Tưởng như chỉ là công cụ để hỗ trợ trong quá trình xây dựng, nhưng nếu không có giàn giáo thì chúng ta khó có thể nhìn thấy những tòa nhà như hiện nay. Vậy giàn giáo ngoài chức năng chính còn được sử dụng vào mục đích gì và lịch sử hình thành của chúng ra sao?
Trong lịch sử xây dựng, rất ít ghi chép về đóng góp của giàn giáo. Những cấu trúc này thường được coi là thiết bị đơn thuần và không nhiều tài liệu ghi lại về nguồn gốc ra đời. Tuy nhiên, nếu không có giàn giáo, những công trình sẽ không thể nào hình thành được như ngày hôm nay. Cấu trúc này cho phép công nhân tiếp cận và di chuyển vật liệu đồng thời mang lại sự chắc chắn, an toàn trong khi xây dựng. Nhưng ngoài vai trò là kết cấu chống đỡ cho các công trình, chúng còn được sử dụng cho các công trình di động, tạm thời thậm chí là cố định. Dưới đây là lịch sử hình thành và tính đa dụng của giàn giáo đã được áp dụng trong thực tế.
Lịch sử hình thành lâu đời
Người ta ước tính rằng, giàn giáo đã được sử dụng lần đầu tiên vào khoảng 17.000 năm trước trong thời kỳ đồ đá cũ. Các vết tích lỗ trên tường trong các hang động ở miền Tây Nam nước Pháp chính là dấu hiệu cho thấy những nơi đó có lẽ đã xuất hiện cấu trúc chống đỡ này, cho chúng ta thấy giàn giáo thô sơ đã giúp tổ tiên con người tạo ra các bức tranh vẽ trong hang [1]. Một ghi chép quan trọng khác về niên đại sử dụng của giàn giáo là đến năm 1450 TCN ở Ai Cập, trong đó các bức tranh của người Ai Cập cổ đại đã minh họa việc xây dựng một đài tháp dưới sự hỗ trợ của thiết bị này [2]. Cũng có tài liệu ghi lại rằng người Ai Cập đã sử dụng giàn giáo bằng gỗ để xây dựng nên các kim tự tháp.
Giống như gỗ, tre được sử dụng rộng rãi để xây dựng giàn giáo, đặc biệt ở châu Á, đây là vật liệu có cấu trúc cao khi kéo và nén, phát triển nhanh và dễ dàng sử dụng, thiết kế. Các kết nối giữa thân tre được cố định bằng dây gai, dây thừng hoặc dây nhựa.
Mục đích của giàn giáo vẫn giữ nguyên trong suốt chiều dài lịch sử đó là để dễ dàng thực hiện công việc xây dựng ở trên cao. Tuy nhiên, sự cải tiến và những yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn đã bắt đầu được chú trọng trong đầu thế kỷ 20 trở đi. Những tiến bộ trong ngành luyện kim đã mang đến giải pháp tuyệt vời cho giàn giáo bằng các ống nước thép thay cho các cột gỗ, từ đó chuẩn hóa kích thước và cải thiện sự ổn định cấu trúc.
Một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc cách mạng giàn giáo này chính là Daniel Palmer-Jones, người đã cùng anh trai thành lập Công ty TNHH Patent Rapid Scaffold Tie ở Anh. Vào năm 1911, họ đã được cấp bằng sáng chế cho một bộ cố định các khúc gỗ và ống kim loại đang được giới thiệu ra thị trường vào thời điểm đó. Giải pháp được gọi là giàn giáo nhanh và sử dụng dây xích sắt buộc vào các mảnh nhỏ gắn vào gỗ thay vì dùng dây thừng như trước.
