Ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 54 quyết định Đại lễ Phật đản Vesak hay Lễ Tam hợp kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lễ hội văn hóa tôn giáo vì hòa bình. 

Từ năm 2000 đến nay, Đại lễ Phật đản LHQ đã được tổ chức 19 kỳ, trong đó, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ vào các năm 2008, 2014 và 2019. Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại lễ Phật đản lần thứ 20 - năm 2025.

Đại lễ Phật đản LHQ Vesak

Theo truyền thống nguyên thủy, Đại lễ Phật đản trùng với ngày Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn nên gọi là Đại lễ Tam hợp Đức Phật (hay Đại lễ Vesak), là một trong những lễ kỷ niệm thiêng liêng nhất trong Phật giáo.

Vesak - tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ, người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak là tháng linh thiêng bởi vào ngày trăng tròn của tháng này diễn ra ba sự kiện trùng lặp gắn với thân thế sự nghiệp Đức Phật (Phật đản, Phật thành đạo, Phật nhập niết bàn).

Tháng Vesak tương đương với tháng 5 dương lịch. Đại lễ tam hợp Đức Phật theo truyền thống nguyên thuỷ được gọi theo tháng là Đại lễ Vesak.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2025. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Từ xa xưa, Đại lễ Vesak đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo, bắt đầu từ Sri Lanka, Ấn Độ, sau đó truyền sang Myanmar, Thái Lan...

Ðể tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Ðức Phật, ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 nước thành viên LHQ, Ðại Hội đồng LHQ đã công nhận Ðại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ, những hoạt động của Ðại lễ được tổ chức hằng năm tại trụ sở và các trung tâm của LHQ trên thế giới. Nghị quyết đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Vesak như sự kiện toàn cầu, không chỉ kỷ niệm sự đản sinh, giác ngộ và nhập niết bàn của đức Phật mà còn nhấn mạnh giáo pháp của Ngài về lòng từ bi, bất bạo động và chánh niệm - những giá trị gắn với sứ mệnh của LHQ về hòa bình và phát triển bền vững.

Năm 2000, Đại lễ Phật đản được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) với sự tham gia của đại biểu đến từ 34 nước. Đến nay, Đại lễ Vesak LHQ đã được tổ chức 19 kỳ, trong đó 15 lần tại Thái Lan (2004, 2005, 2006, 2007, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2015, 2016, 2018, 2022, 2023, 2024), 1 lần tại Sri Lanka (2017) và 3 lần tại Việt Nam (2008, 2014, 2019). Việt Nam vinh dự tiếp tục tổ chức Vesak LHQ năm 2025.

Đến nay, Đại lễ Vesak LHQ đã trở thành ngày hội văn hoá chan hòa tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của đức Phật - bậc minh triết được LHQ suy tôn và nhân loại ngưỡng mộ; là nơi gặp gỡ của Phật tử và những người yêu kính đạo Phật.

vnapotalvanphong2trunguonggiaohoiphatgiaovietnamtrienkhaicongtacphatsunam20257815106-17464143134991393279052.jpg

Công bố và trao quyết định cho thành viên Tổ công tác Văn phòng 2 Trung ương Giáo hôi Phật giáo Việt Nam phục vụ Đại lễ Vesak 2025 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Đại lễ Phật đản ở Việt Nam và 3 Đại lễ Phật đản do Việt Nam đăng cai tổ chức

Ở Việt Nam, Lễ Phật đản đã được diễn ra từ rất sớm và được tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Qua ghi chép của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, thì Lễ Phật đản ở Việt Nam được gắn liền với nghi lễ Mộc dục - Tắm Phật. Lễ Mộc dục được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta vào năm Nhâm Tý (1072), dưới triều vua Lý Nhân Tông. Và kể từ năm Ất Dậu (1105) trở về sau, cứ theo lệ, triều Lý đều tổ chức nghi lễ Mộc dục vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Như vậy, triều Lý, đặc biệt là thời vua Lý Nhân Tông, Lễ Phật đản với nghi lễ Tắm Phật đã được phổ biến trong các sinh hoạt của Phật giáo; trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian.

Đến triều Nguyễn, cùng với sự phát triển của Phật giáo, Lễ Phật đản được các vua Nguyễn hết sức coi trọng. Các triều vua còn cấp tiền cho các chùa để tổ chức Lễ Phật đản được trang nghiêm, trọng thể.

Có thể nói, ở Việt Nam Đại lễ Phật đản luôn được tổ chức trang trọng, thành kính. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh, thành phố và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật...

Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Phật đản vào các năm 2008, 2014 và 2019

vnapotalvesak2019khaimacdailephatdanlienhopquoclanthu16-vesak20191121516103868753-17464145336461312717779.jpg

Các chư Tôn đức Giáo phẩm cử hành nghi lễ khai mạc Vesak 2019. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

- Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 - Việt Nam lần đầu tiên đăng cai

Đại lễ Phật đản LHQ 2008 diễn ra từ ngày 14 đến 16/5/2008, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 87 nước.

