Nói đến văn hoá Việt nam, chúng ta  không thể phủ nhận rằng kiến trúc là một trong những bộ phận cấu thành văn hoá. Kiến trúc là một ngành nghệ thuật gắn chặt máu thịt với xã hội, được xem là một trong những lĩnh vực đặc biệt của thực tiễn xã hội, với sự thống nhất giữa văn hoá vật chất và văn hoá xã hội, tâm linh. Trong quá trình lao động thực tiễn, con người đã tạo dựng môi trường sống cho mình bằng việc tổ chức các không gian, tạo nên cái đẹp trong sự hài hoà của các không gian đó, tạo nên bộ mặt cho những không gian ấy để chúng là tấm gương phản ánh đầy đủ và chân thật nhất  bức tranh xã hội, thị hiếu thẩm mỹ, phong tục tập quán, lối sống… lúc bấy giờ.

Ngược dòng thời gian, quay trở về với các kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt, ta có thể thấy sự phong phú trong các không gian kiến trúc nơi đây. Trong lớp vỏ hình thức với sự phù hợp về vị trí, phương hướng, vật liệu, tỷ lệ, màu sắc…, các không gian kiến trúc được hình thành thật sự mới là yếu tố đặc thù cấu thành nên bản sắc cho kiến trúc Việt.

Dù có nhiều loại hình khác nhau như kiến trúc cung điện, đình, chùa, đền miếu, hay nhà ở dân gian… thì hầu hết kiến trúc truyền thống Việt nam đều thể hiện sự gắn bó với công đồng làng xã, phù hợp với khí hậu và văn hoá địa phương. Các không gian kiến trúc truyền thống luôn đáp ứng được nhu cầu giao tiếp của con người trong cuộc sống, từ nhu cầu tâm linh đến sinh hoạt văn hoá, công đồng.

Trong kiến trúc cung điện, không gian giao tiếp được hình thành trên cơ sở nhấn mạnh tính nghi lễ – vương quyền. Dù kiến trúc Thái Hoà điện là kiểu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc với mái nhà sau cao hơn mái nhà trước, nhưng chính không gian chính điện của nhà sau nơi vua ngự triều lại được tổ chức là một không gian trần thấp và thâm nghiêm hơn không gian tiền điện nơi các quan quân đứng dự buổi thiết triều. Điều đó mang đến cho không gian tiền điện vẻ cao thoáng, uy nghi, bộc lộ hết những ưu điểm của bộ vì kèo giả thủ với điêu khắc trang trí sơn son thếp vàng làm lộng lẫy thêm cho cung đình. Sự đăng đối chặt chẽ trong tổ chức không gian được xuyên suốt từ bố cục tổng thể cho đến sân Đại triều nghi 3 cấp và không gian trong ngôi điện đã dẫn dắt người sử dụng cảm nhận trọn vẹn hơn những nghi thức của triều đình phong kiến.

%C4%90i%E1%BB%87n_Th%C3%A1i_H%C3%B2a.jpg?resize=640%2C480&ssl=1Điện thái Hoà

14.jpg?resize=640%2C454&ssl=1(Điện thái Hoà với kiến trúc trùng thiềm điệp ốc)

Đối với các chùa làng hay đền miếu, dù được bố cục theo dạng nào (chữ nhị, chữ tam, hay chữ công…vv) thì tổ chức không gian của một ngôi chùa luôn có sự gắn bó hữu cơ với làng xã. Sân chùa vừa là nơi tổ chức cảnh quan với những loại cây mang ý nghĩa triết lý Phật học, vừa là không gian giao tiếp cho các sinh hoạt công đồng của người dân trong vùng. Chúng ta đã từng được biết nhiều đến lễ hội chùa Dâu – một trong số những trung tâm Phật giáo đầu tiên tại Luy Lâu Hà Bắc – là lễ hội chùa làng hàng năm thu hút không những chỉ cư dân trong vùng  mà còn níu chân rất nhiều du khách thập phương. Hay như những lễ hội ở đền Đức Thánh Trần, miếu Hai Bà… đều là những sinh hoạt văn hoá truyền thống được nối liền trên một không gian liên hoàn từ không gian của các di tích bên ngoài công trình (như bờ sông nơi tương truyền Hai Bà đã trầm mình tự vẫn) đến sân đến không gian bên trong công trình.

