Giếng trời chung cư có phải “nguồn” phát tán bệnh dịch, nên đóng kín các cửa ra vào để tránh lây nhiễm virus… hiện là các tranh luận chưa có hồi kết khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Dưới góc độ phong thủy, nhiệt khí hậu kiến trúc và kinh nghiệm dân gian, có thể chọn lọc ra những giải pháp khoa học và hợp với kiến trúc bền vững.
Nhìn lại nhà Việt xưa
Ngôi nhà truyền thống Việt có nhiều ưu điểm trong ứng xử với môi trường tự nhiên, vừa liên kết khí tốt vừa có khả năng tách biệt khi cần nhờ chọn hướng, đóng mở hợp lý
Nếp nhà truyền thống Việt được cha ông ta xử lý cẩn trọng và linh hoạt, có tính toán tùy vùng miền, cấu trúc và bao cảnh cụ thể, dựa trên các nguyên tắc chung về điều kiện khí hậu. Từ những “vợ đàn bà - nhà hướng nam” hay “trước cau - sau chuối”... các truyền tụng dân gian về phong thủy luôn thể hiện kinh nghiệm ứng xử với môi trường. Không phải cứ mở rộng cửa về hướng có gió vào là tốt, vì đặc thù gió của nước ta không đồng đều và thay đổi theo mùa, một số hướng tuy có gió nhưng lại kèm theo nắng gắt, nên phải vừa chắn và vừa đón linh hoạt. Gió lạnh từ đông bắc, gió quẩn, gió lùa... thì nhất quyết không nhận, không tiếp, không dẫn vào nhà được.
Nguyên tắc “…gió vào nhà trống” cũng cho thấy: có thoát gió ra được thì mới “bẫy” gió vào được nhờ dòng không khí đối lưu, chính là đặc thù phong thủy của ngôi nhà Việt một cách cơ bản: đón sinh khí - thoát thán khí - tránh tù khí. Rồi tùy theo vùng miền và cấu trúc nhà cụ thể mà bố trí các điểm phân tán gió để tránh gió quẩn, đắp gò hay tường chắn, trồng cây lá dày để ngăn gió lạnh, mở cửa lệch trục hoặc đặt bình phong để giảm luồng khí thông thẳng gây gió lùa... là những kinh nghiệm quý cần kế thừa.
Việc cha ông ta kiêng nhà ngay ngã ba, tránh mở cửa phòng hay nhà xuyên trục Đối Môn… cũng là kiêng kỵ phong thủy rất khoa học. Thông gió xuyên phòng theo lối Khúc Tắc (uốn lượn) luôn cần thiết vì hợp khí hậu nhiệt đới ẩm. Nhưng “xuyên phòng” không có nghĩa là gió và người cứ đi qua ào ạt, nhà trống trước hụt sau. Tránh quan niệm không gian mở thuần túy là để trống tối đa, mà thiếu khả năng đóng khi cần. Như hai mặt đối lập Âm Dương thực ra là một, mở được thì phải đóng được, tùy thời điểm, tùy sinh hoạt, có lúc phải “mắt nhắm mắt mở” để lọc bớt bức xạ, điều tiết khí ra vào nội ốc. Những mảng kính lớn cố định hiện đại có thể rất mở về tầm nhìn, nhưng nếu không có cửa thông gió thì lại là đóng về mặt thoáng khí. Những khe hẹp sát trần hay cửa mái trên cao giúp khí nóng (do nấu bếp, sinh hoạt, máy móc, cơ thể tỏa nhiệt…) bốc lên có lối thoát ra ngoài, hình thành luồng khí đối lưu hiệu quả.
Giếng trời chung cư
Nhìn qua cơ chế thông gió…
Trong điều kiện vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, luôn cần thông gió tự nhiên cho nhà để đạt 3 mục tiêu: nhận khí sạch, khí mới từ bên ngoài vào (tùy thuộc thiên nhiên, vùng bao cảnh); đẩy khí độc hại từ trong ra (do sinh hoạt, bếp núc, WC, đồ đạc…); và tạo vùng vi khí hậu nội thất dễ chịu hơn cho người sử dụng.
Dĩ nhiên điều gì cũng có mặt trái, gió vào nhà sẽ mang theo cả bụi bặm, côn trùng, vi khuẩn hay thậm chí virus (tùy cơ chế phát tán) gây nguy hại cho sức khỏe. Khí xấu thoát ra cũng vậy, ra khỏi nhà mình rồi thì đi đâu, hay là… bay sang nhà người khác?
