Sau khi có ý kiến từ dư luận, trong tuần qua, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ban hành một văn bản với nội dung đề nghị phía cơ quan chức năng hạn chế cấp phép một số hoạt động gây ảnh hưởng tới không gian đi bộ tại hồ Gươm và vùng phụ cận.

Vắn tắt, đó là các đề nghị về việc hạn chế cấp phép tổ chức sự kiện biểu diễn có công suất âm thanh lớn, không tổ chức các giải chạy vào ban đêm, chỉ cấp phép cho các gian hàng liên quan tới hoạt động văn hóa - thể thao và có thiết kế đảm bảo thẩm mỹ... tại khu vực này.

Trước đó, theo phản ánh của cộng đồng, nhiều hoạt động hội chợ, chạy bộ ban đêm, biểu diễn âm nhạc với công suất âm thanh lớn... từng được tổ chức trong thời gian qua và gây ảnh hưởng tiêu cực tới phố đi bộ Hồ Gươm. Gần nhất, tại một chương trình ngày hội sản phẩm được tổ chức ở đây, nhiều gian hàng bị cho là thiếu thẩm mỹ, mang theo những sản phẩm không phù hợp với không gian văn hóa của phố đi bộ, để xảy ra tình trạng xả rác ngay tại gian hàng.

Người dân vào đền Ngọc Sơn. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Và đáng chú ý, ngay sau văn bản của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, vào hai ngày cuối tuần qua, trên mặt báo và không gian mạng đã liên tục chia sẻ những ghi nhận về một phố đi bộ Hồ Gươm phần nào thông thoáng hơn, khi một số quầy hàng không còn xuất hiện tràn lan...

***

Phố đi bộ Hồ Gươm ra đời năm 2016, nhưng ý tưởng về nó đã xuất hiện trước đó khá lâu. Và một trong những câu hỏi gây tranh luận nhiều nhất về không gian này chính là việc vận hành nó sao cho phù hợp với đặc thù của quần thể Hồ Gươm và khu phố cổ của Hà Nội.

Thời điểm ấy, nhiều người đã nhắc tới một trường hợp từ năm 2004, khi Hà Nội đã thí điểm tổ chức con phố đi bộ đầu tiên qua hình thức chợ đêm trên trục Hàng Ngang - Hàng Đào vào dịp cuối tuần. Để rồi trong nhiều năm sau, mô hình này cho thấy khá nhiều bất cập: Các gian hàng được đặt giữa đường, bán đủ loại tạp phẩm và không tạo ra điểm nhấn - trong khi về bản chất, cả khu phố cổ Hà Nội vốn đã là một "quần thể chợ" lớn vào cả ban ngày và ban đêm.

hoguom1-16992264702191730484073.jpeg

Một tiết mục biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Gươm. Ảnh: TTXVN

Bởi thế, theo khẳng định của các chuyên gia khi đó, không gian quanh Hồ Gươm chắc chắn phải là không gian của văn hóa, lịch sử, ký ức. Có nghĩa, ở một chừng mực, mọi hoạt động tương lai của phố đi bộ tại đây cũng cần được chọn lọc tổ chức để nâng cao hàm lượng văn hóa truyền thống, thay vì quá chạy theo tính chất thương mại hay dịch vụ.

Từ bối cảnh đặc thù của cả Hà Nội, có thể không dễ để phố đi bộ Hồ Gươm có thể sớm chạm tới viễn cảnh mà nhiều chuyên gia mong đợi: Các quầy hàng lưu niệm thiên về những sản phẩm thủ công truyền thống "thuần Việt", các trò chơi dân gian (gần như đã biến mất) được tổ chức thường xuyên, các hoạt động triển lãm chủ yếu thiên về lịch sử và ký ức của Hà Nội cũ... Nhưng rõ ràng, điều khả thi để có thể thực hiện chính là nỗ lực chọn lọc, kiểm soát các hoạt động tại phố đi bộ này và tạo tiền đề để hàm lượng văn hóa - truyền thống của chúng được nâng dần theo thời gian.

Hoan nghênh các động thái của Hà Nội trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa phố đi bộ vừa qua, nhưng cũng nên nhắc lại: Vào giữa năm 2022 vừa qua, thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với những quy định khá chi tiết. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu giao tiếp hòa nhã lịch sự, phải đăng ký kinh doanh và chỉ bán những mặt hàng được phép, có niêm yết và bán đúng giá hàng - trong khi du khách cũng cần có những ứng xử văn hóa về trang phục, hành vi, không mang vật nuôi, không sử dụng các thiết bị âm thanh có công suất lớn.

Những tiền đề để thiết lập một phố đi bộ Hồ Gươm với hàm lượng văn hóa cao đã có ở mức cơ bản. Vấn đề còn lại là cách chúng ta thực hiện và kiên nhẫn vun đắp nó mỗi ngày.

Góc nhìn 365: Nào, cùng chờ phố đi bộ…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022