Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bùi Đình Hạc là một trong những nhà làm phim thành danh ở cả hai thể loại tài liệu và phim truyện. 

Nhắc đến ông là nhắc đến những kiệt tác tài liệu như: Nước về Bắc Hưng Hải, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về Tổ Quốc, Hồ Chí Minh - chân dung một con người, Hà Nội-12 ngày đêm…

NSND Bùi Đình Hạc qua đời chiều 1/7/2023, hưởng thọ 90 tuổi.

Người mang hơi thở cuộc sống, thời đại lên màn ảnh

NSND Bùi Đình Hạc thuộc lớp nghệ sĩ tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam thế hệ đầu. Trong hơn 50 năm sự nghiệp, đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc vừa làm phim tài liệu, vừa làm phim truyện. Ông thành công ở cả lĩnh vực này.

Ở thể loại phim tài liệu, NSND Bùi Đình Hạc từng thực hiện nhiều bộ phim nổi tiếng như Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Phong cảnh Hà Nội (1960), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Sài Gòn, tháng 5 năm 1975 (1975), Bài ca dâng Bác (1978), Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin (1979), Đường về Tổ quốc (1980), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (1990)…

Bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - chân dung một con người của NSND Bùi Đình Hạc đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình bởi hầu như năm nào phim cũng được chiếu lại vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác. Cái khó khi làm phim tài liệu lịch sử, lại là phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là tư liệu và hình ảnh. Để thực hiện bộ phim này, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã sử dụng những đoạn phim giản dị, chân thực về Bác của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và một số cảnh phim lưu trữ để dựng lại theo cảm xúc của người làm phim, toát lên khí chất, tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim thành công và gây xúc động vì không những bảo đảm được yếu tố chân thực của thể loại tài liệu, mà còn tạo được cao trào cảm xúc từ hình ảnh Bác sống ở chiến khu Việt Bắc cho tới thời điểm Người qua đời.

Nghệ sỹ Nhân dân-đạo diễn Bùi Đình Hạc là một trong những tên tuổi quan trọng nhất của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Với Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin và Đường về Tổ quốc, ông đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm tư liệu. Ít ai biết rằng, bức ảnh chân dung Nguyễn Ái Quốc thời trẻ giờ đây rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông lại liên quan tới một hành trình kiếm tìm vô cùng phức tạp. Đạo diễn Bùi Đình Hạc đã phải đến tất cả các thư viện và cơ quan lưu trữ của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô để tìm ra cuốn hộ chiếu của Bác, trong đó có bức hình này.

Vượt qua mọi trở ngại, thách thức, NSND Bùi Đình Hạc kiên định với phương pháp làm phim đề cao tính giản dị nhưng giàu cảm xúc của sự thật. Bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải được ông thực hiện trên tinh thần: Con người lao động, sáng tạo sẽ làm nên sức mạnh kiến thiết đất nước. Những con người lao động trong phim được miêu tả ở từng góc độ, cho thấy cả công trường chung sức, đồng lòng dựng xây cuộc sống mới, khẳng định hơi thở thời đại của bộ phim. Nước về Bắc Hưng Hải đã vượt qua 15 bộ phim cùng đề tài về công trình thủy lợi trong số 70 bộ phim tài liệu dự thi để giành giải Nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Mátxcơva năm 1959.

Ở lĩnh vực điện ảnh, ông là "cha đẻ" của các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Hoa thiên lý (1973), Hà Nội-12 ngày đêm (2002)…

Mỗi lần bắt tay vào thực hiện một bộ phim, dù ở bất cứ thể loại nào NSND Bùi Đình Hạc đều quan tâm đến điều quan trọng nhất, đó là chất lượng. Ông luôn dành tâm huyết và sức lực cho từng dự án, như thể đó là bộ phim cuối cùng của mình. Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội - 12 ngày đêm, Đường về quê mẹ là những phim truyện đề tài chiến tranh. Tuy nhiên, các bộ phim này không có nhiều cảnh bom rơi đạn nổ mà tập trung kể câu chuyện cuộc sống của con người Việt Nam trong những năm tháng khó khăn. Ộng đã sử dụng thủ pháp dùng các chi tiết để làm nổi bật dụng ý họ đã sống, chiến đấu và yêu thương nhau như thế nào trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử.

