Lộ trình gần 20 năm 

Năm 2003, Hồng Kông là tâm điểm xảy ra đại dịch SARS, khi đó có số lượng người tử vong lớn nhất vì SARS. Những ai đã từng đến đây thời đó, hẳn còn nhớ cảm giác ngột ngạt khó thở vào buổi sáng sớm, khi hàng trăm ngàn chiếc máy điều hòa chạy hết cỡ, phả hơi nóng ra đường phố và khói bụi thì dày đặc vào những hôm lặng gió.

Giữa cơn hoảng sợ bởi cái chết vô hình bao quanh mà không rõ nguyên nhân, người dân, Chính phủ và các nhà khoa học bắt tay vào chiến dịch làm sạch môi trường không khí.

Trong giai đoạn 1985-1990, ở thành phố này mỗi năm chỉ có khoảng 60 ngày không khí an toàn (theo tiêu chuẩn WHO). Khí thải độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, NO2 ở Hồng Kông xoay quanh mức 50mcg/m3. Chính quyền thành phố cho biết mức độ khí NO2 đã tăng 1/4 kể từ năm 2006.

1-5.jpgPhân tích nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại HongKong và so sánh những chỉ số biến đổi chất lượng không khí theo từng gia đoạn thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Nguồn: Báo cáo của Ủy ban quản lý môi trường HongKong –BEC Buisiness Enviroment Council.

Hồng Kông đã sớm bắt tay vào thực hiện lộ trình cải thiện môi trường và thực hiện nó một cách kiên định. Họ đã nghiên cứu, xác định rõ những nguyên nhân phát thải khói bụi từ tàu thuyền vào ra các bến cảng đông đúc, gây ra 25% phát thải độc hại.

Từ đây, Hồng Kông đã ban hành quy định kiểm soát các tàu thuyền vào cảng phải sử dụng động cơ, nhiên liệu không có khí thải độc hại. Giải pháp này có tác dụng tức thời: các hãng tàu lớn thực hiện ngay, bởi các hải cảng quốc tế lớn đều quy định như vậy và nguồn ô nhiễm không khí lớn nhất của Hồng Kông giảm nhanh tức thì…

Một số cảng nghèo lo không có tàu cập bến đã hạ thấp tiêu chuẩn khí thải – họ mắc sai lầm hoàn toàn: những con tàu cũ nát có công suất nhỏ và chi phí thấp không thể mang lại nguồn lợi mà chỉ đem đến nhiều vấn đề rắc rối hơn.

Đối với ô nhiễm do các nhà máy điện than, Hồng Kông đổi mới công nghệ hiện đại: nhiệt, khói bụi, chất thải nhà máy điện được thu hồi triệt để để sản xuất xi măng, họ cũng có kế hoạch chuyển dần sang điện dầu và điện khí, Hồng Kông còn đầu tư nhà máy điện nguyên tử tại Quảng Đông và mua điện từ nhà máy này.

Nhiều cơ sở công nghiệp phát sinh khí thải độc hại đã được dịch chuyển vào các khu vực lãnh thổ nghèo hơn đang khát khao “công nghiệp hóa”. Rắc rối nhất là ô nhiễm khí thải trên đường phố, Hồng Kông đã phát triển hệ thống giao thông công cộng từ những năm 1970, họ tiếp tục phát triển và thêm các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu (ô tô điện, khí hóa lỏng – LPG và xe chuyển đổi động cơ – hybrid) đồng thời tổ chức quy hoạch, thiết kế đô thị để khí thải độc hại không ngưng tụ tập trung… Họ đã có kế hoạch hành động từng bước/rõ ràng nhằm mục tiêu giảm phát thải không khí xuống còn 25% so với hiện tại trong vài năm tới.

Tại Hồng Kông, họ tính toán rằng, CO từ xe máy, ô tô chiếm 60% – 65.900 tấn (2016) nên cần tập trung giảm bớt bằng 2 cách: giảm xe cũ và giảm đi xe để thay bằng giao thông công cộng, vậy là năm 2017, lượng CO từ xe máy, ô tô chỉ còn 53% – 57.110 tấn (báo cáo của Ủy ban Quản lý môi trường Hồng Kông – BEC).

Để có được các con số này, hẳn là hệ thống đo lường và công tác nghiên cứu/thông tin khoa học rất tin cậy.

Hồng Kông có hệ thống giao thông công cộng tiên tiến nhất thế giới. Đáp ứng 90% nhu cầu đi lại trong thành phố, do vậy người Hồng Kông đăng ký phương tiện giao thông cá nhân thấp thứ hai trên thế giới (58,2 %), chỉ sau Stockholm (54,7%), so với London đứng ở vị trí thứ 9, Tokyo thứ 19 và Bắc Kinh xếp thứ 28.

