Bao năm về làm dâu, chị đã phải nín nhịn, đã chịu đủ cảnh khổ rồi. Càng nghĩ càng bực thêm. Bà ta đúng là không còn chút liêm sỉ, không chút tự trọng nào. Giờ muốn về đây sống với vợ chồng chị á! Không đời nào.
Nghĩ lại những tháng ngày còn sống chung, chị thoáng rùng mình. Vậy mà chị đã trải qua hơn chục năm ở đó. Con gái lớn của chị cũng phải chịu cảnh như mẹ. Nó làm gì cũng phải len lén thăm dò ánh mắt của bà nội. Bà lơ đi, không thèm nói gì là được. Bà mà nhìn chằm chằm vào hoặc liếc xéo con mắt đang ánh lên vẻ giận dữ hay kèm theo khóe miệng hơi nhếch lên thì coi chừng, dừng lại ngay, dù là chuyện gì.
Nhớ ngày chị mới về làm dâu, bà xét nét từng chút một. Bạn bè đến nhà chơi thì bà nói xéo chuyện này chuyện kia, chị ngượng chín mặt. Bạn chị cũng vì thế mà chẳng bao giờ muốn đến nhà chơi nữa.
Ngày chị sinh con gái đầu, chồng đi công tác, bà chăm chị ở bệnh viện được đúng một ngày từ sáng đến tối xong bỏ về với lý do còn chăm ông. Chị khẽ "dạ" mà ngân ngấn nước mắt nghĩ tủi thân, ước gì mẹ đẻ của mình còn sống.
- Mẹ ơi, bà nội là ai vậy?
Thằng con trai ba tuổi của chị lắc tay mẹ hỏi. Đôi mắt nó mở to nhìn mẹ chờ đợi câu trả lời. Chị xoa đầu con, cười:
- Bà nội là người sinh ra bố con ạ!
- Vậy tại sao bà nội không ở cùng bố?
Chị cố nén tiếng thở dài, chỉ cho con xem những chiếc lá vàng xoay xoay rụng xuống khi có cơn gió thổi qua. Chị không muốn trả lời với con rằng "bởi vì bố không phải con của bà". Thằng bé có trò mới, quên ngay câu hỏi mà mẹ chưa kịp trả lời. Nó chạy tung tăng đuổi theo những chiếc lá. Chị cười mà lòng chợt chùng xuống, thương tuổi thơ của con gái nhiều hơn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Chị không thể quên được bữa ăn hôm đó, nhà có khách. Cũng chẳng phải ai xa lạ, là bà cụ mẹ của bố chồng chị và đứa cháu nhà bác Hai ở quê ra chơi. Mâm cơm được dọn ra, cả nhà vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Con gái chị gặp món mình thích thì reo lên rồi vội vàng nhón đũa gắp. Bỗng nó giật bắn mình đánh rơi cả miếng đồ ăn khi nghe tiếng bà nội:
- Để xuống. Con gái mất nết, bà cố còn chưa ăn.
- Thôi, thôi, đừng trách con nhỏ, ăn đi cháu.
Bà cụ xua xua tay và giục con bé ăn nhưng nó nào dám nữa. Chị Hoa thấy miệng mặn chát, nén lòng xin lỗi mẹ chồng và cả nhà. Anh Tuấn, chồng chị, cũng vội vàng xin lỗi mẹ. Vậy mà bà ấy vẫn không vừa lòng:
- Dạy con từ thuở còn thơ. Giờ không dạy, sau lớn dạy không được rồi lại bảo: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".
Chị Hoa nhớ bà còn nói thêm một tràng nữa mà tai chị lúc đó cứ ù đi vì vừa xấu hổ vừa thương con. Bữa ăn hôm đó trở thành cực hình đối với vợ chồng chị và con gái.
Chị Hoa vươn vai, hít hà thật sâu mùi hoa sữa thoang thoảng, cười nhìn thằng con đang chầm chậm bước chân tới chỗ mấy con chim bồ câu. Chị cương quyết, không đời nào đồng ý để chồng đưa bà ấy về ở cùng. Nghĩ đến tự nhiên lại thấy giận chồng, sống với bà mẹ kế đó hơn ba mươi năm, nếm đủ cảnh khổ, chịu đủ sự hình hạc, giày vò rồi mà chưa sợ hay sao giờ còn đòi đưa bà ấy về đây sống. Thật là, chẳng hiểu nổi chồng đang nghĩ gì nữa.
