Ý tưởng phát triển một tòa nhà có thể thích ứng ngay cả với những thay đổi của mực nước biển được đánh giá là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, những thách thức mà công trình nổi này đặt ra cũng không hề đơn giản.
Với bất kể ai làm trong lĩnh vực xây dựng, dù là thiết kế, thi công một mô hình chuồng chim hay kể cả là một món đồ nội thất nhỏ, đều hiểu rõ về xác suất có thể có những sai sót trong quá trình tạo ra. Một chiếc đinh vít không vặn chặt hoàn toàn, một tấm gỗ bị cong vênh, sự thiếu chú ý, hay một số tính toán sai lầm đều có thể dẫn đến thất bại cho công trình đó. Đặt những giả thiết này vào quy mô một tòa nhà với vô số quy trình và nhiều người cùng tham gia thực hiện, sẽ dẫn đến mọi thứ phức tạp hơn, khó có thể kiểm soát trọn vẹn và ngày càng mất nhiều thời gian cũng như nhiều nguồn lực hơn để hoàn thành.
Và khi yêu cầu lại là một tòa nhà cần nổi trên mặt nước, hoàn toàn tự cung tự cấp và có thể tái sử dụng nó sau khi hoàn thành thời gian sử dụng, áp lực thách thức về kỹ thuật xây dựng cho các KTS là rất lớn.
Mỗi một công trình luôn là đại diện cho các giá trị xây dựng của riêng chúng. Từ các nhà thờ Gothic của Công giáo đến các tòa nhà ngân hàng được tráng gương, kiến trúc xây dựng đã tạo ra không gian toát lên sự quyền lực, hùng vĩ và hơn thế nữa. Nhưng đối với các tổ chức toàn cầu hỗ trợ các quốc gia, các tổ chức và công ty kiến trúc trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, thì kiến trúc xây dựng lại phải phản ánh các khái niệm về khả năng chống chịu và sự bền vững.
Ý tưởng phát triển một công trình tòa nhà có thể thích ứng ngay cả với những thay đổi của mực nước biển được đánh giá là một bước tiến mới quan trọng, có tính biểu tượng cao trong thiết kế, xây dựng. Ví dụ cụ thể là công trình văn phòng dạng nhà phao bằng gỗ của công ty Powerhouse, với hệ thống tự cung tự cấp hoàn hảo, hơn nữa còn có thể tạo ra năng lượng mặt trời và dựa trên một hệ thống trao đổi nhiệt dựa trên nước. Ngoài ra, cấu trúc của nó được làm hoàn toàn bằng gỗ kỹ thuật, không chỉ làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon mà còn cho phép nó hoàn toàn có thể tái sử dụng vì cấu trúc được lắp ráp mà không cần chất kết dính và dễ dàng tháo rời. 970 tấn gỗ của công trình cũng được lấy từ các khu rừng của Đức gần địa điểm xây dựng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, đồng thời lưu trữ lượng CO2 tương đương với hành trình 8 triệu km của một chiếc ô tô trung bình.
Archdaily đã có cơ hội được trao đổi với KTS Albert Takashi Richters, người đã tham gia vào công trình này và ông đã cho thấy một số vấn đề thách thức công trình đặt ra. Theo ông: “Thách thức nhất chính là việc phải làm cho nó nổi. Để cân bằng cần phải phân bổ trọng lượng đồng đều ở bên trên, bất kỳ sự mất cân bằng nào đều phải được bù đắp bằng chấn lưu và vấn đề trọng lượng chết này thực sự là một điều cần tránh, vì nó còn ảnh hưởng cả đến kích thước. Thách thức này đòi hỏi KTS cần có tư duy hiệu quả về các thành phần khác nhau để tạo ra tòa nhà”.
Đối với một số thách thức trong cấu trúc tòa nhà nổi, phụ thuộc vào hệ thống mà KTS chọn lựa, có thể sẽ mở ra một số lợi thế lớn. Việc di dời đi một khối lượng công trình cứng để tòa nhà nổi có nghĩa là sẽ tạo ra nhiều không gian trống bên dưới, ở đây, tòa nhà có thể lắp đặt là nơi lưu trữ năng lượng. Mái nhà có thể được thiết kế cho thảm thực vật, cũng như thêm một loạt các tấm quang điện tích hợp để cung cấp năng lượng cho toàn bộ tòa nhà. Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước có nghĩa là lợi ích từ việc làm mát có thể được tận dụng nhiều hơn thông qua hệ thống trao đổi nhiệt được tích hợp bên trong đế nổi.
Cũng giống như việc thiết kế và xây dựng nên những cabin với cấu trúc cùng loại, tòa nhà nổi này cũng được sản xuất và khoan hoàn toàn trong nhà máy trước khi được vận chuyển đến địa điểm. Sau đó chúng được lắp ráp nhanh chóng với sự hỗ trợ của cần cẩu. Tuy nhiên, Richters cho rằng thách thức chính là các phần khác nhau của tòa nhà phải được lắp ghép theo một thứ tự khác nhau.
Chẳng hạn như trong tương lai, tòa nhà này phải di chuyển qua vùng Rijnhavenbrug (Hà Lan), có nghĩa kích thước phải nhỏ gọn vì liên quan đến chiều rộng và chiều cao của tòa nhà. Do đó, để khắc phục thách thức này, cần phải có một hệ thống liên kết kế hoạch, trong đó các ống dẫn được chia thành các ống nhỏ hơn nhằm đảm bảo quá trình vận chuyển và lắp đặt. Thường trong các quy trình như thế này, KTS và các nhà tư vấn kết cấu lắp đặt chắc chắn cần phải làm việc cùng nhau ngay từ đầu mới có thể nắm bắt được toàn bộ quy trình lắp đặt của công trình.
Xem thêm hình ảnh:
Biên dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM
- Nhà nổi góc cạnh – Hướng tới cộng đồng Amsterdam bền vững
- Nhà nổi chống lũ giá 25 triệu đồng
- Thiết kế khoang ngủ dùng năng lượng mặt trời cho người vô gia cư