Trong những chia sẻ từ các đồng nghiệp Hồng Kông, chúng tôi ghi nhận lời khuyên chí tình: cho dù cố gắng tới đâu thì vẫn chẳng có “phép thần” nào có khả năng biến thành phố ô nhiễm trở nên sạch sẽ chỉ sau một đêm.

Các dự án phát triển hệ thống giao thông công cộng của Hồng Kông đang được quản lý đầu tư bằng giải pháp tiên tiến nhất thế giới: Quản lý thông tin xây dựng BIM (Buiding Infomartion Management ) và vận hành bằng Hệ thống giao thông thông minh ITS (lntelligent Transport System) trị giá 3 tỷ USD (giai đoạn 2006-2016).

Riêng bằng Hệ thống điều hành giao thông thông minh ITS đã lên tới 423 triệu USD, bao gồm Hệ thống camera và cảm biến (CCTV); Điều khiển giao thông vùng (ATC); Giám sát hệ thống (TCSS) và Trung tâm Thông tin và Quản lý giao thông (TMIC). Công cụ quản lý chính xác sẽ chỉ ra nguyên nhân gây tác hại chính xác và có biện pháp can thiệp chính xác.

Trong những chia sẻ từ các đồng nghiệp Hồng Kông, chúng tôi ghi nhận lời khuyên chí tình: cho dù cố gắng tới đâu thì vẫn chẳng có “phép thần” nào có khả năng biến thành phố ô nhiễm trở nên sạch sẽ chỉ sau một đêm.

Một thí nghiệm trước cổng trường

Mùa thu Hà Nội vốn được mong đợi như bầu trời xanh ngắt, gió đưa hương thơm từ hàng cây hoàng lan, cơm nguội, và từ Hồ Tây, sông Hồng thổi tới làm dịu mát lòng ai… Nhưng mùa thu năm 2019, người Hà Nội ngột ngạt về những ngày lặng gió, về tin tức nồng độ bụi mịn cao cho dù không nhìn thấy, nhưng khí thải từ ô tô, xe máy khét lẹt, hay đặc quánh mịt mờ khói sương thì ai cũng nhận ra.

2-3.jpgNguyên nhân gây ô nhiễm không khí và bản đồ các thành phố bị ảnh hưởng , Nguồn: TS Park Kidong ,WHO.

Cơ quan môi trường thành phố cho rằng nguyên nhân do đốt rơm rạ, khói bếp than, do không có gió thổi đi, không có mưa rửa sạch… Họ cũng hân hoan thông báo thành phố đã có 19 nhóm giải pháp để cải thiện ô nhiễm không khí, sắp tới sẽ khẩn trương lắp thêm mấy trạm quan trắc không khí, để kịp thời thông báo cho bà con biết chính xác mà tránh không đi vào nơi nào độc hại.

Ngoài ra, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, Hà Nội sẽ khẩn trương hoàn thành vào cuối năm 2020 Báo cáo nghiên cứu về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội, rõ ra rồi sẽ quyết liệt giải quyết.

Tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng không khí từ các ống khói trong các cụm công nghiệp vây quanh Hà Nội thoải mái tuôn ra, từ các công trường xả bụi đất đá vô tội vạ, từ hố đào cho tới tầng cao, hay trong nhà xưởng. Đặc biệt là từ khí thải động cơ ô tô xe máy.

Đứng trước những sự cố môi trường lớn, ngành quản lý môi trường tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang phản ứng khá bị động: đưa ra những kết quả trái ngược nhau và mơ hồ trong các đề xuất ứng phó – nó thể hiện sự hạn chế về năng lực cũng như trách nhiệm công vụ, chưa xứng đáng với sự trông cậy của xã hội.

Trong hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hàng ngàn hecta đất nông nghiệp chuyển đổi, hành lang thoát nước bị san lấp để phát triển bất động sản thương mại, dẫn đến không gian xanh, tái chế nước thải, rác thải hữu cơ bị thu hẹp. Các đô thị vùng ven mở rộng, áp lực bởi nhu cầu đi lại dẫn đến tăng đột biến phương tiện cá nhân.

Trong sáng kiến cải thiện môi trường của Hàn Quốc, mang tên”Lời hứa Seoul”, họ có kế hoạch hành động cụ thể cho từng người dân đến ông thị trưởng. Nó khác hẳn cách làm của ta: nặng về hô hào hình thức mà không rõ từng người phải làm gì và được gì.

