Cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trình diễn dân ca và bolero Việt Nam 2023" là sự kết hợp giữa ứng dụng nền tảng số VDONE và sân khấu truyền thống, tạo sự lan tỏa, tương tác giữa thí sinh và người hâm mộ qua nền tảng công nghệ

Tạo dữ liệu số về âm nhạc

Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Công nghệ VIPTAM, Công ty CP Truyền thông sự kiện D&B đã tổ chức cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trình diễn dân ca và bolero Việt Nam 2023".

Cuộc thi bao gồm 12 dòng nhạc dân ca và bolero kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trên toàn quốc, gồm: dân ca Bắc Bộ, dân ca quan họ, sân khấu chèo, dân ca Trung Bộ, sân khấu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, sân khấu dân ca Huế - Bình Trị Thiên, sân khấu dân ca bài chòi, dân ca Tây Nguyên, sân khấu dân ca Khmer; dân ca Nam Bộ, sân khấu cải lương và bolero.

8-thumbnailchot-trang-8-1688393171752358683771.jpg

Ban tổ chức trao giải thưởng cho 10 thí sinh có lượt tương tác cao từ công chúng khi tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trình diễn dân ca và bolero Việt Nam 2023”

Những ứng viên dự thi sẽ được đánh giá, chấm điểm trên nền tảng số tạo sự minh bạch và công bằng cho các thi sinh dự thi. Ứng viên cũng có thêm thu nhập từ bình chọn bằng vote (bình chọn) của người hâm mộ. Điểm của thí sinh sẽ bao gồm điểm bình chọn trực tiếp trên app VDONE của người hâm mộ, điểm của ban giám khảo, điểm của hội đồng chuyên môn và nhà báo.

Cuộc thi "Tìm kiếm tài năng trình diễn dân ca và bolero Việt Nam 2023" sẽ được phát sóng trực tiếp trên nền tảng VDONE thông qua công nghệ Livestream, đồng thời tạo dữ liệu số về các loại hình âm nhạc, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống thông qua nền tảng số.

NSND Kiều Oanh phấn khởi cho rằng: "Cuộc thi này sẽ góp phần trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trong thời đại mới. Tạo ra một sân chơi văn hóa lành mạnh, để mọi người trong đó có số đông giới trẻ xích lại gần nhau, xóa nhòa ranh giới về không gian, thời gian, phát huy tính đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước".

Dữ liệu số để lưu truyền

Các nhà chuyên môn cho biết chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là cần thiết. Số hóa dữ liệu sẽ góp phần tôn vinh, phát huy, lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM, sau đại dịch COVID-19, việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực phát triển rất nhanh, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, cần xây dựng một đề án về ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 đối với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Đề án phải giải đáp được những câu hỏi: bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống như thế nào, phát triển ra sao?

"Đề án cũng phải làm rõ được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ số vào văn hóa nghệ thuật truyền thống, có nghiên cứu biện chứng, nhìn nhận vấn đề có sự tổng thể, toàn diện" - ông Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh.

NSƯT Lê Thiện cho rằng việc ứng dụng công nghệ số vào nghệ thuật truyền thống cần đi vào những kiến thức cụ thể, hỗ trợ ca sĩ, nghệ nhân và người yêu âm nhạc có thêm kiến thức về ngành nghề, để cùng hướng đến việc lưu giữ các bài hát, biến tất cả những làn điệu, kiến thức thành dữ liệu số để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, sự phát triển mạnh mẽ của internet cùng với sự ra đời các nền tảng phát trực tuyến trên mạng xã hội: Spotify, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok, Facebook... đã đặt ra cho ngành công nghiệp âm nhạc và nghệ thuật truyền thống nhiều thách thức. Vì vậy, công tác lưu trữ sẽ góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân các vùng miền Việt Nam. Đồng thời, cũng tôn vinh, phát huy, lan tỏa nghệ thuật trong đời sống cộng đồng. 

Những người trong cuộc đề xuất cần sớm có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ về âm nhạc, văn học dân gian, biên đạo những cuộc trình diễn đại chúng và lễ hội, biết vận dụng các thành quả thích hợp của công nghệ 4.0 vào các công việc sưu tầm dân ca.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022