nữ, đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu dành cho phái đẹp xuyên suốt nhiều thập kỉ. Nếu như nhắc tới cánh mày râu, thể loại hành động, giật gân chính là kiểu phim được nghĩ ngay tới. Phái đẹp lại thường gắn liền với loạt "drama" tình yêu, hôn nhân đầy hấp dẫn hay chỉ đơn thuần là tấm gương phản chiếu cuộc sống muôn màu trong đời thực của những người phụ nữ hiện đại. Nếu là một mọt phim của điện ảnh Mỹ, hay gần hơn là fan cứng của thể loại "chick flick", 5 bộ phim kinh điển dưới đây chính là loạt dự án không thể bỏ qua.
1. Crazy, Stupid, Love (Yêu Điên Dại)
Crazy, Stupid, Love chính là một trong những bộ phim "gối đầu giường" của phái đẹp, quy tụ dàn diễn viên cực phẩm của điện ảnh Mỹ khiến chẳng ai sẽ mảy may nghi ngờ về chất lượng trước cả khi xem phim. Từ Steve Carell tới Ryan Gosling, Julianne Moore tới Emma Stone, Crazy, Stupid, Love đã đưa khán giả đi qua muôn vàn cung bậc cảm xúc xuyên suốt hơn hai tiếng thời lượng. Ra mắt vào năm 2011, Crazy, Stupid, Love chạm tới ngóc ngách sâu lắng bên trong của những cuộc hôn nhân, chuyện lột xác và làm mới mình hay tranh đấu tình trường thời hiện đại.
Bắt đầu với sự xuất hiện của cuộc hôn nhân đang đứng trước bờ vực đổ vỡ sau 25 năm, anh chàng Cal Weaver (Steve Carell) đang quá chán nản vì bị vợ "cắm sừng". Để tạm quên đi thực tại, Cal thường lui tới các quán bar để giải sầu, rồi tình cờ nét sầu đau của anh đã "rơi" vào tầm mắt của chàng tay chơi Jacob (Ryan Gosling). "Hào phóng" giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp, Jacob đã giúp Cal lột xác với vẻ ngoài hoàn toàn mới, bày mưu giúp người đàn ông U40 tán gái và giành lại vợ từ tay tên đồng nghiệp quyến rũ.
Ryan Gosling và Emma Stone, ngại gì mà không xem?
2. Bridget Jones's Diary (Nhật Kí Tiểu Thư Jones)
Cần ngay một siêu phẩm lãng mạn, hường phấn nhưng không phải là phim Hàn Quốc? Bridget Jone's Diary chính là lựa chọn hoàn hảo nhất dành cho mọt phim điện ảnh Mỹ. Ra mắt từ năm 2001, Bridget Jones's Diary vẫn luôn là dự án được xếp vào hàng cực phẩm khi nhắc tới thể loại hấp dẫn phái nữ cho tới thời điểm hiện tại. Với sự góp mặt của Renée Zellweger, "Kingsman" Colin Firth và Hugh Grant, Bridget Jones's Diary vượt xa kì vọng của hội mọt phim về độ ăn ý của bộ ba cực phẩm.
Bridget Jones's Diary chính là huyền thoại phim ngôn tình.
Bridget Jones là một cô nàng kì lạ - đúng, hội tụ mọi tính xấu ở một người phụ nữ - đúng, nhưng nàng tiểu thư 30 tuổi với ngoại hình mũm mĩm vẫn khiến luật sư khó nhằn Mark Darcy tới chàng đàn ông phong trần Daniel đam mê, cớ là làm sao nhỉ? Tuy nhiên, đây chẳng hề là một dự án "hường phấn" quá đà như phim tình cảm thời xưa của Hàn Quốc, khiến khán giả thấy khó hiểu lí do tại sao nam chính lại mê được nữ chính. Nàng Bridget Jones có cái duyên của riêng mình, bất cần và mỗi ngày sống trên đời luôn đi theo khẩu hiệu "yolo" (bạn chỉ sống có một lần). Ở bên một người như Bridget Jones, cuộc sống tràn ngập màu sắc chính là thế mạnh chẳng phải người phụ nữ nào cũng có được. Với nỗ lực thay đổi bản thân, từ giảm cân tới bỏ các thói quen xấu để kết hôn khi nhận ra mình sắp ế, liệu cô nàng sẽ đi theo tiếng gọi trái tim hay lí trí khi đứng giữa hai người đàn ông?
Có ai nhìn thấy bản thân mình trong Bridget?
3. The Devil Wears Prada (Yêu Nữ Thích Hàng Hiệu)
The Devil Wears Prada là một trong những dự án điện ảnh kinh điển của Hollywood mà ít có ai trong thế hệ 8x, 9x chưa từng xem một lần. Chạm đúng sự "u mê" về thời trang, ước mơ được trở thành nhân viên của một trong những đế chế hùng mạnh nhất, The Devil Wears Prada có hấp dẫn khán giả với câu chuyện tình yêu ngọt ngào, sự tranh đấu nơi công sở lẫn những cám dỗ khiến người ta thay đổi. The Devil Wears Prada đúng chuẩn một siêu phẩm "chick flick" để đời của hội chị em, một khi đã lọt hố là chẳng thể dứt ra được.
