Sau triển lãm Sắc màu Sapa năm 2003, Hoàng Thế Nhiệm được biết đến như một nhà nhiếp ảnh rành Sapa đến từng ngóc ngách.

Cho đến Bốn mùa vẫy gọi - triển lãm từ 7 đến 14/3/2010 tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội - nhận định trên vẫn có thể giữ nguyên, chỉ cần thay Sapa bằng Việt Nam.

Mua%20xuan_2.jpg

“Mùa xuân”. Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

Qua những tấm ảnh toàn cảnh (50X150cm) của Hoàng Thế Nhiệm, cảnh sắc Việt Nam hiện lên với những góc nhìn độc đáo. Riêng đỉnh Fansipan, Hoàng Thế Nhiệm đã leo lên ba lần và lưu lại tổng cộng 15 ngày đêm. Lần ở lại lâu nhất là tám ngày bảy đêm.

Biết rằng sau bão, ánh sáng bao giờ cũng ấn tượng nên ở Sapa biết là có bão anh vẫn đi. Anh và người bạn đồng hành đã nằm lì trên độ cao hơn 3.000m đợi cơn bão qua để có vài kiểu ảnh nóc nhà Đông Dương cho lần triển lãm này.

Với Hạ Long, anh cũng chọn cách tiếp cận từ trên các đỉnh núi lạ ở giữa biển vào những lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Để có hình ảnh con sông Nho Quế giống như nhìn từ máy bay, nhà nhiếp ảnh phải nằm vùng 12 ngày, mỗi ngày bốn lần lên xuống núi.

Hiện, Hoàng Thế Nhiệm có năm chiếc xe máy gửi nhà người quen khắp các vùng (Hà Nội, Hà Giang, Nghệ An, Nha Trang, Châu Đốc…) để tiện tác nghiệp. Anh cho hay chỉ có Trường Sa là anh chưa có cơ hội đến. Và nếu có chụp Trường Sa, anh cũng sẽ qua lại nhiều lần để tìm ra vẻ đẹp riêng của nơi đây so với các vùng biển khác rồi mới bấm máy.

1268559125_Hoang%20The%20Nhiem.jpg

Để có một hình ảnh ưng ý trong triển lãm, anh có thể đã hàng vạn lần bấm máy ở cùng một địa điểm. “Phải cày đi xới lại nhiều lần một vùng đất, mới mong chụp được cái hồn của nó,” nhà nhiếp ảnh nói.

Để sở hữu một bức ảnh trong triển lãm, khách hàng phải bỏ ra 250 -300USD, chưa bao gồm khung. Được biết, giá này mới chỉ bằng 1/3 so với giá bán ở nước ngoài.

Ai mua ảnh sẽ được tặng một cuốn sách trị giá 50USD nằm trong bộ bốn cuốn Xuân, Hạ, Thu, Đông - bìa bọc lụa Vạn Phúc (Hà Đông), in tại Singapore.

Hơn 60 bức ảnh triển lãm trích từ bộ sách này. Mỗi tấm ảnh chỉ được in tối đa 200 bản, được bảo hành tới 100 năm về chất lượng giấy, mực. Nếu tác giả in thêm quá số bản đã đăng ký, bị phát hiện, theo thông lệ quốc tế sẽ phải ra tòa và có thể bị phạt gấp 20 lần giá bán ảnh.

Theo đạo diễn Xuân Phượng- đại diện gallery Lotus - nhà tổ chức triển lãm cho Hoàng Thế Nhiệm: “Tôi thấy lạ khi từng có người của một phòng triển lãm hỏi xin phim của Hoàng Thế Nhiệm để phóng treo ở nhà. Phải đánh giá cho đúng công sức, tài năng và tiền bạc mà nghệ sĩ phải bỏ ra để có tác phẩm”.

Được biết, không chỉ khách nước ngoài mới chơi ảnh Hoàng Thế Nhiệm. Khách ở Tp. Hồ Chí Minh không chỉ mua tại triển lãm mà còn đặt hàng qua trang web giới thiệu 700 tác phẩm của Hoàng Thế Nhiệm.

Gallery của bà Xuân Phượng thường chỉ chăm sóc các họa sĩ. Hoàng Thế Nhiệm là nhà nhiếp ảnh duy nhất được bà o bế, sau một lần xem ảnh của anh triển lãm tại Sapa.

Chính Xuân Phượng là người đưa được ảnh Hoàng Thế Nhiệm ra nước ngoài: Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Mỹ, Singapore… bắt đầu từ loạt ảnh Việt Nam - toàn cảnh (triển lãm tại Tp. Hồ Chí Minh 2006). Bà cũng là người đưa ra ý tưởng cho triển lãm và viết lời cho bộ sách lần này.

Sau khi triển lãm ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Bốn mùa vẫy gọi sẽ sang Anh.

Trong 19 lần triển lãm của anh, chỉ có ba lần ở trong nước. Anh tự hào là nhà nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên ngồi ký tặng sách trên đại lộ Saint Elyseé.

Kinh doanh các ấn phẩm nghệ thuật trên toàn châu Âu, với trung tâm triển lãm thu hút 5 - 6 vạn khách tham quan mỗi ngày, thường nhà tổ chức FNAC (Pháp) chỉ chấp nhận những nghệ sĩ có tuổi nghề 40 năm trở lên hoặc phải đoạt ít nhất ba giải thưởng quốc tế. Nhưng họ đồng ý treo ảnh Hoàng Thế Nhiệm ngay sau khi xem.

Hoàng Thế Nhiệm khẳng định phong cách mà anh theo đuổi là nhiếp ảnh hiện thực và không dàn dựng trong studio. Một vài bức ảnh anh sử dụng máy ảnh hồng ngoại hoặc tử ngoại để đem lại những hiệu ứng khác lạ: lá cây trắng xóa, hoặc nhìn rõ các chi tiết trong bóng tối…

Hoàng Thế Nhiệm tỏ ra bất bình về sự chắp ghép trong một số tác phẩm nhiếp ảnh phong cảnh Việt Nam. Vì khi đến nơi, những gì anh thấy tận mắt khác xa trong ảnh.

* Vốn công tác trong ngành vô tuyến hàng hải, chỉ có thú vui sưu tập máy ảnh. Trong một lần theo CLB nhiếp ảnh Thanh Niên đi chụp, Nhiệm đã bị lôi cuốn và quyết định bỏ công việc được coi là ngon thời bấy giờ để theo nhiếp ảnh. Khi đó anh đã 35 tuổi.

Theo TIENPHONG.VN

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022