Năng lượng, xét trên góc độ phong thủy sẽ thấy mối liên quan tới tụ khí, bởi đạo của phong thủy chính là “tụ thủy” và “tàng phong”. Thủy tụ để sinh ra khí và tàng phong để tránh tán khí. Ngôi nhà, hay tòa nhà biết áp dụng phong thủy đúng đắn, sẽ có thể đạt được yêu cầu tụ khí, tức tích tụ trường năng lượng tốt. Tất nhiên chúng ta có thể có sự hiểu khác nhau giữa năng lượng thông thường, và nguồn năng lượng trong phong thủy.
(Ảnh minh họa)
Năng lượng đến từ bản thân con người, cũng như môi trường xung quanh:
Nếu sự đố kỵ, nghi ngờ, buồn chán… tác động xấu đến chúng ta; thì ngược lại, niềm tin, sự vui vẻ, phấn chấn… lại mang đến cho chúng ta nguồn năng lượng mới, với sức sống mới. Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương về những người tự tin, hoạt bát… đã biết vận dụng tâm thái tốt của mình, để chuyển hóa vào cuộc sống cũng như công việc, mang lại thành công cho bản thân và những người xung quanh.
Người khỏe mạnh, tích cực, lạc quan sẽ có một nguồn năng lượng dồi dào, nguồn năng lượng và sức sống này được tác động đến những người xung quanh, giúp cho mọi người cảm thấy thư thái, thoải mái. Môi trường sống cũng như vậy, năng lượng đầy đủ, làm cho con người tràn đầy sức sống; ngược lại, sẽ mang đến những yếu tố bất lợi, từ đó ảnh hưởng đến vận thế con người. Dưới đây là những yếu tố sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn năng lượng của môi trường sống, mà chúng ta cần tránh:
- Nơi âm khí nặng: Xét theo khoa học, nơi có nhiều âm khí hay khí xấu, là những nơi đã xảy ra hỏa hoạn, bệnh dịch, hay những khu đất từng có mộ, lò giết mổ súc vật, phòng khám chữa bệnh… Bản chất những nơi này nhiều âm khí, khí xấu có thể ảnh hướng đến môi trường sống xunh quanh, thậm chí gây ra những áp lực nặng nề, ảnh hưởng xấu đến vận thế của gia đình. Xét theo phong thủy, nơi khí xấu là nơi có các tổ hợp sao xấu vận hành đến, như Nhị Hắc, Tam Bích, Tứ Lục, Ngũ Hoàng, Thất Xích.
- Thiếu ánh sáng: Có những kiến trúc tuy cao lớn, nhưng do bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh, hoặc do ảnh hưởng của cấu trúc, làm cho ánh sáng không thể chiếu tới, sống hay làm việc ở những nơi này sẽ không có đủ nguồn năng lượng cần thiết, dễ ảnh hưởng xấu đến tâm tư hay sức khỏe, ngồi lâu sẽ luôn cảm thấy u ám, lạnh lẽo. Vốn có thể là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, hay hội họp tốt lại trở thành nơi dễ phát sinh những cảm giác tiêu cực, bức xúc. Xét theo phong thủy, đây là những nơi bế khí, cần thông khí theo nguyên lý phong thủy để đạt được tác dụng “thu sinh khí, trừ sát khí”.
- Ẩm ướt, không thông thoáng: Những đường ngầm, hay căn phòng không có cửa sổ không thông thoáng, không khí sẽ ô nhiễm, và lâu ngày không có ánh nắng cũng sẽ ẩm thấp, có rêu mốc. Những nơi như thế không thể mang tới nguồn năng lượng tốt, ảnh hưởng xấu tới tâm lý những người phải làm việc, sinh sống, hay đi qua đây.
- Quá thoáng gió: Phong thủy yêu cầu môi trường “tàng phong tụ khí”, với những kiến trúc cửa đối diện nhau, sẽ làm khí lưu động nhanh, không tụ lại, nên cũng không thể có nguồn năng lượng tốt.
- Bố cục không hợp lý: Kiến trúc có kết cấu không hợp lý, cũng ảnh hưởng đến việc tụ khí, chẳng hạn như vệ sinh đặt ở giữa, sẽ tạo ra luồng khí xấu tỏa đều ra xung quanh, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Ngoài những yếu tố xấu đã kể trên, theo phong thủy học, cần những bố trí hợp lý để tạo ra nguồn năng lượng tốt nhất cho con người, có được tinh thần và nghị lực dồi dào sau một ngày làm việc vất vả.
Nguyễn Mạnh Linh - Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị - Đại học Xây dựng(Báo Xây dựng)