Nghệ sĩ ra mắt vở diễn tại sân khấu mới ở Nhà văn hóa sinh viên (quận 3). Vở lấy cảm hứng từ loạt ca khúc âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn, được biên soạn từ nhạc truyện cùng tên của ông.

hong-van-1-7153-1694924128.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-QzuNpdEKmJ0I4G88laKYw

Hồng Vân (trái) - vai bà Hai và Cẩm Ly - vai con gái bà, Tư Liễu. Ảnh: Mai Nhật

Tác phẩm lấy bối cảnh ở một cù lao, xoay quanh Tư Liễu (Cẩm Ly đóng) - cô gái miền Tây yêu chàng trai thành thị Hai Nông (Minh Luân). Vì chuyện học hành, anh buộc chia xa người yêu rồi bặt vô âm tín, bỏ lại cô với bụng bầu ngày càng lớn.

Mặc lời dị nghị, Tư Liễu sinh con, đặt tên là Bông Cánh Cò (Tuấn Dũng). Cò lớn lên trong sự che chở của bà ngoại Hai (Hồng Vân) và cậu Út Lời (Thanh Duy). 12 năm sau, Ba Cải (Thanh Thủy) - bà nội Cánh Cò - về miệt cù lao, tìm cách nhận lại cháu. Từ đây, xung đột nổ ra ở miền quê nghèo.

Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Hồng Vân sau nhiều năm không diễn kịch dài, tập trung cho lớp đào tạo diễn xuất. Góp mặt với vai phụ, nghệ sĩ trở thành điểm nhấn của tác phẩm khi hóa thân người bà nghèo. Hồng Vân xuất hiện từ những phân cảnh đầu với nét diễn chân chất, mộc mạc. Mưu sinh bằng nghề bán đồ ăn vặt, bà dành trọn tình thương cho Cánh Cò vì biết cậu thiệt thòi, thiếu cha. Những lúc Cò bị bạn bè trong lớp trêu "thằng con hoang", bà nuốt nước mắt, ôm cháu vỗ về.

Hồng Vân đẩy dần cảm xúc người xem bằng biểu cảm tự nhiên, hạn chế lạm dụng kỹ thuật diễn. Ở cảnh bà Hai lần đầu gặp bà Ba Cải, cách nhân vật gằn giọng, cương quyết không chịu nhường cháu lấy nhiều tiếng vỗ tay từ khán giả. Trong phân đoạn Cò gối đầu nằm ngủ trên chân bà ngoại, nghệ sĩ tạo nhiều khoảng lắng cảm xúc khi cất giọng hát Giấc ngủ trên tay trong tiếng đàn bầu.

hong-van-lay-nuoc-mat-khan-gia-khi-tai-xuat-san-khau-1694923532.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BMPvNX9D4sc_naHOfw4iTg
Hồng Vân lấy nước mắt khán giả khi tái xuất sân khấu

Phân đoạn bà Ba Cải (Thanh Thủy) gặp bà Hai (Hồng Vân) để xin lại cháu nội. Video: Mai Nhật

Càng yêu cháu, bà Hai càng xót xa cho đời con gái dang dở của Tư Liễu. Giọng thoại của Hồng Vân đượm vẻ trách móc lẫn thương cảm khi bà Hai mắng con gái dại dột, một lòng một dạ với người cũ: "Suốt cuộc đời, mày đã vui được ngày nào chưa?".

Để tác phẩm không đi sâu vào các phân đoạn bi lụy, có lúc, Hồng Vân tung hứng với Thanh Thủy, giúp bầu không khí trở nên nhẹ nhàng, vui tươi. Mối quan hệ giữa hai người bà vốn được xem là "oan gia", khắc khẩu. Dù vậy, họ đồng cảm, xót xa cho nhau bởi ai cũng có nỗi khổ khi thấy hạnh phúc con cháu không trọn vẹn.

Ngồi ở hàng ghế khán giả, nghệ sĩ Lê Khanh thỉnh thoảng lau nước mắt. Chị cho biết nể phục Hồng Vân khi đứng ra làm nhạc kịch - thể loại chị ao ước thực hiện nhưng chưa tự tin. "Diễn xuất của Hồng Vân và các nghệ sĩ chạm đến trái tim tôi, từ cách họ tung hứng mảng miếng hài đến các phân đoạn tâm lý, mà vẫn giữ bình tĩnh để hát tốt", chị nói.

Thanh Thủy góp mặt vào dự án phút chót, đóng thay khi Hồng Đào rút vai vì sự cố sức khỏe. Chị nhập vai tự nhiên, bắt được nhịp chung của vở kịch dù chỉ có ba ngày tập. Biểu cảm bà Ba gặp lại cháu nội, thương cảm cảnh đời Tư Liễu được nghệ sĩ khắc họa trọn vẹn. Thanh Thủy cũng chứng tỏ sự ăn ý với Hồng Vân trong các cảnh nhân vật đụng độ, đấu khẩu nhờ hiểu rõ lối diễn của đồng nghiệp lâu năm.

Lần đầu đóng nhạc kịch, Cẩm Ly vào vai tròn trịa với nhân vật người mẹ đơn thân. Không mạnh về kỹ thuật diễn, ca sĩ trút tâm tư vào các tiết mục hát, như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bông bí vàng. Tuấn Dũng tỏa sáng trong vai Cánh Cò, với phân cảnh cậu bé gặp lại cha sau nhiều năm. Qua tiếng hát của diễn viên 31 tuổi,ca từ bài Sa mưa giông gợi nỗi xót thương khi nói lên nỗi lòng nhân vật: "Cha ơi, sao cha chưa về, nhà trên bếp dưới vắng tanh/ Ðợi với trông mỏi mòn ngoài kia mưa dầm...".

cam-ly-1-1410-1694924128.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OyDpBo96xiPTip3WEmrJDg

Tuấn Dũng - vai Cò bên Cẩm Ly. Ảnh: Mai Nhật

Tác phẩm đánh dấu sự ra mắt sàn diễn mới của Hồng Vân sau khi đóng cửa sân khấu Phú Nhuận vì kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng. Ban đầu, Hồng Vân dàn dựng tác phẩm cho học viên khóa diễn xuất của chị thi tốt nghiệp. Thấy chất liệu kịch bản tốt, chị mời nhạc sĩ Minh Vy làm giám đốc âm nhạc, đạo diễn Tuấn Anh dựng lại theo thể loại nhạc kịch.

Vở diễn được tổ chức liên tiếp trong bảy ngày, toàn bộ vé đã bán hết. Hồng Vân cho biết sắp tới sân khấu hướng đến những tác phẩm phát huy dòng nhạc dân ca Nam bộ, và xa hơn là nhạc kịch về sử Việt. Nghệ sĩ dự định dựng lại Nỏ thần - tác phẩm gây tiếng vang một thời - với phiên bản sử ca để tri ân thầy chị, cố tác giả Lê Duy Hạnh.

Hồng Vân sinh năm 1966, quê Bắc Ninh. Từ năm 1989 đến năm 2000, nghệ sĩ là diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, cũng như quen mặt với khán giả qua nhiều phim truyền hình, điện ảnh. Năm 2001, Hồng Vân là "bà bầu" của sân khấu kịch Phú Nhuận, SuperBowl. Năm 2012, Hồng Vân nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chị kết hôn với diễn viên Lê Tuấn Anh năm 2003, có ba con.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022