Tòa nhà Copenhill ở Copenhagen, Đan Mạch thực chất là một nhà máy đốt rác thải để biến thành năng lượng, đang sở hữu một trong những bức tường leo núi cao nhất thế giới. Bức tường nhân tạo dành cho các vận động viên leo núi này cao tới 85 mét và sẵn sàng thách thức bất cứ ai đam mê leo núi, ưa thích mạo hiểm.
Sáu năm trước, khi tập đoàn Bjarke Ingels công bố kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng xanh Copenhill có khả năng cung cấp cho thành phố Copenhagen điện, nước nóng và các nguyên liệu tái chế, đặc biệt là ý tưởng về một bức tường leo núi cao nhất thế giới sẽ được xây dựng bên hông nhà máy, rất nhiều người cho rằng dự án này quá hoang đường và hoài nghi khả năng triển khai thực tế.
Nhưng không ngờ, rất nhanh sau đó dự án đã được xây dựng và gần hoàn thành. Bộ phận nhà máy sản xuất năng lượng từ chất thải hiện đã đi vào hoạt động. Khi chính thức khai trương, nhà máy sản xuất năng lượng sạch từ chất thải sẽ xử lý 400.000 tấn chất thải hàng năm để cung cấp nước nóng cho 160.000 hộ gia đình và cấp điện cho 62.500 hộ gia đình. Nhà máy mới này có công suất năng lượng cao hơn 25% so với nhà máy đang dùng, trong khi đó lượng phát thải CO2 cắt giảm đạt khoảng 100.000 tấn/năm.
Vasil Sharlanov, trưởng phòng kinh doanh của Walltopia và là trưởng phòng thiết kế chính của dự án cho biết: “Thiết kế tường này là một thách thức lớn khi chúng tôi cố gắng tìm lại sự cân bằng giữa ngoại hình và chức năng. Mục tiêu là tạo ra một vẻ đẹp phù hợp với kiến trúc xây dựng nhưng vẫn phải tạo ra các cấu trúc liên kết trên tường để mang lại trải nghiệm leo trèo”.
Mặt ngoài của tòa nhà được lắp các thanh kim loại có thể di động với kích thước và hình dạng khác nhau để điều chỉnh hấp thụ ánh sáng mặt trời. Khi trời mưa, mỗi thanh kim loại sẽ chuyển nước mưa xuống thanh bên dưới nó để tận dụng làm nước tưới cây. Vật liệu tạo nên bề mặt tường này được làm từ sợi thủy tinh. Loại vật liệu này đảm bảo chống chịu được thời tiết khắc nghiệt của vùng Scandinavian. Ước tính nhà thầu đã sử dụng tới 55 tấn thép nhập từ Bulgari và 24 tấn sợi thủy tinh.
Việc xây dựng bức tường leo núi này ban đầu không hề đơn giản, bới thời tiết lạnh và có gió lớn nên rất khó để cẩu được các viên đá lên an toàn.
Ivan Natov, một quản lý của dự án chia sẻ: “Các tấm thủy tinh hữu cơ rất khó để xử lý, đặc biệt là nếu bạn cần uốn cong nó, nhưng nhờ tiến bộ công nghệ và các kỹ sư lành nghề nên vấn đề đã được giải quyết khá dễ dàng”.
Ngoài là nơi leo núi, nhà máy đốt rác này còn là nơi cho các hoạt động vui chơi, giải trí thú vị khác như trượt tuyết, lướt ván. Nhà máy là nơi đốt chất thải của khoảng 500.000 cư dân và khoảng 46.000 công ty của thành phố. Với diện tích lên tới 41.000m2, việc dạo quanh Copenhill sẽ đem lại cảm giác như đi dạo trong một công viên rộng lớn.
Theo ước tính, tổng chi phí xây dựng nhà máy là 4 tỷ DKK (khoảng 632 triệu USD). Nguồn kinh phí được tài trợ bởi 5 khu đô thị xung quanh – là những khu vực sẽ được hưởng lợi từ năng lượng, nước nóng, và các nguồn tài nguyên khác mà nhà máy sản xuất ra.
Nhà máy Copenhill chính là một phần trong kế hoạch đưa Copenhagen trở thành thành phố không có cacbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Không những thế, nó cũng được kì vọng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút người dân địa phương và du khách quốc tế.
Tổng hợp | Hương Lan
XEM THÊM:
- Dortheavej Residence – Bức tường cong từ những khối hộp | Bjarke Ingels Group
- Ngắm nhìn tường cong – “đặc sản” vùng Suffolk nước Anh
- Công nghệ mới: Bức tường sản xuất điện từ rêu xanh