Lần đăng cai này là minh chứng cho khả năng tổ chức của Việt Nam và năng lực giữ gìn sự thiêng liêng của Vesak; đồng thời thúc đẩy đối thoại có ý nghĩa về các vấn đề toàn cầu.

Vesak 2008 với chủ đề "Đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh" cùng Tuyên bố Hà Nội là sự đóng góp của Phật giáo thế giới vào kho tàng tri thức của nhân loại, vào các giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.

Thông qua Đại lễ Vesak 2008, Việt Nam đã giới thiệu và khẳng định với bạn bè thế giới quan điểm chỉ đạo, đường lối phát triển tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước; vai trò, vị trí và những đóng góp của của Phật giáo đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác, tinh thần đoàn kết giữa phật tử và nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới.

Thành công của sự kiện năm 2008 đặt tiền đề cho các Đại lễ Vesak về sau tại Việt Nam, chứng minh rằng Việt Nam không chỉ có thể tổ chức tốt sự kiện mà còn nâng tầm ý nghĩa của nó trên diễn đàn quốc tế.

- Đại lễ Phật đản LHQ năm 2014 - sự chuyên nghiệp hóa của Vesak LHQ tại Việt Nam

Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức từ ngày 5 đến 10/5/2014, tại chùa Bái Đính, Ninh Bình. Sự kiện này đã thu hút hơn 10.000 người tham gia, bao gồm hơn 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia.

Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức trong bối cảnh khá đặc biệt - thời điểm tiến hành đánh giá kết quả thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đến năm 2015 trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của Đại hội đồng LHQ nên có chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc". Bằng cách kết nối Vesak với các mục tiêu phát triển của LHQ, Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh tiềm năng của Phật giáo trong việc góp phần cải thiện xã hội ở cấp độ toàn cầu.

vk-17464143134592117191509.jpg

Xá lợi Đức Phật được rước về Học viện Phật giáo, sáng 2/5. Ảnh: Đình Văn/vnexpress.net

Trong thông điệp gửi tới Đại lễ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nói: Tôi đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và mong muốn của quý vị trong việc khám phá những quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, nên trong thời đại ngày nay quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn.

Đại lễ thông qua Tuyên bố Ninh Bình, trong đó nêu rõ: "mỗi cá nhân và tập thể có nghĩa vụ làm việc không mệt mỏi để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) và phấn đấu hết sức để tham gia hoạt động xã hội để đạt được thành tựu cho các mục tiêu và xem đó như là một phần trong niềm tin và sự tu tập". Đôn đốc các nhà lãnh đạo trên thế giới đặt sự phát triển bền vững trên ba trụ cột chính là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội, nhấn mạnh các nguyên tắc bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy giáo dục.

- Đại lễ Phật đản LHQ năm 2019: khẳng vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu

Đại lễ Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) từ ngày 12 đến 14/5/2019, với sự tham gia của hơn 1.500 phái đoàn đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia và các nhà ngoại giao quốc tế.

Đại lễ Vesak 2019 ghi dấu mốc về số lượng đại biểu tham dự lớn nhất trong 16 kỳ tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.500 phái đoàn đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia và các nhà ngoại giao quốc tế. Bên cạnh đó, hơn 500.000 lượt đại biểu trong nước đã tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Đại lễ.

Chủ đề của Vesak LHQ 2019 là "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững", thể hiện sự chung tay, góp sức thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ, cũng là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ đề chính và 5 chủ đề nhánh đã nhận được sự đánh giá cao và tham gia tích cực của bạn bè quốc tế.

Đại lễ thông qua Tuyên bố Hà Nam, trong đó nhấn mạnh thực hiện đầy đủ các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ; Hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hòa, y tế và xã hội bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo với Cách mạng công nghiệp 4.0; Khuyến khích các nhà hoằng pháp tận dụng các tiện ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hiện đại hóa khoa học nghiên cứu tâm của Phật giáo nhằm trị liệu và chuyển hóa con người…

Tiếp theo thành công của 3 kỳ Đại lễ Phật đản, Việt Nam tiếp tục được chọn là nơi tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 20, năm 2025.

Đại lễ Phật đản LHQ 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/5/2025 tại TP Hồ Chí Minh, được xem là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước trong năm 2025. Đại lễ có chủ đề là "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững". Dự kiến, Đại lễ Vesak 2025 sẽ đón hơn 2.700 đại biểu trong đó 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ thamdự.

Đại lễ Phật đản LHQ 2025 lần đầu tiên sẽ trưng bày 87 bảo vật quốc gia văn hóa Phật giáo.

Đại lễ Phật đản LHQ 2025 là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp. Để bạn bè quốc tế chứng kiến TP Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, thịnh vượng sau 50 năm thống nhất đất nước. Đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới.

Đây cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam đóng góp vào thành tựu chung của đất nước sau 50 thống nhất.

Đại lễ Vesak 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam và cũng là dịp để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế mà Việt Nam tạo được qua sự kiện văn hóa quốc tế của LHQ.

Tuyên bố Vesak TP Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ vì hòa bình và phát triển bền vững.

Không khí Đại lễ Phật đản năm 2024 trên cả nước

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022