Bà Ngân về lại thành phố thuê phòng trọ ở. Chứ giờ bà cũng chẳng còn biết đi đâu. Mà về nhà Tuấn thì bà không còn mặt mũi nào. Bà ngồi buồn, không nghĩ rằng cuối cùng mình lại rơi vào cảnh này.
Ngày bà Ngân lấy bố Tuấn, mẹ Tuấn đã mất được năm năm. Những tưởng sẽ thương yêu được con chồng nhưng khó quá, nhất là năm sau bà cũng sinh được một thằng con trai. Bao nhiêu tình yêu thương bà dành hết cho thằng con mình rứt ruột đẻ ra. Còn Tuấn, ngày mới về, bà thấy ánh mắt nó lúc nào cũng buồn buồn thì tội nghiệp nhưng dần dà bà ghét. Mà đã ghét thì hắt hủi, khắt khe. Mọi việc Tuấn làm, bà đều thấy chướng mắt. Vậy nhưng trước mặt chồng, bà lại là người mẹ quan tâm đến con riêng của chồng. Cũng may, Tuấn chẳng bao giờ hé răng nói với ba nó.
Bà ghét Tuấn, ghét luôn cả vợ con Tuấn. Lẽ ra gia đình này chỉ nên có bà, chồng bà và vợ chồng con trai cùng cháu nội của bà. Vậy mà con trai bà thì đi làm và định cư ở xa, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Bà phải đấu tranh, thuyết phục chồng mãi, ông ấy mới chịu bán nhà, chia cho thằng con một nửa để nó mua nhà, mua đất làm ăn. Bà bảo:
- An cư mới lạc nghiệp. Nó đi làm ăn xa, thiếu thốn tình cảm gia đình đã thiệt thòi rồi, bây giờ ông định để nó ở trọ mãi sao. Nó cũng là con ông mà. Giờ bán nhà này đi, chia cho nó một nửa, thằng Tuấn một nửa mua cái nhà khác. Vậy là hai anh em nó đều có nhà.
- Còn vợ chồng mình?
- Vợ chồng mình ở với vợ chồng thằng Tuấn, sau này chết thì nhà đó cho nó chứ cho ai. Em nó đã có phần rồi.
Bà nói mãi chồng cũng đồng ý. Vợ chồng Tuấn thì chẳng ý kiến gì.
- Ba mẹ quyết định sao chúng con nghe vậy.
Bà đắc ý, con mình không thể chịu thiệt được.
Bà nhớ con, nhớ cháu, lâu lâu lại khăn gói một chuyến đi thăm chúng nó một - hai tuần. Bà chỉ mong một ngày nào đó được ở hẳn cùng con mình, khỏi phải đi lại xa xôi. Ở để còn phụ giúp chúng nó công việc nhà chứ chúng buôn bán bận tối ngày. Nghĩ vậy, bà lại thêm ghét Tuấn, công việc nhàn nhã. Nhiều lúc bà oán trách ông trời sao bất công, cái đứa mình muốn ở gần thì lại đi làm ăn xa, cái đứa mình muốn nó đi xa cho khuất mắt thì lại tối ngày nhìn thấy mặt. Bởi vậy, khi ba Tuấn đột quỵ nằm đó, bà đâm ra hậm hực, bởi phải ở nhà chăm ông, chẳng mấy khi được lên thăm thằng con nếu không có lý do nào đặc biệt. Cũng không ai cấm cản được bà đi hay không nhưng nếu chồng nằm đó mà đi chơi thì bà sợ hàng xóm xung quanh người ta dị nghị.
Rồi từ ngày ông ấy mất, đều đặn mỗi tháng bà lên thăm thằng con ruột một tuần. Nhưng đến khi giỗ đầu ông xong, bà chuyển lên đó ở hẳn. Bà bảo vợ chồng Tuấn:
- Mẹ gần đây cứ đau nhức trong người, đêm đến không ngủ được. Trên chỗ thằng Thịnh có ông thầy lang châm cứu tốt lắm, mẹ lên đó ở với tụi nó, chúng nó lo chữa cho xem có đỡ không chứ cứ như thế này thì chết sớm thôi.
