Công tác phê bình kiến trúc trên các tạp chí cũng đã đề cập phê phán được nhiều xu hướng xây dựng công trình kiến trúc kệch cỡm và xa lạ, làm ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa ở nhiều nơi trên đất nước ta. Công tác lý luận kiến trúc, là mảng công việc có phần yếu hơn phê bình kiến trúc. Chúng ta chưa thấy được tầm quan trọng của lý luận bởi trên thực tiễn có lý luận thì các bước đi mới đúng hướng, mới có hiệu quả. Để đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của ngành kiến trúc, công tác phê bình lý luận kiến trúc cần đi trước một bước dựa trên các chiến lược định hướng phát triển giàu tính khoa học bài bản, gắn lý thuyết với thực tiễn và nhất là nhận diện và đề cao các giá trị bản sắc. 

Hiện trạng công tác lý luận phê bình hiện nay

Công tác lý luận và phê bình kiến trúc của chúng ta đã từ lâu được nhật xét là yếu, không xứng với tầm phát triển mạnh mẽ của công tác thiết kế và xây dựng trên đất nước. Thử điểm qua vài nét về vấn đề này.

1. Về công tác phê bình kiến trúc, những năm qua phê bình kiến trúc nổi bật nhất là phê bình “Hội chứng kiến trúc Pháp”. Các bài viết phê bình hiện tượng này được đăng tải trên các tạp chí kiến trúc chuyên ngành vào báo hàng ngày, nhiều bài được phát trên truyền thanh và truyền hình. Đây là một loại kiến trúc lai căng, một loạt hàng giả cổ phương Tây lan tràn trên các công trình kiến trúc nhà ở do dân tự xây trên các đường phố, dần dần tạo thành một loại kiến trúc “dân gian” mới của đô thị. Trong thời gian này, tiêu chí một số công trình lớn do nhà nước xây dựng cũng làm theo hội chứng này. Các đặc điểm nổi bật là mặt đứng có cái fronton tam giác kiểu Hy Lạp – La Mã, có điêu khắc thạch cao nổi. Dưới mái chìa (fronton) là các cột theo nghi thức cột cổ điển Hy Lạp – La Mã nhưng được làm một cách sai lạc do không hiểu biết. Các cổng chào kiểu La Mã được làm nhiều ở các biệt thự, lối vào các khu đô thị mới, đây là các khải hoàn môn La Mã. Các chỏm trên mái Nhà Hát lớn Hà Nội rất được ưa chuộng trong thời gian này. Các chỏm này được làm trong thành phố, được xây dựng dọc các con đường từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc, từ Hà Đông vào Vân Đình và ở khắp các thị xã thị trấn trên miền Bắc. Từ con đường vào miền Trung cũng còn thấy những chỏm cầu này. Cái mái măng sác (Mansart) hình thang cũng được ưa chuộng, thậm chí có cả một khu đô thị đồ sộ (Khu đô thị The Manor – Mỹ Đình) sử dụng hoàn toàn loại mái này cho các ngôi nhà cao tầng! Cái mái Mansart của Pháp được lợp bằng ngói tôn, có khi lại sơn màu đỏ. Những hiện tượng như trên là kiểu bắt chước kiến trúc cổ điển phương Tây. Chúng ta kêu gọi chống hàng giả, hàng dởm, nhưng ở đây loại hàng Tây dởm này ngang nhiên trang điểm cho các đô thị của chúng ta.

Trong hội chứng "Kiến trúc Pháp" còn có hiện tượng làm giả các ngôi nhà dân gian Pháp với mái có độ dốc lớn, trên mái có ống khói lò sưởi vươn lên, các mái hồi tam giác có phần mái ngập đầu và có rất nhiều con sơn gỗ đỡ mái, trên mái và trên hồi có cửa sổ “mắt bò”. Thông qua các tạp chí chuyên ngành, các nhà phê bình kiến trúc đều đã có các cách tiếp cận và phản ánh khác nhau để lên tiếng phê phán hình thức “nhái cổ điển” này như đưa hình cắt của một số công trình kiến trúc to lớn ở trung ương và địa phương sắp được xây dựng lên lấy ý kiến đông đảo chuyên gia và bạn đọc. Rất đáng tiếc cho đến nay, dù bị phê phán mạnh mẽ nhưng những công trình này vẫn được xây dựng và ngang nhiên đứng trong thành phố. Tuy nhiên việc phê bình không phải là không có tác dụng. Những chỏm cầu Nhà Hát Lớn đã có phần thôi không mọc lên trong thành phố nữa, chúng “chuyển hướng” chạy về nông thôn và có quy mô, kích thước nhỏ hơn.

