Những bức ảnh đăng kèm bài viết này tôi chụp ở Điện Biên cách đây 20 năm, tháng 3/2004, khi mẹ tôi, một cụ bà 80 tuổi "đòi" lên Điện Biên bằng được để "xem nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân dân ta đánh Pháp như thế nào".

Mẹ tôi sinh năm 1924 ở thôn An Khê, xã Đằng Lâm, nay là phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng. Bà làm dâu họ Lưu nhà tôi năm 1948, ở thôn Hạ Lũng, xã Đằng Hải, nay là phường Đằng Hải, quận Hải An. Cả hai quê đều ở gần sân bay Cát Bi, khi tôi lớn lên đầu những năm 1970, dù ở quê ngoại hay quê nội, cũng đều thấy từ sân bay (khi ấy dân quê tôi gọi là phi trường) những chiếc máy bay huấn luyện AN2 của Liên Xô mà mọi người hay gọi là máy bay "cặp cá" cất hạ cánh.

Mẹ tôi bên hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 3/2004

Mỗi lần như thế, mẹ bảo, ngày xưa, năm 1954, khi ta đánh Điện Biên Phủ, buổi sáng bố mày hay đếm máy bay Pháp bay đi, đến trưa lại đếm khi chúng bay về và bảo hôm nay Pháp bị bắn rơi mấy máy bay. Rồi bà bảo, bao giờ phải lên Điện Biên xem chỗ ấy nó như thế nào.

Trong lời kể của mẹ, bố tôi, người đã mất khi tôi mới 7 tháng vì bị bệnh tim, là một người thao lược và có tài làm vườn. Dưới sự tính toán của ông, nhà tôi trồng được một vườn cam tuyệt ngon, được nhà nước thu mua và cấp cho sổ gạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đến thăm nhà tôi như thăm một gương gia đình nông dân giỏi, từng được giới thiệu trên báo.

metoi-2-1714486752603176274529.jpg

Mẹ tôi trên công trường xây dựng tượng đài Chiến sĩ Điện Biên, tháng 3/2004

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì thế cũng đi vào nhiều câu chuyện mẹ kể. Trong nhà tôi những năm 1960 còn treo ảnh Đại tướng và đặc biệt là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở chỗ trang trọng nhất trong nhà. Mẹ kể, cuối năm 1954, khi Hải Phòng còn đang trong thời gian quân Pháp tập kết để chuyển vào Nam, bà đã mua ở Chợ Sắt một tấm ảnh cụ Hồ và giấu vào quang gánh để mang về treo trong nhà. Bà bảo cụ Hồ và ông Giáp đều có gương mặt đẹp đẽ, hiền từ và phúc đức, lại suốt đời vì dân vì nước nên bà rất tôn kính.

              ***

… Tháng 3/2004, khi lên Điện Biên đưa tin trước đợt kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi ngỏ ý mời mẹ lên thăm nơi bà từng ao ước. Bà phấn khởi lắm.

me-toi-3-17144867523891093873761.jpg

Mẹ tôi trò chuyện với một cô gái Thái đen trên đường phố Điện Biên

Từ Hải Phòng, các anh chị tôi tổ chức cho bà lên sân bay Nội Bài để đi máy bay. Tôi đã ở sẵn Điện Biên và đón bà khi chiếc ATR-72 hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh.

Đó là những ngày cả Điện Biên náo nức trước ngày lễ lớn. Đó cũng là thời điểm tượng đài Chiến sĩ Điện Biên được một đoàn xe siêu trường, siêu trọng chở đến Điện Biên Phủ chuẩn bị dựng trên đồi D1, khiến cả thành phố lúc nào cũng như có hội lớn. Tôi đã cho mẹ đến thăm đồi A1, hầm chỉ huy của tướng De Castries, Bảo tàng Điện Biên, cầu Mường Thanh… và lên cả đồi D1 khi đó là một công trường lớn.

Mẹ rất thích, bảo cả làng chắc chả bà nào được đi máy bay lên Điện Biên xem chỗ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh thắng quân Pháp. Mẹ cũng thích những bữa cơm giản dị nhưng ngon miệng ở Điện Biên nhờ nấu bằng loại gạo trứ danh của cánh đồng Mường Thanh. Mẹ cũng thích thú khi được nói chuyện với những người đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên mà bà bảo là đẹp cả người lẫn nết.

           ***

Khi tôi viết những dòng này, mẹ tôi vừa về với tiên tổ. Những ngày cuối đời, khi sức khỏe đã yếu, tôi thường động viên mẹ bằng cách nói rằng bà sẽ "sống bằng ông Giáp", tức là phải thọ 103 tuổi. Nghe tôi nói thế, mẹ rất vui. Nhưng như ngọn đèn đã cạn dầu, bà đã từ biệt dương thế ở tuổi 100 trong niềm tiếc thương và kính trọng của con cháu, họ hàng và làng xóm.

metoi-4-17144867521601266666775.jpg

Mẹ tôi tò mò xem những thớt tượng Chiến sĩ Điện Biên vừa tập kết, phía trước là các du khách Pháp, tháng 3/2004

Riêng tôi, đứa con út mà mẹ thường gọi là "cấn cơm cấn sữa" và hết mực thương yêu vì bố mất sớm, cũng có chút tự hào vì đã góp phần giúp bà thực hiện ước mơ được lên thăm Điện Biên từ 20 năm trước…

Cuộc sống sau ống kính: Yên bình, 'Giấc mơ chapi'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022