Chiếc poster huyền thoại chẳng cần nhìn tên phim cũng biết là phim gì.
Với sự góp mặt của "chị đẹp" Anne Hathaway, The Devil Wears Prada bắt đầu với cơ hội có một không hai của cô nàng Andy Sachs - một cô gái quê mùa và "mù tịt" về thời trang được tổng biên tạp chí thời trang nổi tiếng Miranda nhận làm trợ lí. Được chứng kiến hành trình thay đổi, sự lột xác về ngoại hình lẫn tính cách của Andy, The Devil Wears Prada tô vẽ một bức tranh đậm màu sắc của những cô gái trẻ thời hiện đại. Tuy nhiên, thành công chẳng tự đến nếu không có nỗ lực, và danh vọng buộc sẽ phải đi theo sự cô độc, Andy Sachs sẽ trở thành một Miranda thứ hai hay thành công với bản chất con người thật? The Devil Wears Prada đã dần tiết lộ cho khán giả với cách xử trí đầy hấp dẫn cho tới phút cuối cùng.
Và xem xong lại càng mê mệt Anne Hathaway.
4. Pitch Perfect (Sự Nổi Loạn Hoàn Hảo)
Liệu có mọt phim Mỹ nào không biết tới Pitch Perfect? Chưa cần bàn tới nội dung trọng tâm ra sao, Pitch Perfect đã hoàn toàn thu về một lượng fan cứng siêu xịn bởi phần âm nhạc cực đỉnh xuyên suốt 112 phút của bộ phim. Xoay quanh một nhóm các chị em lập nên dàn acapella của trường trung học Barden, Pitch Perfect không chỉ đơn thuần là phim âm nhạc huyền thoại của điện ảnh Mỹ.
Pitch Perfect đã qua 3 mùa, nhưng chắc chắn mùa 1 vẫn là đỉnh nhất.
Mỗi người một cá tính riêng, một người một giọng hát đặc biệt với thế mạnh của riêng mình, nhóm acapella có tên gọi Bellas theo đuổi đam mê được đứng trên sân khấu với sự hiếu thắng của cô nàng "tóc vàng" điển hình Aubrey, sự ép buộc để rồi tìm thấy giấc mơ của Beca tới những cô gái lập dị "buộc" phải có ở trường trung học: Amy mập và Lily. Với thời lượng chiếm phần lớn dành cho mảng ca hát, Pitch Perfect vẫn đủ khéo để xen lẫn "drama" trung học với chuyện tình yêu gà bông, những cuộc đấu đá không hồi kết giữa phe nam - phe nữ cùng điểm sáng nhất: âm nhạc. Pitch Perfect không chỉ là một dự án "chick flick" của phái đẹp mà còn là phim điện ảnh chẳng thể nào bỏ qua dành cho cánh mày râu.
Anna Kendrick "cầm trịch" là yên tâm nhé.
5. Confessions of a Shopaholic (Lời Tự Thú Của Một Tín Đồ Mua Sắm)
Nhắc tới phụ nữ, có ai là không nghĩ tới từ khóa gắn liền "đam mê mua sắm"? Trái ngược hoàn toàn với cô nàng quê mùa Andy của The Devil Wears Prada, cô nàng Rebecca (Isla Fisher) của Confessions of a Shopaholic lại là "thánh nghiện mua sắm". Những hóa đơn dài và đắt đỏ "cắt cổ", món nợ tăng dần theo cấp số nhân chỉ vì niềm đam mê với hàng hiệu, Rebecca chính là đại diện điển hình cho nhiều cô gái trong thế giới hiện đại xuyên suốt nhiều thập kỉ.
Nam chính gây mê cực mạnh cũng là điểm cộng cực lớn của bộ phim nhé!
Confession of a Shopaholic chính là dự án "chick flick" kinh điển giúp thức tỉnh niềm đam mê mua sắm vô tội vạ của hội chị em. Thế nhưng, tình bạn, tình yêu và sự thay đổi của Rebecca mới chính là điểm sáng của Confession of a Shopaholic thay vì nửa đầu phản ánh thực tế đáng quan ngại của các cô gái trẻ. Hơn nữa, tình tiết Rebecca được nhận vào một tạp chí tài chính - thay vì thời trang nhờ khả năng hiểu biết về thẻ tín dụng, mà tất nhiên cô có được nhờ nợ nần chồng chất đã mang tới nhiều góc nhìn rộng hơn cho thế hệ trẻ. Cơ hội có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào, thậm chí là từ hệ quả của những thói xấu chẳng thể ngờ tới.
Biểu cảm này có quen với hội chị em dịp cuối năm không?
Thăm dò ý kiến
Bạn đã xem phim nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
1. Crazy, Stupid, Love
2. Bridget Jones's Diary
3. The Devil Wears Prada
4. Pitch Perfect
5. Confessions of a Shopaholic