Trong thời gian qua ngoài những bài viết phê phán hội chứng "Kiến trúc Pháp", công tác phê bình kiến trúc trên các tạp chí cũng đã đề cập phê phán được nhiều xu hướng xây dựng công trình kiến trúc kệch cỡm và xa lạ, làm ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa ở nhiều nơi trên đất nước ta. Cụ thể nhất, các bài báo phê bình kiến trúc đã nhận diện và chỉ rõ bản chất những vấn đề nóng như biểu tượng bất cập và thất bại của nhiều công trình siêu thị, trung tâm thương mại lớn xây dựng ở nhiều thành phố trên khắp cả nước. Từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh đều có tình trạng người dân không đến các trung tâm thương mại đồ sộ mà luyến tiếc các khu chợ đã bị phá đi để xây dựng những trung tâm siêu thị này. Nhiều bài báo đã phân tích nguyên nhân, bản chất và đề xuất các hướng giải quyết của hiện tượng này dưới nhiều góc độ đa ngành như kiến trúc, quy hoạch, văn hóa xã hội, bảo tồn di sản, phát triển đô thị.

Một vấn đề nóng thứ hai mà giới phê bình thời gian qua có đề cập nhiều đến là “nhà ở xã hội”. Tuy đã có một số bài viết đáng kể như với tính chất là một vấn đề quan trọng của xã hội nên dường như công tác phê bình còn nhẹ và chưa sâu, chưa đưa đến những đóng góp về giải pháp hiệu quả. Riêng với vấn đề nhà ở tái định cư cũng vậy, mới chỉ đề cập đến các hiện tượng bên ngoài một cách chưa tập trung.

m_house2-Copy.jpg

Với kiến trúc xanh, giới phê bình kiến trúc đã dành nhiều sự tập trung cho vấn đề này. Dưới sự đóng góp ý kiến phản biện chung, thời gian gần đây chúng ta đã có tuyên ngôn Kiến trúc xanh, các tiêu chí của Kiến trúc xanh, các cuộc thi Kiến trúc xanh, nhiều cuộc triển lãm Kiến trúc xanh đã làm cho phong trào này trở nên rầm rộ và gây được tác dụng tốt trong sáng tác, thiết kế và xây dựng.

Với riêng "Chương trình xây dựng nông thôn mới" thì công tác phê bình hiện tại còn quá ít. Đã lâu, giới kiến trúc gần như bỏ quên nông thôn. Từ khi có việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thì giới kiến trúc mới bắt đầu quay trở lại và đề cập đến vấn đề này, nhưng còn sơ sài và chưa sâu. Vẫn còn thiếu những giải pháp cụ thể mặc dù trong 19 tiêu chí của nông thôn mới chỉ có chừng một nửa liên quan đến quy hoạch và kiến trúc, nhưng với chừng ấy khối lượng thì giới kiến trúc cũng có rất nhiều công việc để giúp nông thôn chúng ta vươn lên.

Vấn đề bảo tồn tôn tạo công trình kiến trúc cổ, khu phố cổ cũng là một đề tài mà việc phê bình rất cần thiết. Tuy nhiên mảng việc này cũng chẳng có mấy bài phê bình chuyên sâu và xác đáng.