Vào mùa nóng, máy điều hòa không khí cho văn phòng hiện nay tiêu thụ từ 40-50% tổng số điện năng của tòa nhà, còn nhà ở tư nhân cũng trên 35%, và các nghiên cứu sinh học đều chứng minh rằng việc hô hấp trong không khí tự nhiên luôn tốt hơn cho sức khỏe con người, tránh một số hội chứng Bệnh trong nhà đóng kín (Sick Building Syndrome). Giếng trời được xem là giải pháp khả dĩ cho vấn đề thông thoáng tự nhiên nhà cửa. Vấn đề là cách bố trí giếng trời và xử lý không gian trong / ngoài giếng trời thế nào cho hợp lý về vi khí hậu công trình.
Không khí trong giếng trời và những không gian tương tự (như khe hở giữa các khối nhà) khi bị đốt nóng sẽ nhẹ hơn và bốc lên cao (kiểu như ống khói), tạo ra dòng không khí luân chuyển theo dạng đối lưu tự nhiên nhờ chênh lệch nhiệt độ không khí. Dĩ nhiên, tùy cách thức trổ cửa và hướng đón nhận gió vào - gió ra của một khu vực mà giếng trời đó có nhận và lan tỏa không khí trong lòng giếng vào các phòng hay không. Nhiệt thừa sinh ra càng lớn và chiều cao càng nhiều so với độ rộng thì “hiệu ứng ống khói” càng phát huy hiệu quả. Thực tế có lúc hàng xóm cách đó mấy căn hay mấy tầng lầu lệch nhau nấu món gì mà nhà ta đều ngửi thấy, đó chính là bởi cơ chế dẫn truyền không khí (theo gió, theo mùa, theo thời điểm) gây ra.
Nguyên tắc cách ly trong không gian, cho dù là theo khoa học Tây phương hay kinh nghiệm Đông phương, đều dựa trên thực tiễn như vậy, tức là tránh đặt các nguồn gây ô nhiễm (ví dụ bãi rác, nhà xưởng) nằm ở đầu hướng gió chủ đạo và có khả năng phát tán, lan truyền khói, bụi, mùi qua nhiều miệng đón gió, lối hút gió khác nhau. Nếu có (dù chưa kiểm nghiệm chính xác nhưng giác quan cảm nhận được) thì vẫn cần ngăn chặn, phòng ngừa bằng các biện pháp tự nhiên và nhân tạo phù hợp.
Nhìn tới các hướng xử lý
Với những ngôi nhà bố trí hệ thống thông gió thường xuyên thông phòng (dùng lam, cửa sổ lật trên cao, giếng trời hở, cửa chớp…) thì sẽ ít xảy ra hiện tượng gió lùa vì không có chênh lệch áp suất không khí nhiều giữa các không gian. Tuy nhiên do tâm lý và thực tế mở kiểu vậy khiến nhà đầy bụi, nhiều gia chủ hay bít kín các dạng lam gió, cửa chớp… Điều này lại dẫn đến hiện tượng khi mở cửa có thể xảy ra gió hút mạnh, gió lùa cục bộ, thậm chí hiện nay có quan điểm (chưa kiểm nghiệm toàn diện trên thực tế) cho rằng lây lan bệnh tật hô hấp qua hành lang chung, qua giếng trời chung cư, khiến nhiều cư dân bối rối, lo lắng.
Nếu quan sát và phân tích đúng, sẽ thấy cần phải “có kiêng có lành” để tránh những bố trí sai lệch, dẫn đến thông gió thành… thông thống, qua các nguyên tắc cơ bản sau:
- Đánh giá toàn diện các mặt đón gió và nhận gió tại nhà của mình cụ thể là những hướng nào. Mức độ thoáng mở có phân cấp (từ nhiều đến ít) sẽ giúp giảm các luồng không khí xấu lưu chuyển, nhất là từ khu vực có nhiều khí thải như phòng vệ sinh hoặc bếp, theo nguyên tắc Tọa Hung Hướng Cát, tức là đặt không gian bếp núc, khu vệ sinh, nhà kho, sân phơi… (tạm gọi khu B) về vùng xấu của nhà, và hướng các vị trí sinh hoạt cơ bản như ngủ, sinh hoạt, ăn, làm việc (gọi là khu A) về vùng được đón nhận luồng khí tốt. Khi gió chủ đạo vào khu A và thoát ra ở khu B, nắng sáng được nhận nhiều ở A và nắng chiều rọi vào B thì sẽ hợp lý về khử khuẩn, tốt cho sức khỏe (nhất là với người già và trẻ em). Hiện nay, với dạng nhà chung cư, bố trí phổ biến là lối vào căn hộ gần các chức năng cần “đóng” như khu vực bếp, vệ sinh, còn phần “mở” ra phía ban công, logia dành cho các không gian sinh hoạt như phòng ngủ, khách… là gần đạt yêu cầu, tuy nhiên không phải tất cả đều ổn, vì hướng gió thay đổi và các mặt tiếp xúc bên ngoài - bên trong của căn hộ khác nhau.
