Hiện nay, các tay chụp đang rất khó khăn về “nguồn cung” này, nhất là với những người chụp chưa có tên tuổi.
Khó như… làm người mẫu nude
Để có một bộ ảnh nude nghệ thuật hoàn hảo thì khả năng diễn của người mẫu là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả với Bằng Lăng, cô người mẫu chuyên nghiệp đã làm nghề hơn 10 năm thì “diễn” để chụp một bộ ảnh nude “khó hơn diễn thời trang gấp chục lần!” - Bằng Lăng chia sẻ về bộ ảnh nude chị chụp lúc mang bầu bé Oskar, đứa con đầu lòng.
Nhiếp ảnh gia kiêm nhà thiết kế Trương Thanh Hải
“Chụp thời trang chỉ cần 5 phút là có cả loạt hình dùng được. Còn chụp nude, 3 tiếng, chụp đi chụp lại cả ngàn lần cuối cùng chỉ chọn được có 6 tấm.” Trước đó, Bằng Lăng đã có ý định chụp bộ ảnh nude này bởi cả chị và ông xã Claas Schaberg đều cho rằng “giai đoạn mang thai em bé là quá trình đẹp nhất, đặc biệt nhất của người phụ nữ.” Bằng Lăng đã chuẩn bị ý tưởng rất lâu trước khi thực hiện bộ ảnh. Thế nhưng, đứng trước ống kính của nhiếp ảnh gia Trương Thanh Hải chị liên tục bị “chê”: “Trời, mang bầu mà mặt bả ác thấy sợ luôn dzậy đó? Diễn lại!”...
Khi thực hiện loạt hình này, Trương Thanh Hải muốn thể hiện hình ảnh Bằng Lăng với gương mặt thật yên bình, hạnh phúc nhưng vẫn pha chút kiêu hãnh của bà mẹ. “Cái khó là không được thể hiện điều đó một cách quá lộ liễu, bởi vậy cứ chụp đi, chụp lại, coi thấy chưa ưng ý, lại chụp tiếp”. Anh Hải chia sẻ.
Còn đối với chị Trang, người từng làm mẫu cho nghệ sĩ thị giác Kim Hoàng trong bộ ảnh nude nghệ thuật “Closer” thì cái khó nhất là “thoát khỏi cảm giác ngượng ngịu khi nude hoàn toàn trước mặt một người không quá thân thiết”.
Trang cho biết, chị phải mất 20 phút để thoát khỏi cảm giác đó và diễn cho tốt ý đồ mà Kim Hoàng đưa ra. Thế mà buổi chụp hơn 2 tiếng, cả hai cũng chỉ chọn được vài 3 tấm ưng ý, đấy là chưa kể với bộ ảnh nude Closer, người mẫu chỉ cần diễn những chuyển động đơn lẻ của cơ thể, chưa cần phải kết hợp ngôn ngữ cơ thể với biểu cảm nét mặt.
Tay chụp nude trẻ Trần Trung Lĩnh
Khi người mẫu “lấy người làm mẫu”
Khác với chụp thời trang, khi chụp nude người mẫu không thể nhờ vào sự hỗ trợ của trang phục hay phụ kiện. Tất cả những gì họ có thể dùng chỉ là… ngôn ngữ cơ thể. Đây là điều không dễ ngay cả với người mẫu chuyên nghiệp.
Thái Phiên đưa cho chúng tôi đọc những dòng tâm sự xúc động của một người mẫu: “Máy đã chuẩn bị xong, em take off đi!”- Tôi nghe anh nói mà rụng rời chân tay, luống cuống đi vào rồi lại đi ra, không cách nào thoát y được. Tôi chẳng thể nào diễn tả được cảm giác của mình, nhưng lúc đó tôi mới hoàn toàn hiểu được hết cái cảm giác của một cô người mẫu nào đó, đã đồng ý chụp ảnh mà lại không thoát y được và phải chịu thua…Một lần nữa lòng kiêu hãnh đã chiến thắng, tôi đã vượt qua được cửa ải mà tôi cho là khó khăn nhất. Công việc làm mẫu nude cũng không ghê gớm như tôi tưởng. Thực ra đây cũng chỉ là một loại công việc khá đặc biệt mà ở đó mỗi người đều phải có một niềm tin vào những gì mình đang làm…”.
