Ngày 24/5, người đàn ông tham quan điện Thái Hòa, thuộc Đại nội Huế, trèo qua hàng rào bảo vệ, đập gãy một số bộ phận của ngai vàng. Sự việc khiến nhiều người phẫn nộ.

Cục trưởng Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết ngay sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã công văn gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, yêu cầu tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

"Đây là sự việc đau lòng, xảy ra ở khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. May mắn là ngai vàng có bản sao, các hình ảnh chi tiết khi lập hồ sơ công nhân là bảo vật quốc gia, nên nhiều khả năng có thể phục hồi nguyên bản", bà Hiền nói.

ngai-vang-trieu-nguyen-1-17481-1456-9479-1748146537.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=quNMS_HyCRE4IKyllXwRjw

Ngai vàng triều Nguyễn khi còn nguyên vẹn. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Ngai vàng triều Nguyễn là biểu tượng quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Khác với nhiều ngai được đưa vào bảo tàng hay trưng bày trong kính, hiện vật được đặt trang trọng giữa gian chính điện Thái Hòa, không gian nghi lễ xưa của hoàng thất. Điều này tạo nên một "bảo tàng sống", nơi du khách có thể cảm nhận trọn vẹn không khí nghiêm trang, linh thiêng của hoàng triều.

Đây là nơi vua thường thiết triều với bá quan văn võ. Đây là trung tâm của nghi lễ hoàng gia, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại như lễ đăng quang, đại triều, tiếp sứ thần và các dịp lễ tiết quốc gia. Ngai vàng vì thế là biểu tượng quyền lực và là nơi thể hiện sự uy nghiêm tuyệt đối của thiên tử, người được "trời trao mệnh".

Ngai cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng lộng lẫy. Hiện vật được chế tác công phu bằng gỗ quý sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo với các họa tiết rồng mây ẩn hiện, hình tượng tượng trưng cho hoàng đế trong tư tưởng Á Đông. Lưng ngai nổi bật với hình ảnh "long vân khánh hội", xung quanh là những đầu rồng chầu về trung tâm, thể hiện thiên hạ quy phục về một mối, vua là trung tâm vũ trụ. Không chỉ mang giá trị lịch sử và chính trị, ngai vàng còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của mỹ thuật cung đình Huế.

ngai-vang-trieu-nguyen-3-17481-5814-3567-1748146537.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vYptutYh-m8uBTIA-B8tmg

Không gian trưng bày ngai vàng triều Nguyễn. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Theo các nhà nghiên cứu, ngai vàng có từ thời vua Gia Long hoặc vua Minh Mạng, tức vào đầu thế kỷ 19, giai đoạn đặt nền móng cho hệ thống lễ nghi và quyền lực tập quyền của triều Nguyễn, là chứng nhân lịch sử vững bền qua thời gian.

Tháng 1/2016, hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Ngai vàng triều Nguyễn chưa từng bị thất lạc hay rời khỏi điện Thái Hòa trong suốt hơn 200 năm. Ngay cả khi chế độ phong kiến sụp đổ năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, ngai vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Sau năm 1975, công tác trùng tu và bảo tồn ngai vàng được đẩy mạnh. Đặc biệt, từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993, ngai vàng trở thành một trong những trọng điểm bảo tồn.

Theo Cục trưởng Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền, pháp luật nghiêm cấm hành vi "xâm hại, hủy hoại di sản văn hóa", trong khoản 2 điều 9, Luật Di sản văn hóa 2024. Bộ luật hình sự đồng bộ với Luật Di sản văn hóa. Về chế tài, người phá hoại sẽ bị xử lý tùy theo mức độ, từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ cho đến phạt tù.

"Huế là địa phương thực hiện tốt công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Luật hiện hành có yêu cầu bảo vật quốc gia cần được bảo quản chế độ đặc biệt. Tuy nhiên, trong thực tế, quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, điều kiện ngân sách, tài chính của các địa phương còn hạn chế", bà Hiền nói thêm.

ngai-vang-trieu-nguyen-bi-dap-gay-1748131099.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4vSYeGJAlfw9AzaQ_59U6w
Ngai vàng triều Nguyễn bị đập gãy

Người đàn ông phá hoại ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa. Video: Xuân Hoa

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết trong điện Thái Hòa bố trí hai điểm bảo vệ, hệ thống camera giám sát. Thời điểm xảy ra sự việc, cán bộ an ninh thấy Hồ Văn Phương Tâm, 42 tuổi, ngụ ở phường Hương Long, quận Phú Xuân, có biểu hiện không bình thường, nên đã mời Tâm đi ra phía hậu điện. Song người này quay lại lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét và bẻ gãy phần tựa phía trước tay bên trái. Để tránh Tâm manh động, đập phá các hiện vật khác, nhân viên bảo vệ tiếp cận từ xa, nhắc nhở Tâm đi ra bên ngoài, đồng thời gọi điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ.

Đến 12h10 phút, họ đã khống chế Tâm, báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa bản sao của ngai vàng ra trưng bày tạm thời.

Với ngai vua triều Nguyễn bị hư hại, Trung tâm sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.

ngai-vang-trieu-nguyen-jpeg-17-4924-8340-1748146536.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=szZhUA-fzb1LyW27RGzrLw

Một số bộ phận ngai vàng triều Nguyễn bị đập gãy. Ảnh: Lan Hải

Theo ban quản lý, đây là tình huống hết sức hy hữu. Để phòng tránh sự việc tương tự, Trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh, an toàn trong khu di sản, nhất là đối với hiện vật, cổ vật là bảo vật quốc gia. Họ tập trung tăng số lượng các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ, tập huấn bảo vệ, xử lý các tình huống nguy hiểm, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn.

khong-che-nguoi-dan-ong-dap-gay-ngai-vang-trieu-nguyen-1748145694.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dCL9jzgcvYZEnFYReRHt2A
Khống chế người đàn ông đập gãy Ngai vàng triều Nguyễn

Khống chế người đàn ông đập gãy Ngai vàng triều Nguyễn. Video: Camera giám sát do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cung cấp

Võ Thạnh - Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022