Vấn đề đào tạo kiến trúc sư trong thời gian qua đã được đề cập dưới con mắt phê bình tương đối sôi nổi hơn. Những bài phê bình về đào tạo kiến trúc, những bài giới thiệu các phương thức đào tạo ở nước ngoài cũng làm quần chúng quan tâm để hướng tới những cải cách, cải tiến học tập và giảng dạy đào tạo kiến trúc sư. Tuy nhiên, hiện trạng hiện nay với trên 20 trường Đại học có đào tạo kiến trúc sư trong cả nước, việc giảng dạy có nhiều khác nhau tự học theo lời truyền thống đến học theo xưởng, học theo hội thảo Workshop… nhưng chất lượng kiến trúc sư tốt nghiệp vẫn không được thị trường lao động thực tế “vui vẻ chấp nhận”, tình trạng thất nghiệp sau tốt nghiệp là khá phổ biến. Những nhận xét phê phán cách đào tạo như vậy chưa có tác dụng.

2. Về công tác lý luận kiến trúc, có thể nói công tác lý luận kiến trúc là mảng công việc có phần yếu hơn phê bình kiến trúc. Chúng ta chưa thấy được tầm quan trọng của lý luận bởi trên thực tiễn có lý luận thì các bước đi mới đúng hướng, mới có hiệu quả.

lythuyetkientruc-Copy-350x500.jpg

Trong trường đại học, chúng ta chưa giảng dạy cho sinh viên những lý luận cơ bản nhất, quan trọng nhất của kiến trúc, của quy hoạch đô thị. Những lý luận này phải được minh họa bằng những thí dụ cụ thể, như vậy lý luận đi đôi với thực tiễn và sản phẩm là bản thiết kế mới có hồn, mới có bản sắc. Điểm lại các tài liệu về ý thuyết kiến trúc và quy hoạch… được xuất bản ta chỉ thấy có 02 cuốn là: Lý thuyết kiến trúc của Gs Ts.Kts Nguyễn Mạnh Thu và Gs Ts.Kts Phùng Đức Tuấn (xuất bản năm 2002) và cuốn Giáo trình lý thuyết kiến trúc đại cương của Gs. Ts.Kts Đặng Thái Hoàng và Pgs Ts.Kts Nguyễn Đình Thi (xuất bản năm 2013). Đây là hai cuốn sách nhỏ ít ỏi là tài sản rất quý để các kiến trúc sư có trong tay những nét chủ yếu tóm tắt lý thuyết về quy hoạch đô thị và kiến trúc mà những trí tuệ uyên bác của giới kiến trúc thế giới đã đưa ra trong suốt quá trình phát triển của lịch sử. Ngoài những lý thuyết đã ra đời từ nhiều thế kỷ trước, những lý luận và lý thuyết về kiến trúc và quy hoạch đô thị hiện đại cũng được trình bày. Tuy nhiên cả 02 cuốn sách này đều vẫn còn những khoảng trống khá lớn là đặc biệt là những lý thuyết rất quan trọng đã được áp dụng ở nhiều nước ngay cả ở nước ta. Ví dụ, cuốn Lý thuyết kiến trúc vẫn còn thiếu các lý thuyết chính thống về thành phố vườn của Ebeneger Howard, thành phố vệ tinh của Raymond Unwin, thành phố công nghiệp của Tony Garnier, thành phố tuyến của Soria Y Mala, thành phố Camillo Sitte. Không đả động đến lý thuyết tiểu khu (The Family’s neighbourhood) của Clarence Pery là lý luận đô thị đã được áp dụng rất nhiều ở Hà Nội, ở Vinh. Cuốn Giáo trình Lý thuyết kiến trúc đại cương cũng thiếu những thành phố của các nhà không tưởng Fourier và Godin. Cả hai cuốn sách về lý luận kiến trúc đều không đề cập đến các lý thuyết hiện đại và rất gần đây như lý thuyết Ekistica của Doxiades. Nhà kiến trúc Hy Lạp này trước năm 1975 đã từng có một phương án cho thành phố Sài Gòn. Lý thuyết “thành phố không phải là cây” của Christopher Alexander rất nổi tiếng đã phá hệ thống tầng bậc của Clarence Perry mà hiện nay chúng ta đang lúng túng giải quyết những hậu quả của các tiểu khu những năm 70 của thế kỷ trước. Cuốn giáo trình Lý thuyết kiến trúc đại cương có đề cập đến Clarence Perry nhưng chỉ vẹn vẹn 02 trang, chưa nói được điều gì đáng kể về lý thuyết mà giới kiến trúc quy hoạch chúng ta đã thực hiện suốt hơn hai thập kỷ. Những lý thuyết về hậu hiện đại của Charles Jeneks, lý luận về phản truyền thống của Kenzo Tange, lý luận về kiến trúc cộng sinh về chuyển hóa luận cũng không hề trình bày.

