Sự gia tăng của trào lưu chung sống đã bắt đầu hình thành một xu hướng thiết kế nội thất mới. Trong các dự án nhà ở và phát triển thương mại gần đây, trào lưu chung sống được thể hiện rất rõ qua 1 ý tưởng là: Nhà không bếp.
“Nhà không bếp” được khởi xướng bởi KTS người Tây Ban Nha Anna Puigjaner. Trong 5 năm qua, ý tưởng này đã làm thay đổi một loạt xu hướng thiết kế nội thất và lối sống cộng đồng, nhưng đổi lại ý tưởng đã bắt đầu kể lên những câu chuyện và xây dựng trải nghiệm không gian bắt nguồn từ cuộc sống hiện đại.
Vào năm 2016, KTS Anna Puigjaner đã tưởng tượng ra một tương lai nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân. Dự án “Nhà không bếp” của cô đã nhận được Giải thưởng Wheelwright của Đại học Harvard cùng với khoản tài trợ trị giá 100.000 USD cho nghiên cứu về các mô hình nhà ở chung hiện có trên toàn thế giới.
Puigjaner giải thích ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn với ArchDaily, đồng thời tiết lộ cách áp dụng kiểu nhà ở “không bếp” trong các dự án của riêng mình với Tạp chí Metropolis. Puigjaner kể về khoảng thời gian cô đi du lịch khắp thế giới và thăm thú nhiều nền văn hóa khác nhau, nơi có cùng ý tưởng nấu ăn chung.
Đề xuất của Puigjaner là tạo ra những ngôi nhà không có bếp riêng mà dùng bếp chung tại vị trí trung tâm, giúp cho cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề về việc gia tăng dân số, đồng thời hình thành một cộng đồng trong một tòa nhà. Liên quan đến việc thiết kế các khu dân cư lành mạnh và bền vững, ý tưởng này cũng bắt nguồn từ việc hướng tới cuộc sống có ý thức về môi trường.
Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, người Mỹ lãng phí 30% thực phẩm tiêu thụ hàng năm. Tương tự như vậy, người già và thanh niên ngày càng thiếu các cơ sở xã hội hóa. Với mục tiêu phát triển các mô hình nhà ở tập thể mới, Puigjaner tin rằng việc tập trung hóa việc nấu nướng trong các tòa nhà dân cư và thúc đẩy cuộc sống chung có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề này.
KTS Eduardo Souza cũng đã từng viết, giá bất động sản cao và sự gia tăng của lối sống cô đơn đang khiến mọi người tìm kiếm những cách sống mới. Khái niệm chung sống đề cập đến nhiều khía cạnh, chẳng hạn như ý thức cộng đồng, tính bền vững và nền kinh tế hợp tác. Khái niệm này xuất hiện ở Đan Mạch vào những năm 1970, ban đầu có tên “cohousing” – nhà tập thể. Eduardo Souza lấy dẫn chứng về Sættedammen – một cộng đồng dân cư chung sống ở Đan Mạch, là cộng đồng chung sống đầu tiên trên thế giới – họ bao gồm 35 gia đình sống ở những ngôi nhà riêng biệt nhưng lại chia sẻ chung không gian để giao lưu và sinh hoạt, chẳng hạn như ăn uống, dọn phòng, họp nhóm, lễ hội và các sự kiện khác.
Ngày nay xu hướng chung sống mang đến vô số khả năng, từ những người chỉ đơn giản là sống cùng nhau, chỉ chia sẻ không gian vật chất, đến những cộng đồng cùng chia sẻ giá trị, sở thích và triết lý sống.
Vào tháng 11/2017, Space10 (một bộ phận nghiên cứu của IKEA) đã ra mắt một trang web tương tác và khảo sát có tên One Shared House 2030, được thiết lập như một ứng dụng mô phỏng cho ngôi nhà chung mà một người sẽ chuyển đến ở vào năm 2030. Cuộc khảo sát hỏi mọi người về sở thích sống chung của họ – từ những không gian mà họ muốn giữ kín đến những loại tiện ích mà họ không ngại chia sẻ.
Cuộc khảo sát đã nhận được phản hồi từ hơn 7.000 người ở 147 quốc gia. Kết quả: những người được hỏi quan tâm nhất đến việc được sống trong những ngôi nhà chung có từ 4 đến 10 người. Một trong những lý do chính mà mọi người đưa ra là mong muốn giao tiếp xã hội, bán những thứ như bếp riêng để có không gian riêng tư linh hoạt.
Quay trở lại với KTS Anna Puigjaner, cô đã từng nói rằng bản chất của sự tiện nghi được xây dựng và thiết kế. Khi nội thất được định hình theo kinh nghiệm, sự xuất hiện của xu hướng chung sống và các khái niệm như nhà không bếp đã bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà phát triển và các dự án lớn hơn ngoài khu dân cư gia đình đơn lẻ. Các dự án như Staten Island Urby, các nền tảng sinh hoạt chung như Treehouse và thậm chí các dự án riêng của Puigjaner với công ty MAIO của cô ấy cho thấy tiềm năng của những xu hướng này.
Khi kiến trúc và những thành phố của chúng ta được định hình bởi các phương thức sống mới, xu hướng thiết kế nội thất mới và những căn nhà không bếp sẽ tiếp tục phản ánh cách chúng ta chọn để sống ngày nay.
Biên dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Những xu hướng thiết kế phòng bếp thịnh hành trong năm 2021
- Bốn ý tưởng thiết kế nội thất tiết kiệm cho không gian bếp
- Ba chiến lược tạo nên sự khác biệt trong căn bếp đơn sắc – monochromatic