Vẫn mạch cảm xúc này, các phim truyện của đạo diễn Bùi Đình Hạc đều  không "đao to búa lớn" mà rất dung dị, lay động. Hà Nội - 12 ngày đêm giúp khán giả trong nước và thế giới tự hào cũng như hiểu hơn về sức mạnh, tinh thần đoàn kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Đường về quê mẹ dựa trên sự kiện có thật thời chiến là trận đánh giải phóng làng Vây - Quảng Trị (trong phim đổi thành làng Vân), nhưng đó chỉ là bối cảnh lịch sử mà bộ phim mượn để qua đó ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng khiến người xem xúc động.

Còn phim Nguyễn Văn Trỗi để lại dấu ấn đặc biệt với khán giả khi đạo diễn Bùi Đình Hạc và ê kíp làm phim dành nhiều thời gian để tìm những diễn viên nghiệp dư có gương mặt hao hao giống nhân vật lịch sử. Điều đó đồng nghĩa với việc ông mất nhiều công sức để đào tạo, hướng dẫn họ để có thể đóng phim. Vất vả là thế nhưng ông chấp nhận để phim của mình mang đậm hơi thở cuộc sống, thời đại.

Theo biên kịch Hồng Ngát – người có thời gian làm việc với NSND Bùi Đình Hạc trong bộ phim nổi danh Hà Nội - 12 ngày đêm,  ông tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhóm biên kịch đi thực tế, trở lại các chiến trường miền Nam xưa và tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các danh tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng... Có lẽ cũng bởi sự quyết liệt, kiên trì của ông giúp bộ phim Hà Nội - 12 ngày đêm trở thành bản hùng ca lịch sử, dù quá trình sản xuất phim gặp không ít khó khăn.

Trong các năm từ 2002-2005, Hà Nội - 12 ngày đêm là bộ phim đại diện Việt Nam tham gia hàng loạt liên hoan phim quốc tế lớn như Locarno (Thụy Sỹ), Fokuoka (Nhật Bản) và ở Cairo (Ai Cập), Vesoul (Pháp), Fajr (Iran)…

Và những tác phẩm về Bác gây tiếng vang

Với lòng kính yêu vô bờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc đã dành nhiều tâm huyết để làm phim về Người. Chùm phim tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm vóc quốc gia và quốc tế trong các bộ phim tài liệu Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về Tổ quốc  Hồ Chí Minh - Chân dung một con người của ông gây tiếng vang lớn.

Phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin giành giải Bông sen Vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980. Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1990, giải Vàng Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc năm 1990.

Khi làm phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, NSND Bùi Đình Hạc và đoàn làm phim sang Mátxcơva nửa năm. Ông và đoàn làm phim vào hầu hết thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ phim khai thác trong vô số tài liệu, hàng vạn mét phim, ảnh chụp; gặp gỡ nhiều nhân chứng, để có tư liệu chính xác những hoạt động của Bác trong những năm 20 của thế kỷ trước, nhằm tái hiện lại chặng đường Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin... Đoàn làm phim đã tìm được tấm hộ chiếu mang tên Chen Vang (Trần Vương) in bằng ba thứ tiếng Nga, Pháp, Đức mà Nguyễn Ái Quốc dùng để đến Liên bang Xô-viết, những bức ảnh quý về con tàu Cáclípnếch đã đưa Người tới Pêtrôgrát, cùng nhiều thước phim, bài báo, ảnh chụp tư liệu về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V...

hcmfotor-168837594908062186474.jpg

Hình ảnh trong phim "Hồ Chí Minh - chân dung một con người"

Mặc dù đã đã có những tư liệu vô giá trên, nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn chú trọng tổ chức những cảnh quay trên đất bạn. Từ ngôi nhà lịch sử số 1 phố Makhôvaia (Mátxcơva), Trụ sở Bộ phương Đông trực thuộc Quốc tế cộng sản - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc từng làm việc đến bến cảng Pêtrôgrát... Những hình ảnh phong phú ấy đã góp phần làm cho bộ phim trở lên sinh động...