Các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế phế liệu hay sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu… nhưng không có hệ thống thu gom nước thải, khí thải, chất thải rắn độc hại… Hầu hết phát triển tự phát mà không có phương án cụ thể nào từ ngành xây dựng, kiến trúc quy hoach, tài nguyên đất đai và môi trường, khoa học công nghệ…

3-4.jpgCháy nhà máy Rạng Đông gây ô nhiễm không khí . San lấp đất ruộng trũng, bán ngập để xây dựng các tổ hợp bất động sản quy mô lớn : giảm không gian xanh ,giảm khả năng hấp thụ chuyển hóa khí thải nước thải ; Tăng khối tích bê tông hóa , gia tăng sử dụng nhiên liệu ,năng lượng vận hành tòa nhà và di chuyển trong thành phố.

Việc di dời các nhà máy, trường học lớn ra khỏi trung tâm không tạo ra cơ hội không gian cây xanh mặt nước lớn hơn mà thay vào đó các khối tích bất động sản thương mại với mật độ bê tông hóa lớn hơn, phát triển nhanh trong khi những giải pháp cải thiện môi trường thì nhỏ lẻ, nặng về hình thức mà thiếu cơ sở khoa học và không có tác dụng thực tế.

Ô nhiễm nước thải quy mô toàn thành phố không có chiến lược thu gom xử lý hợp lý mà dùng các thử nghiệm nhỏ lẻ hay bột hóa chất không rõ tác dụng. Toàn bộ nguồn nước thải ô nhiễm, với các chất khí độc hại theo nguồn nước bay hơi, phát tán dọc theo suốt chiều dài thành phố… Nay lại định vay gần 1 tỷ USD xử lý tận cuối nguồn, sau đó đổ nước sạch vào sông Hồng.

Việc trồng cây xanh nhằm đảm bảo gia tăng diện tích tán cây, thảm cỏ chứ không chỉ chú ý tới số lượng, nhất là trồng nhiều loại cây không phù hợp với thổ nhưỡng và không có tác dụng cải thiện không khí đô thị.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế gợi ý 5 bước hành động để giảm thiểu ô nhiễm không khí: loại bỏ, kiểm soát, cải thiện, xúc tiến, cơ chế. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm không khí trực tiếp, cụ thể là từ khí thải ô tô xe máy. Đồng thời kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất đốt nhiên liệu không kiểm soát, đặc biệt là các nhà máy đốt rác xả ra khí độc dioxin và furan (tác nhân gây ung thư). Từng bước hỗ trợ các làng nghề thu gom xử lý khí thải, nước thải. Hạn chế các dự án san lấp không gian cây xanh, mặt nước để bảo tồn không gian tái tạo tuần hoàn không khí sạch.

4-B%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-B%E1%BA%AFc-Kinh.jpgVí dụ về 5 bước hành động để giảm hơn 50% hàm lượng bụi mịn PM 2,5 tại Bắc Kinh giai đoạn 2013 – 2019.

Báo chí công bố số liệu ô nhiễm không khí đã hàng chục năm nay rồi, bây giờ có thêm nhiều nguồn để cho thấy mức độ ô nhiễm cao hơn… Nhưng rõ là 10 năm qua và nhiều năm trước, Hà Nội chưa từng có kế sách nào hữu hiệu nhằm bảo vệ chất lượng không khí tốt hơn. Nhưng dù có tệ tới mức nào mà nhìn thẳng vào tồn tại để giải quyết thì sẽ có cách thoát ra. Chúng tôi đang thử việc thay đổi không khí tại một cổng trường tiểu học trung tâm thành phố: bố mẹ của 1.500 học sinh mỗi lần đón con chỉ cần tắt máy trước cổng trường trong bán kính 50m thì chất lượng không khí tốt hơn.

Cha mẹ làm việc gần trường thì để xe tại văn phòng, dắt con đi bộ một đoạn thì vừa vui vừa thú vị lại làm không khí quanh trường bớt ô nhiễm hơn. Trong sáng kiến cải thiện môi trường của Hàn Quốc, mang tên “Lời hứa Seoul”, họ có kế hoạch hành động cụ thể cho từng người dân đến ông thị trưởng. Nó khác hẳn cách làm của ta: nặng về hô hào hình thức mà không rõ từng người phải làm gì và được gì.

Mỗi người dân Hà Nội có tham gia “Lời hứa Hà Nội” thì hy vọng rằng ta sẽ có thêm khí sạch để hít thở thay vì phàn nàn hay hô hào suông hoặc đưa ra những kế hoạch phức tạp mà chẳng biết bắt đầu từ việc gì. 

KTS. Trần Huy Ánh  – Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022