Theo China Folklore, ra đời khoảng 800 năm, đến nay Khô lâu huyễn hý vẫn là cổ vật huyền bí, thu hút quan tâm, tìm hiểu của nhiều chuyên gia mỹ thuật, lịch sử. Tranh chiều dọc 26 cm, ngang 27 cm, hiện được lưu giữ ở bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.
"Khô lâu huyễn hý". Video: Bilibili
Tác giả là Lý Tung (1243-1166), họa sĩ cung đình thời Nam Tống, xuất thân nghèo khó, thuở nhỏ làm thợ mộc. Ông để lại nhiều tác phẩm đề tài đa dạng, từ con người, sơn thủy đến chim muông, đền đài. Theo nhà nghiên cứu Lý Hiểu Dương ở Viện Mỹ thuật, Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Khô lâu huyễn hý kỳ lạ nhất trong số tranh của Lý Tung khi lấy chủ đề sự vật ở hai thế giới âm dương.
Tác phẩm khắc họa bộ xương (khô lâu) lớn, tay cầm bộ xương nhỏ, giống con rối. Bên phải, một đứa bé thích thú bò tới với bộ xương nhỏ. Một phụ nữ giang tay như muốn giữ em bé lại. Ở góc phải, người phụ nữ khác kéo áo cho con bú, gương mặt hiền từ dõi theo cảnh tượng trước mắt. Tranh còn miêu tả một gánh hành lý với ô, bình, chiếc chiếu, trang phục...
Lý Hiểu Dương nhận xét mỗi nhân vật, đồ vật đều được khắc họa sinh động. Đường nét gương mặt người phụ nữ, phần hở cơ thể mềm mại, tinh tế, các nét đậm nhạt phong phú. Tổng thể bức tranh toát lên vẻ tươi sáng nhiều hơn là bi ai.
Một phần bức tranh. Ảnh: Sohu
Theo Sina, nhiều người cho rằng nhân vật trong tranh lang thang trên phố bán hàng mưu sinh hoặc là nghệ nhân biểu diễn con rối. Số khác lại nhận định tranh miêu tả một gia đình đi chơi hoặc đang trên hành trình chuyển nơi ở.
Lý Hiểu Dương nói Khô lâu huyễn hý có thể chịu ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo, Đạo giáo, đặc biệt là từ Vương Trùng Dương - người sáng lập Toàn Chân giáo, giáo phái của Đạo giáo. Trong một số bài thơ của mình, Vương Trùng Dương và các đệ tử dùng hình ảnh "khô lâu" để nêu quan niệm về nhân sinh, sự sống và cái chết: con người trên thế gian đều chỉ như bộ xương có da thịt, vàng bạc châu báu, vinh hoa phú quý chỉ là mây bay qua đầu, tồn tại trong chốc lát.
Đồng quan điểm, trên China Folklore, tiến sĩ lịch sử Khang Bảo Thành cũng cho rằng trước Lý Tung, Vương Trùng Dương và các đệ tử từng vẽ tranh và làm thơ về khô lâu, tranh không còn được lưu giữ nhưng qua một số bài thơ họ để lại, có thể nhận định về sự tồn tại của các bức tranh này. Khô lâu huyễn hý có thể là cách hiểu của họa sĩ về quan niệm tôn giáo.
Ngoài ra, hình ảnh bộ xương lớn cầm con rối được cho phản ánh sự đồng cảm của Lý Tung với con người nhỏ bé trong xã hội. Vận mệnh của họ nằm trong tay người khác. Các hình ảnh về sự sống và cái chết khiến bức tranh vừa thật vừa kỳ ảo.
Nghinh Xuân