Nối tiếp mạch truyện được gợi lên từ bộ phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, năm 1980, đạo diễn Bùi Đình Hạc bắt tay vào thực hiện phim Đường về Tổ quốc. Đây là câu chuyện về chuyến đi đầy gian nan, vất vả của Bác, khi Người hoạt động ở Trung Quốc, nhen nhóm phong trào cách mạng ở Việt Nam. Đó là cuộc hành trình đầy cam go, thử thách.

Đường về Tổ quốc đọng lại ở hình ảnh ông Ké Nùng - Nguyễn Ái Quốc trong bộ quần áo giản dị, trở về Tổ quốc. Bên cột mốc địa đầu, ánh mắt Người rưng rưng, để rồi sau đó là những tháng ngày "Cháo bẹ rau măng" ở hang Pác Bó lãnh đạo toàn dân làm cách mạng.

Còn với phim Hồ Chí Minh, chân dung một con người là dòng suy tưởng về cuộc đời bôn ba của Bác gắn với vận mệnh đất nước. Qua phần tư liệu được sưu tầm công phu và những cảnh dựng đầy xúc cảm, phim đã làm nổi bật được những vấn đề lớn trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và khẳng định vai trò của lãnh tụ với phong trào và quần chúng. Thật xúc động khi được thấy hình ảnh Bác trong những ngày kháng chiến gian lao. Hình ảnh Người hòa làm một với bối cảnh chung của dân tộc. Khăn vắt vai, tay chống gậy, Bác đã dẫn đường cho cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi...

Bộ phim chọn lựa nhiều hình ảnh đặc tả cử chỉ, ánh mắt của Bác lấp lánh cười bên các cháu thiếu nhi, ánh mắt ánh lên "chất thép" kiên nghị, đầy sức mạnh, chân dung một con người vừa là lãnh tụ, là danh nhân, vừa là một người cha già, một người ông đôn hậu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường... Chọn lọc công phu từ hơn 30 nghìn mét phim tư liệu, trong đó có nhiều hình ảnh chưa từng được công bố, kết hợp thực tại và quá khứ, Hồ Chí Minh, chân dung một con người đem lại cho người xem  nhiều cảm xúc, đầy xúc động và tự hào về Bác Hồ kính yêu.

Một trong những nghệ sĩ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam

Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc sinh ngày 4/6/1934 tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Tháng 11/1953, ông đến Định Hóa, Thái Nguyên, địa điểm liên lạc của ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp làm phim của mình. Sau khi tốt nghiệp trường Điện ảnh Hà Nội, ông tiếp tục theo học ở VGIK (Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô).

Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là một trong những nghệ sĩ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ở vai trò quản lý, ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành điện ảnh.

Ông từng đảm nhận các cương vị quan trọng: Giám đốc Hãng phim Thời sự Tài liệu Trung ương, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam.

Sau khi nghỉ hưu NSND Bùi Đình Hạc tiếp tục gắn bó với điện ảnh. Ông giữ vị trí chuyên viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng tư vấn, thẩm định Điện ảnh của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Một số tác phẩm tiêu biểu của NSND Bùi Đình Hạc: Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Sài gòn tháng 5 năm 1975 (1975), Bài ca dâng Bác (1978), Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin (1979), Đường về Tổ quốc (1980), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (1989), Hà Nội - 12 ngày đêm (2002)…

Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, NSND Bùi Đình Hạc đã từng nhận 3 giải Nhất, 1 giải Nhì tại các Liên hoan phim lớn của quốc tế. Ông cũng giành 7 giải Bông sen Vàng, 1 giải thưởng Bông sen Bạc tại các Liên hoan phim ở Việt Nam.

Với những thành tựu đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác điện ảnh, năm 1984 ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (đợt 1), năm 2007 ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho 7 tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình.

NSND Bùi Đình Hạc - đạo diễn phim 'Hà Nội 12 ngày đêm' qua đời

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022