Dùng giếng trời có tính toán hợp lý tăng khả năng luân chuyển khí tốt hơn cho nhà phố đô thị
- Cửa lấy gió vào nhà cần được đặt ở vị trí đầu gió và tại phía thấp, còn cửa để gió thoát ra cần đặt ở vị trí cuối hướng gió và ở điểm cao hơn trong phòng. Nếu phòng chỉ mở cửa được một phía thì cần phía đối diện gắn quạt hút cưỡng bức vào giếng trời hay hộp kỹ thuật. Cũng cần hiểu rõ đặc thù khí hậu nước ta vốn không đạt được hướng gió và vận tốc gió ổn định thường xuyên, nên dù có xoay nhà cửa về hướng thuận lợi đến đâu thì dân ta vẫn luôn phải… phe phẩy thêm quạt dù trời nóng hay lạnh. Mặt khác, vận tốc gió tăng dần theo tầng cao, nên không thể áp dụng 1 kiểu đóng - mở cửa giống nhau giữa các tầng nhà khác nhau được. Càng lên cao nắng chiếu càng gay gắt và gió càng mạnh, nên đòi hỏi bố trí cửa khác các tầng dưới. Đặc biệt, nếu nhà có mái dốc, thì phải cố gắng mở cửa (hoặc lam thông gió) cho không gian hầm mái để tránh tích tụ nhiệt, làm mát tự nhiên hiệu quả cho không gian sinh hoạt sát dưới mái nhà.
- Về thông gió cưỡng bức (bằng cơ khí, hay chủ động nhờ hệ quạt hút, máy thổi): cũng theo các nguyên tắc thông gió tự nhiên. Nếu có “trái gió trở trời” như chuyển mùa, gió bão, mưa tạt, hay bên ngoài ô nhiễm, nhà khác đun nấu phả vào giếng trời chung… thì rất cần cơ chế đóng lại và thông gió cưỡng bức để tự bảo vệ mình. Cụ thể là tránh lạm dụng điều hòa không khí trung tâm mùa dịch này vì đây là nguồn phát tán vi khuẩn nguy hại. Nếu dùng máy điều hòa cục bộ từng phòng thì luôn có thời gian ngưng và mở cửa thông thoáng, bật quạt và gắn quạt hút để thoát khí trong phòng ra. Nhà bếp, vệ sinh đều cần có quạt hút, khử mùi và hút cưỡng bức vào hộp kỹ thuật, tránh để phòng kín và bức bí, đồng thời tránh gắn quạt hút từ nhà mình thổi sang nhà khác, ra hành lang chung. Lưu ý bố trí các miệng thổi gió vào và đẩy gió ra không được gần nhau.
Nhà cửa xứ nhiệt đới gió mùa rất cần thông gió tự nhiên, mùa bệnh dịch hiện nay lại càng cần thoáng khí và tăng cường đối lưu không khí qua giếng trời, cửa lấy gió và hút gió. Nhưng không thể áp dụng một nguyên tắc cố định, bởi các hướng khí hậu, hướng giao tiếp và quan hệ của các nhà khác nhau. Thực tế hiện nay chưa thể chủ động kiểm soát được luồng không khí tự nhiên vào nhà với vận tốc mong muốn trong toàn phần thời gian, nhất là với nhà cao tầng. Giải pháp đón gió tự nhiên rồi thông gió đối lưu và kiểm soát tốc độ gió bằng hệ thống quạt chủ động đã được các nhà khoa học nghiên cứu và đề xuất, hiện đang tiếp tục thực nghiệm tại hiện trường để đúc kết thành các phương pháp tính toán và ứng dụng cụ thể trong các loại công trình khác nhau.
ThS.KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương
Tài liệu tham khảo:
- Sổ tay ngôi nhà xanh, Tiết kiệm năng lượng, Giải pháp thích ứng khí hậu cho công trình tại thành phố Hồ Chí Minh, được tài trợ nghiên cứu phát triển bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu (BMBF) CHLB Đức, trong khuôn khổ của dự án tài trợ “Nghiên cứu về Phát triển bền vững cho các siêu đô thị trong tương lai - Cấu trúc thích ứng khí hậu và tiết kiệm năng lượng cho các Trung tâm Đô thị đang phát triển”- PGS.TS Phạm Đức Nguyên, UV Hội đồng Kiến trúc Xanh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Phương pháp thiết kế kiến trúc xanh ở Việt Nam, Tạp chí Kiến Trúc 07-2016; Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam, NXB Trí Thức, Tái bản năm 2015
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 184)