Tôi nghe anh nói mà rụng rời chân tay, luống cuống đi vào rồi lại đi ra, không cách nào thoát y được...
Khó khăn là thế, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được cái khổ của công việc làm mẫu ảnh nude. Không ít người cho rằng nude không phù hợp với văn hóa Việt, hoặc những người mẫu chụp nude chẳng qua là muốn “khoe” cơ thể, và đó chính là rào cản lớn nhất ngăn cách ảnh nude nghệ thuật đến với đông đảo người xem.
Bằng Lăng chia sẻ: “Theo một số quan niệm thì thấy “hở” một tí là cho rằng “không được tinh khiết”. Nhưng thực ra, đối với ảnh nude mình nên nhìn nó dưới góc độ nghệ thuật. Hãy chú ý đến những điều tấm ảnh muốn gửi gắm đến người xem”. Bằng Lăng lấy ví dụ khi đóng phim: Nếu diễn cảnh tắm mà diễn viên mặc áo quần khi đi tắm thì chắc chắn khán giả sẽ gào lên: “Tắm mà lại mặc quần áo! Điên thật!”. Nhưng ngược lại, nếu không mặc áo quần thì mọi người sẽ trầm trồ: “Trời, diễn gì mà sexy quá!”. “Thật ra, đó là do nhiều người chưa quen với loại hình nghệ thuật này, nếu có nhiều cuộc triển lãm hơn mọi người sẽ có cái nhìn khác đi!”, Bằng Lăng tâm sự.
Một tấm ảnh, vạn giọt mồ hôi
Với Hạo Nhiên, trước buổi chụp, anh vô cùng căng thẳng với bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu: Phải chọn góc độ, phải đánh sáng thế nào để làm bật lên đường cong mà ảnh không bị phô? Phải làm thế nào để mẫu cảm thấy thoải mái và có thể diễn “phiêu” hết mức? Phải tạo dáng như thế nào để những tấm ảnh mình chụp ra có một cái gì đó mới lạ, không lẫn vào đâu được…
Những câu hỏi cứ bám riết anh cho đến khi vào phòng chụp. Thế rồi khi thật sự cầm máy, sau những tấm ngượng ngùng đầu tiên anh đã có được những tấm ảnh khá tự nhiên của mẫu. Thế nhưng lúc đó, một điều khác khiến anh phân tâm là: “Thấy cái gì cũng đẹp, cũng muốn chụp”. Có lần, Nhiên chụp liên tục, thử hết góc này đến góc khác, chụp cả ngày, hơn cả nghìn file ảnh, cuối cùng chỉ chọn ra được khoảng hơn 20 tấm là “tạm được”, “mà chỉ tạm được vào thời điểm đó thôi, chứ nếu bây giờ mà chỉ chụp được như thế thì lại thấy… chưa hài lòng!” Hạo Nhiên nhớ lại.
Còn với Trần Trung Lĩnh, nhiều lần chụp ảnh đã bị kéo dài thời gian vì tính “cực đoan” của anh: “Khi chụp nude, tôi không bao giờ dùng photoshop để chỉnh sửa lại, bất kỳ 1 tấm ảnh nào! Bởi tôi tôn trọng tất cả những gì thuộc về người mẫu!”. Chính sự khắt khe này đã “hại anh”, gây nên những sự cố rất buồn cười. “Có những mẫu dáng rất đẹp nhưng lại bị một vài khuyết điểm nhỏ về da, bị sẹo, hoặc có những phần da không được đẹp, thế nên sau khi đánh đèn, chuẩn bị máy xong tôi mất một lúc tần ngần vì không biết phải chụp làm sao. Cuối cùng, phải đổi ý tưởng, chụp góc khác”.
“Người mẫu” Trang chia sẻ: “Đối với nghệ thuật, không có biên giới của sự “không phù hợp”. Nude nghệ thuật hay những loại hình nghệ thuật khác đều cần sự sáng tạo. Những cái nhìn mới mẻ và sâu sắc của người nghệ sĩ sẽ khơi mở những quan niệm bó hẹp và cái nhìn cũ. Không nên so sánh nude nghệ thuật với.