Lần đó, Tuấn đưa bà đi, cũng là để gửi gắm mẹ cho thằng em. Trước khi về, Tuấn đưa vào tay bà một bọc tiền nói là biếu mẹ để chữa bệnh. Tuấn vừa quay lưng về, bà đã giở ra đếm. Vừa chẵn hai chục triệu.
Lâu lâu, Tuấn lại gọi điện hỏi thăm xem bà đỡ nhiều chưa, có cần gì thì Tuấn nói vợ chuẩn bị gửi lên cho. Mỗi lần nghe điện thoại, bà lại kêu nhức mỏi, giọng nói như hụt hơi. Rồi thì bà bảo mẹ ở đây đủ cả, em nó chăm sóc chẳng thiếu thứ gì, chỉ là nhớ dưới nhà thôi. Vậy là bà chẳng nói thiếu gì thì Tuấn vẫn đi mua những thứ quà mà bà thích, đóng thùng gửi xe lên. Bao giờ cũng kèm thêm vài triệu đồng biếu mẹ.
Ba năm sau, bà trở về. Nhìn vẻ mặt vui mừng của Tuấn khi ra bến xe đón, bà thấy khó chịu. Bà trả lời những câu hỏi thăm vồn vã của Tuấn một cách hời hợt, miễn cưỡng bởi trong đầu bà còn đang suy nghĩ về lời dặn dò của vợ chồng thằng con đẻ trước khi bà về.
- Mẹ à, mẹ ăn cơm đi, cơm chay quán này ngon có tiếng luôn. Con mua tít đường Thành Thái đấy. Quán đông khách, con phải chờ nên về hơi muộn.
Tiếng của Tuấn cắt ngang dòng suy nghĩ của bà. Bà nhìn Tuấn, ngại ngùng:
- Cứ để mặc mẹ. Con về đi. Từ nay, con bớt đến, chứ không thôi vợ con nó biết, vợ chồng lại bất hòa.
- Mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều. Vợ con không phải là người vô tình đâu, chỉ tại…(ngập ngừng). Chờ cô ấy nguôi nguôi, con sẽ thuyết phục được thôi. Để mẹ ở đây một mình, con không yên tâm.
Nghe Tuấn nói, bà Ngân quay đi, lén lau giọt nước mắt đang lăn nhanh trên gò má nhăn nheo. Bà thấy xấu hổ và có lỗi với Tuấn. Bà nhớ đến việc bà toan tính, làm mình làm mẩy, dọa kiện ngược kiện xuôi bắt vợ chồng Tuấn phải bán cái nhà (mà lẽ ra thuộc phần của Tuấn) rồi chia cho bà một nửa. Tiền đó, bà mang cho vợ chồng con đẻ để chúng vui mà chẳng quan tâm vợ chồng Tuấn phải vay mượn ngược xuôi thêm vào mới mua được ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm nhỏ của thành phố. Vậy mà cuối cùng khi bà đổ bệnh thật thì con đẻ lại hùa với vợ nó đuổi khéo bà đi.
Cứ nghĩ đến đó, miếng cơm trong miệng bà lại trở nên nghẹn ứ. Bà ngây người, cổ rướn lên, nước mắt trào ra. Tuấn vội vã lấy nước đưa bà uống rồi đưa tay vuốt ngực cho bà. Bà đưa bàn tay run run cầm lấy tay Tuấn, nghẹn ngào:
- Tuấn à! Mẹ xin lỗi con. Mẹ có lỗi với vợ chồng con nhiều lắm. Mẹ…
Bà khóc nấc lên, giọng nghẹn lại, chẳng còn nói thêm được gì nữa.
Tuấn để yên tay mình trong tay của người mẹ đang run rẩy, bàn tay còn lại đặt nhẹ lên tay bà. Anh mỉm cười mà nước mắt trào ra. Một cảm giác ấm áp mà anh mong mỏi bấy lâu nay, đó là cảm giác của hơn ba mươi năm về trước, khi ngày đầu tiên một đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng được gọi tiếng "Mẹ".