Ống kim loại dần trở nên phổ biến hơn và cùng một công ty đã phát triển các hệ thống cố định khác mà ngày nay vẫn thường dùng trong những công trường xây dựng. Hệ thống này kết hợp các bộ phận dạng ống bằng kẹp, vít và đai ốc, tăng khả năng chống chịu và hiệu quả thực tế hơn khi lắp ráp. Một sáng chế khác cực kỳ quan trọng chính là hệ thống khung, được tạo ra bởi chính công nhân đã sống sót sau cú ngã do sập giàn giáo. Trong thời gian hồi phục, Reinhold A Uecker đã thiết kế khung thép an toàn hơn và thiết thực hơn so với giá vẽ bằng gỗ anh vẫn hay sử dụng [2].
Tính đa dụng của giàn giáo
Ngày nay, hầu như không có một công trình nào mà không nhờ tới sự hỗ trợ của giàn giáo. Ngoài công dụng phụ trợ truyền thống, giàn giáo đã bắt đầu được đưa vào thành vật liệu chính trong mỗi công trình. Dù trong gian hàng, các cấu trúc tạm thời, tác phẩm nghệ thuật hay thậm chí thiết kế nội thất, tính linh hoạt của cấu trúc, dễ lắp ráp, nhẹ của cấu trúc này đã khơi dậy ý tưởng cho các KTS.
Một công trình mang tính biểu tượng sử dụng giàn giáo vĩnh viễn là Teatro Oficina của KTS người Brazil gốc Ý Lina Bo Bardi và Edson Elito. Theo nhà phê bình Rowan Moore, cấu trúc này là “một không gian dài hẹp như con phố nằm trong chiếc phong bì cháy của một nhà hát cũ, được quan sát bởi một dãy phòng trưng bày được xây dựng bằng giàn giáo”. Teatro Oficina có góc xem đầy thách thức, ghế ngồi cứng và hình dạng chính xác là những gì rạp chiếu phim không nên có. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà tất cả đều mãnh liệt hơn. Các khán đài của nhà hát được xếp chồng lên nhau trên các cấu trúc giàn giáo vẫn được sử dụng 60 năm sau khi xây dựng.
Một tác phẩm nổi bật khác, mặc dù chỉ tạm thời là Pavilhão Humanidade 2012 của Carla Juaçaba và Bia Lessa. Giàn giáo ở đây đóng vai trò quan trọng, tạo thành cấu trúc dường như phi vật chất hóa trong độ mờ của nó, cho thấy sự chuyển động cũng như sự mờ ảo trong mỗi nhịp điệu của tòa nhà đồ sộ.
Một ứng dụng nữa của giàn giáo chính là tạo ra các cấu trúc tạm thời cho địa điểm hội họp như trung tâm cộng đồng, nơi tổ chức các cuộc họp khu phố và không gian công cộng. Công cụ này cho phép các KTS phác thảo nhanh chóng bố cục không gian bằng cách làm việc linh hoạt theo chiều ngang, chiều dọc và đường chéo, đặc biệt kết hợp với các vật liệu như vải, gỗ, polycarbonate và kim loại.
Giống như một trò chơi lắp ráp khổng lồ, giàn giáo cho phép những “phù thủy” kiến trúc tạo ra các cấu trúc vững chắc một cách nhanh chóng, dựng lên những tòa nhà chỉ trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ.
Chú thích:
[1] Waters, Colin. Vươn tới bầu trời – Lịch sử trong giàn giáo. Giàn giáo: Tạp chí giàn giáo.
[2] Campolina, Felipe de Paula. Andaimes: a evolução do sistema e novas aplicações na construção metálica. Dissertação (Mestrado) – Trường Đại học Liên bang Ouro Preto. Escola de Minas. Departamento de Engenharia Civil. Mestrado Profissional em Construção Metálica. 2017.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Cách kiểm tra và bảo dưỡng tường gạch không phải ai cũng biết
- Từ những bức tường đá cho tới những tòa nhà chọc trời: Hiểu về khối xây kết cấu
- Chống nắng và thông gió cho nhà ở với mành gỗ: Giải pháp truyền thống cho dự án hiện đại