phiên bản live-action của đạo diễn Shinji Higuchi được chuyển thể dựa theo bộ truyện tranh cùng tên rất nổi tiếng của tác giả Isayama Hajime. Trong năm 2014 và nửa đầu năm 2015, bộ truyện này có doanh số bán ra rất cao ở Nhật Bản, chỉ đứng sau One Piece. Bên cạnh đó, phần phim hoạt hình ăn theo cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía fan hâm mộ. Đây là lý do mà nhiều người đã đặt nhiều niềm tin vào bản live-action này.
Phần một chọn hướng đi khá táo bạo khi cho vào phim nhiều chi tiết khác với nguyên tác từ việc thay đổi tình tiết lẫn lược bỏ đi một số nhân vật chính. Dù gây nhiều tranh cãi, nhưng đây vẫn là bản chuyển thể hấp dẫn và gợi tính tò mò. Tuy nhiên, Attack on Titan phần 2 lại không tiếp nối được sự hấp dẫn đó.
Sau khi biến thành Titan ở phần một, Eren đã tiêu diệt được kha khá Titan xung quanh, nhưng do hoàn toàn mất kiểm soát nên sau đó anh vẫn tiếp tục tấn công loài người, kể cả đó là Mikasa hay Armin. Phim mở đầu với cảnh Eren bị trói chặt, do không thể biết được Eren sẽ biến thành Titan lúc nào nên anh bị đại tướng Kubal tuyên án tử hình. Khác với trong truyện là Eren được xét xử và gia nhập đội trinh sát. Ngay trước khi bị xử tử, Eren được một tên Titan "đặc biệt" bắt cóc.
Cũng từ thời điểm này, phim tiết lộ thêm cho người xem lý do Eren có thể biến thành Titan, nguồn gốc của Titan cùng những toan tính chính trị. Những chi tiết mới này đã phần nào giải thích điều vô lý và khó hiểu ở phần phim thứ nhất. Chẳng hạn như lý do tại sao anh chàng Shikishima lại ung dung đứng trên tòa nhà cao chứng kiến đồng loại "vật lộn" với lũ Titan.
Hình ảnh, âm thanh lại tiếp tục là điểm nhấn ấn tượng trong phim. Nếu như ở phần một, tạo hình của đạo binh Titan gớm ghiếc khiến người xem nổi da gà thì ở phần hai, số lượng Titan xuất hiện được giảm thiểu tối đa nhưng được thay vào đó là những con Titan "đặc biệt" với kích thước khổng lồ và sức mạnh vô biên. Bên cạnh đó, tông màu tối tăm lạnh lẽo của phần một đã được thay bằng những mảng màu tươi sáng hơn. Những góc quay cận cảnh được thay bằng những cảnh toàn rộng lớn, giúp người xem chiêm ngưỡng được sự hoành tráng trong mỗi trận đánh giữa các Titan. Đây thực sự là một điểm cộng lớn trong phần hai này.
Trong phần này, tâm lý của các nhân vật được làm rõ hơn. Tuy nhiên, vai trò của các nhân vật bị thay đổi khi chính thành phụ và phụ thì thành chính. Người xem biết đến nhân vật Shikishima (Hiromi Hasegawa) như một thay thế cho đội trưởng Levi, một nhân vật phụ và với thời lượng xuất hiện không nhiều trong phần một. Nhưng trong phần thứ hai, anh nắm một vai trò cực kì then chốt và làm thay đổi toàn bộ cục diện của câu chuyện. Tuy nhiên, tạo hình lập dị hay những câu thoại khó hiểu của anh vẫn không chiếm được nhiều cảm tình từ người xem.
Hai mắt xích quan trọng trong tuyến nhân vật chính là Armin và Mikasa thì lại trở thành "siêu phụ" và gây thất vọng. Ở phần một, Armin chỉ có mỗi nhiệm vụ dọn đường cho Eren biến hình. Nhưng sang phần hai, anh giữ đúng vai trò quân sư, dù cho những ý kiến của anh đa phần đều khiến đồng đội… đổ máu và diễn xuất của vẫn “đơ” như trước.
Như đã biết, Mikasa là nhân vật khác với nguyên tác nhất. Cô gái trong bộ ba vốn dĩ mạnh mẽ và có những kỹ năng diệt Titan thượng thừa, giờ đây lại yếu đuối đến ngỡ ngàng. Quan trọng là tình cảm cô dành cho Eren không chắc chắn. Ngoại trừ giữ lại chiếc khăn choàng mà Eren đã tặng cô ở phần phim trước, Mikasa chẳng thể hiện cô yêu thương Eren là mấy. Vai diễn của siêu mẫu làm người xem nhớ đến với vẻ ngoài xinh xắn nhiều hơn là nhân vật của cô.
Nhân vật nổi trội duy nhất trong phim là Eren. Nhân vật do Haruma Miura đảm nhận trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, từ sợ hãi với khả năng của bản thân, tức giận vì bị loài người xem như kẻ thù, bẽ bàng khi phát hiện ra sự thật và cuối cùng là kiên định cho những điều mình tin tưởng. Điểm thú vị ở nhân vật Eren còn là câu thoại “Tôi thà chọn tự do ở địa ngục còn hơn làm nộ lệ ở thiên đàng” khiến người xem có chút liên tưởng đến nhân vật Teddy Daniels của Leonardo DiCaprio trong Shutter Island (2010).
Nhân vật gây ấn tượng tiếp theo là đội trưởng Hanz, người mạnh nhất nhân loại Shikishima và “cô nàng khoai tây” Sasha. Vai trò chính của Hanz (Satomi Ishihara) là gây cười cho khán giả. Mỗi khi Hanz phát hiện ra món đồ nào mới là y như rằng biểu cảm khó đỡ của cô sẽ khiến cho người xem bật cười.
Bên cạnh diễn xuất chưa thuyết phục của một số diễn viên, Attack on Titan 2 mắc lỗi y hệt phần phim trước. Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh, người xem chưa kịp phấn khích thì những cảnh quay khác đã ập đến. Điểm hạn chế tiếp theo chính là yếu tố bất ngờ trong phần phim này chưa thể thỏa mãn khán giả. Phần giải thích cho những khúc mắc được làm một cách khá dễ dãi, cốt chỉ để tua nhanh cho đến đoạn đại chiến cuối cùng trong phim.
Một trong những yếu tố làm cho live-action của Attack on Titan trở nên hấp dẫn là việc phim đã làm tốt tính nhân văn thông qua những nhân vật phụ, nó làm cho người xem cảm thông với số phận của loài người nhỏ bé trong cuộc chiến dai dẳng với đám Titan khát máu. Đáng tiếc thay, yếu tố này bị lược bỏ hoàn toàn trong phần 2, sự liên hệ giữa tuyến nhân vật chính và thế giới trong Attack on Titan bị cắt cụt. Như một hệ quả, sự thiếu hụt này làm cho những câu thoại đầy triết lý trong phim trở nên giả tạo và khiên cưỡng. Cho đến khi hết phim, người xem vẫn không khỏi hụt hẫng khi rất nhiều vấn đề mà phần phim thứ hai này đã không làm rõ.
Phần đầu của bản live-action đã thành công khi thay đổi khá nhiều tình tiết trong nguyên tác, điều này phần nào gợi mở ra một tuyến truyện mới đầy hứa hẹn. Nhưng với nội dung hời hợt, phần 2 này là một tiếp nối đầy thất vọng. Cũng không quá khi nói rằng các nhà làm phim hoàn toàn có thể dồn hai phần phim này thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Attack on Titan phần 2 đang được khởi chiếu trên toàn quốc.