Từ một thư viện ven biển do MAD Studio thiết kế đến dự án tái sử dụng một tòa nhà từ thế kỷ 18 thành phòng trưng bày nghệ thuật đương đại của KTS người Nhật Tadao Ando, 12 dự án kiến trúc thú vị dưới đây chắc chắn sẽ là những thiết kế được mong chờ nhất vào năm 2021.
1. Thư viện Wormhole, Trung Quốc – MAD Studio
Thư viện Wormhole ven biển mà MAD Studio đang xây dựng trên đảo Hải Nam của Trung Quốc dự kiến sẽ được khánh thành vào năm 2021. Thư viện nhìn giống như một khối bê tông trắng, quanh co với rất nhiều lỗ hổng được cắt thành những hình tròn lớn gợi lên tưởng tượng về “lỗ sâu vượt không gian và thời gian” vô cùng ấn tượng.
2. Đài tưởng niệm Le Mémorial des Martyrs, Niger – Adjaye Associates
Tại thủ đô Niger, công ty kiến trúc Adjaye Associates dự kiến sắp hoàn thành một đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh khi chiến đấu với những kẻ khủng bố trong cuộc chiến biên giới ở quốc gia Tây Phi này.
Dự án nổi bật bởi một mạng lưới gồm 56 cột bê tông hình ngôi sao bốn cánh, vươn lên không trung 20 mét từ một quảng trường nhô cao. Đan xen vào ngoại cảnh là những hàng cây xung quanh cũng sẽ được trồng theo hình lưới.
3. Cửa hàng bách hóa La Samaritaine, Pháp – SANAA
Ảnh của Pierre-Olivier Deschamps, Agence VU
Sau nhiều dự đoán, sự hồi sinh của cửa hàng bách hóa La Samaritaine mang tính biểu tượng của SANAA sẽ mở cửa tại Paris. Theo như kế hoạch dự án, công ty thiết kế sẽ thay thế một số mặt tiền cũ từ tận thế kỷ 19 của tòa nhà bằng một lớp da mới trong suốt, theo mô tả sẽ giống như “tập hợp các làn sóng thủy tinh tuyệt đẹp”.
Ban đầu cửa hàng được dự kiến sẽ được mở cửa vào năm 2013, song việc xây dựng đã bị tạm dừng nhiều lần do các vụ kiện khác nhau cùng những làn sóng dư luận phản đối việc thay đổi một tòa nhà đã từng là biểu tượng lịch sử của thủ đô nước Pháp.
4. Đảo Bé, Hoa Kỳ – Heatherwick Studio
Một trong những dự án nổi bật khác sẽ hoàn thành vào năm nay là Little Island do công ty kiến trúc Thomas Heatherwick thực hiện – một công viên nằm hoàn toàn trên sông Hudson của New York.
Dự án được biết đến với cái tên cũ là Pier 55, bao gồm 132 cột trụ hình nấm tạo thành cảnh quan xanh mướt nhấp nhô trên nước. Ẩn bên trong không gian xanh đó sẽ là các khu vực dành cho các sự kiện cộng đồng và những công trình công cộng khác.
5. Phòng trưng bày nghệ thuật Bourse de Commerce, Pháp – Tadao Ando
Cùng với La Samaritaine, một tòa nhà lịch sử khác tại Paris cũng sẽ được tân trang lại và mở cửa vào năm 2021 là Bourse de Commerce – một sàn giao dịch chứng khoán từ thế kỷ 18. Trong năm mới, công ty kiến trúc Tadao Ando sẽ thực hiện chuyển đổi thành một phòng trưng bày nghệ thuật đương đại.
Tất cả các không gian triển lãm của tòa nhà sẽ nằm trong cấu trúc bê tông tròn, đặt ngay bên dưới mái vòm được giữ nguyên lớp sơn cũ của tòa nhà.
6. Nhà máy chuyển đổi chất thải thành năng lượng ở phía Đông Thâm Quyến, Trung Quốc – Schmidt Hammer Lassen Architects và Gottlieb Paludan Architects
Dự án xây dựng một nhà máy biến chất thải thành năng lượng lớn nhất thế giới sẽ hoàn thành tại một khu vực miền núi ở ngoại ô Thâm Quyến, với công suất bắt đầu đốt lên tới 5.000 tấn rác mỗi ngày.