Nhìn chung lại, trong bối cảnh hiện tại vì chúng ta có phần còn coi nhẹ vấn đề lý luận nên công tác thiết kế không có căn cứ để dựa vào mà sáng tạo.

Định hướng phát triển lý luận và phê bình kiến trúc

Để đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của ngành kiến trúc, công tác phê bình lý luận kiến trúc cần đi trước một bước dựa trên các chiến lược định hướng phát triển giầu tính khoa học bài bản, gắn lý thuyết với thực tiễn và nhất là nhận diện và đề cao các giá trị bản sắc. Trước hết cần cập nhật các hệ thống lý thuyết tạo dựng bản sắc kiến trúc và phát triển bền vững cho nền kiến trúc Việt Nam.

Một lý thuyết đang có ảnh hưởng rất mạnh trong giới kiến trúc quốc tế là lý thuyết về “Nơi chốn”. Lý thuyết này ra đời vào giữa thế kỷ 20 từ lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị. Lý thuyết này phát triển mạnh như một phản ứng với mô hình đô thị của Lecorbusie mang tính dụng lý xóa nhòa tính chất bản địa và mang tính toàn cầu hóa. Lý thuyết nơi chốn mang lại bản sắc cho kiến trúc. Nhiều kiến trúc sư phát triển lý thuyết này như Kenvin Lyrich, Jane Jacobe, William Whyte, Alexander… và đưa ra những khái niệm “Kiến tạo nơi chốn”, “hồn nơi chốn”… nhấn mạnh bản sắc cho kiến trúc đô thị.

Ngoài lý thuyết “nơi chốn”, lý luận về kiến trúc sinh thái cũng mang đến cho kiến trúc bản sắc rõ rệt. Có hình thái tự nhiên và sinh thái nhân văn; Kiến trúc và quy hoạch đô thị đáp ứng được hai yêu cầu sinh thái này, tự nhiên nó mang màu sắc địa phương cả về vật chất và tinh thần cho nên nó có một bản sắc riêng, khác hẳn ở những địa điểm khác. Vì thế nó mang tính chất dân tộc.

Kết hợp hai lý thuyết “Nơi chốn” và “Kiến trúc sinh thái” là xu hướng hợp lý và có hiệu quả cho tương lai kiến trúc Việt Nam, đảm bảo một bản sắc Việt Nam đậm đà. Nhìn lại lịch sử phát triển thì ông cha chúng ta cũng đã thực hiện những lý thuyết này từ nhiều đời nay, vấn đề dùng thuật phong thủy để chọn địa điểm xây dựng nhà cửa, bản làng, bố cục khuôn viên ngôi nhà trong một sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, cây cỏ phong phú, có hồ ao, bóng mát… đã phát huy cao độ các ưu điểm của “nơi chốn”, đã tạo nên “hồn nơi chốn” và một môi trường sinh thái hoàn hảo. Chính vì vậy đây là con đường đúng ông cha ta đã đi và chúng ta chỉ cần bước trên con đường đó. Nó là truyền thống nhưng mang tính hiện đại.

Còn một vấn đề nữa, muốn cho bản sắc của kiến trúc Việt Nam đậm đà và độc đáo thì cần phải đào sâu suy nghĩ tìm ra cái gì Việt Nam nhất để thể hiện nó, đưa vào các sáng tác. Đó phải là bài học của Nhật Bản được thể hiện bằng tác phẩm của Kenzo Tange, Kuzokana, Tadao Ando… Đó là tính “thiền’’, đó là những tinh hoa của truyền thống được cô đúc lại, hoặc được làm ngược lại trong lý thuyết “Phản truyền thống” của Kenzo Tange… Cái đó không dễ, cần hiểu Việt Nam hơn nữa, cần hiểu chúng ta hơn nữa không thể hời hợt mà dễ cũng tạo được bản sắc đậm đà cho Kiến trúc Việt Nam./.

PGS.TS.KTS Tôn Đại  (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022