Hai phần ba mái của tòa nhà có hình tròn khổng lồ này sẽ được bao phủ bởi các tấm quang điện để đảm bảo tòa nhà cũng có thể tự tạo ra nguồn cung cấp năng lượng bền vững.
7. Nhà máy rượu Le Dôme, Pháp – Fosters + Partners
Một trong những dự án nhỏ nhất trong danh sách những tòa nhà được mong chờ nhất năm 2021 lần này là Le Dôme, một nhà máy rượu mà công ty kiến trúc lớn nhất Anh Fosters + Partners đang phát triển ở Saint-Émilion, Pháp.
Nhà máy có hình dạng mái vòm đặc biệt, có độ dốc nhẹ với vật liệu kết cấu bao gồm mái ngói đất nung và tường được làm từ đất và bê tông.
8. Bảo tàng nghệ thuật Ordrupgaard, Đan Mạch – Snøhetta
Công ty kiến trúc nổi tiếng Snøhetta đang có một số dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021, tuy nhiên một trong những dự án hấp dẫn nhất phải kể đến là phần mở rộng dưới lòng đất của bảo tàng nghệ thuật Ordrupgaard ở Đan Mạch.
Tòa nhà với thiết kế tinh tế, sẽ liên kết với một phòng trưng bày do kiến trúc sư Zaha Hadid xây dựng vào năm 2005. Về kết cấu, công trình này đặc biệt ở chỗ phần mái thép của nó có thể nhìn thấy từ bên ngoài, khiến cho bảo tàng trông giống như một tác phẩm điêu khắc trừu tượng giữa khu vườn xung quanh.
9. Tòa nhà Valley, Hà Lan – MVRDV
MVRDV lần đầu tiên công bố thiết kế của mình cho tòa nhà cao tầng hỗn hợp này ở Amsterdam vào năm 2015, và cuối cùng dự án sẽ chính thức được mở cửa vào năm 2021. Đúng như tên gọi Valley (Thung lũng) – tòa nhà sẽ bao gồm ba đỉnh núi, mỗi đỉnh đều có cây xanh và cửa sổ góc nhô ra từ mọi góc độ.
10. Công viên trượt băng F51, Vương quốc Anh – Holloway Studio
Công viên trượt băng nhiều tầng được xây dựng đầu tiên trên thế giới sẽ được khánh thành tại thị trấn bên bờ biển Folkestone, Kent của Anh vào năm 2021.
Dự án sẽ bao gồm ba tầng với bề mặt bê tông cuồn cuộn có chức năng như đường dốc và gờ cho người trượt ván, người đi xe BMX cùng một võ đài quyền anh ở tầng hầm. Công viên được xây dựng với mục đích tạo ra nơi vui chơi giải trí mới, hạn chế sự di chuyển của giới trẻ ra khỏi khu vực nhàm chán hiện tại.
11. Bảo tàng mở rộng Küppersmühle, Đức – Herzog & de Meuron
Tại Đức, công ty kiến trúc Herzog & de Meuron dự kiến sẽ hoàn thành việc mở rộng Bảo tàng Küppersmühle, nơi mà công ty đã xây dựng trong một nhà kho vào năm 1999, dựa trên bản quy hoạch của Norman Foster.
Phần mở rộng sẽ xây dựng được ba phòng trưng bày bằng gạch ở cuối dãy các tòa nhà công nghiệp và liên kết với chúng thông qua những cây cầu xuyên qua tháp silo ban đầu. Đây là dự án mở rộng thứ hai được lên kế hoạch cho bảo tàng sau khi thiết kế đầu tiên của văn phòng bị hủy bỏ.
12. Trụ sở Bee’ah, UAE – Zaha Hadid Architects
Một điểm đến muộn khác vào năm 2021 sẽ là Trụ sở chính của Bee’ah được đặt tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng là điểm đến trong các dự án nổi bật mà giới kiến trúc đã hướng tới vào năm 2020.
Được lên ý tưởng bởi KTS quá cố Zaha Hadid, tòa nhà có một lớp vỏ tròn trịa để khớp với khung cảnh sa mạc xung quanh và giúp nó chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Biên dịch | Hương Lan (Nguồn: Dezeen)
XEM THÊM:
- Kiến trúc qua góc nhìn bay bổng từ Chủ nghĩa Siêu thực
- Timeline Series: Dòng thời gian của kiến trúc – Thế kỷ XXI
- Khi điện ảnh dùng Kiến trúc để kể chuyện