1-6.jpg?resize=640%2C423&ssl=1Lễ hội chùa Dâu

Quan trọng nhất và khá đặc sắc nơi kiến trúc chùa là chính điện, nơi có tiền đường là không gian cho thiện nam tín nữ đến thắp hương cầu Phật, thiêu hương và thượng điện là nơi đặt toà tam bảo. Tiền đường bây giờ là một không gian giao tiếp có tính chất tâm linh giữa con người và thế giới nhà Phật, không còn náo nhiệt như không gian sân chùa nữa, càng vào sâu bên trong đến thiêu hương thượng điện, không gian sẽ càng được tổ chức trầm mặc hơn.

Ch%C3%B9a_B%C3%BAt_Th%C3%A1p.jpg?resize=640%2C480&ssl=1Chùa Bút Tháp

2-2.jpg?resize=640%2C853&ssl=1bên trong chùa Bút Tháp

Một ví dụ khá điển hình khác là đình làng –  kiến trúc mang trong mình ba chức năng : chức năng tôn giáo, chức năng hành chính và chức năng văn hoá. Là nơi thờ thần Thành Hoàng, không gian hậu cung kín đáo, nơi đặt hương án bài vị thờ thần là không gian nối chúng ta với cội nguồn của lòng biết ơn những người đã có công khai hoang lập làng – không gian ấy đăng đối và trang trọng. Nhưng bên canh đó, không gian lòng đình và sân đình qua hệ thống cửa bức bàn là hai không gian liên thông với nhau, được tổ chức thoáng rộng phục vụ chức năng hành chính và sinh hoạt lễ hội của làng. Mọi người dân trong làng đều có thể đến sân đình, nơi đây gần như trở thành không gian giao tiếp chính của người dân trong làng. Nếu đình Bắc Bộ sân đình nhộn nhịp với các lễ hội nhiều màu sắc, thì đình Nam Bộ cũng đặc sắc không kém với nhà võ ca và những làn điệu hát đậm chất của một miền sông nước.

3-2.jpg?resize=387%2C580&ssl=1Hương án thờ thần trong kiến trúc đình làng

6.jpg?resize=387%2C580&ssl=1Không gian lòng đình

4-2.jpg?resize=640%2C398&ssl=1Sân đình làng Đình bảng

5-2.jpg?resize=640%2C482&ssl=1Một lễ hội được tổ chức tại sân đình

7-2.jpg?resize=640%2C435&ssl=1

Sự liên thông giữa không gian bên trong và sân đìnhMột trong số những kiến trúc khác của cộng đồng các dân tộc anh em người Việt là kiến trúc đền tháp Chămpa – đến nay vẫn còn lưu giữ được những yếu tố văn hoá phi vật thể quý giá. Theo đạo balamôn, người Chăm tôn thờ thần Siva là vị thần tối cao bên cạnh Brahma và Visnu. Thần ngư trị trên núi Mêru huyền thoại, thế nên ngôi nhà của thần ở hạ giới hội tụ những đặc điểm để làm nên một mô hình đền núi với những ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Không gian tâm linh trong khám thờ là nơi các tu sĩ và giới vương quyền xưa có thể đến tiến hành nghi thức thờ phụng là không gian được tổ chức khá tối tăm chật hẹp theo giáo lý, phù hợp với nhu cầu giao tiếp được giới hạn cho hai đẳng cấp này. Không gian dành cho đông đảo các tín đồ sẽ là sân hành lễ, nơi mà cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn được thưởng thức những nghi thức lễ hội khá đặc biệt của người Chăm như lễ hội Katê nơi nhóm tháp PoKlaungGiarai, nối liền từ không gian làng đến tận không gian đền.

8-2.jpg?resize=640%2C480&ssl=1Không gian sân hành lễ trong nhóm tháp PoKlaung Giarai

9-3.jpg?resize=640%2C955&ssl=1Không gian chật hẹp dẫn vào khám thờ của tháp Chăm

Gắn bó máu thịt với cư dân là ngôi nhà ở dân gian trải suốt dọc 3 miền Nam, Trung, Bắc. Nếu gian giữa trong một ngôi nhà dân gian là phòng khách thì đó cũng chính là phòng thờ, đây là sự kết hợp giữa không gian tâm linh với một không gian giao tiếp có tính chất trang trọng dành cho những khách đặc biệt. Bởi nếu khách là người thân thuộc hoặc bình thường, gia chủ sẽ dẫn khách vào trong từ phía nhà cầu – là nhà nối giữa nhà trên và nhà dưới. Hàng hiên, sân nhà… là không gian hầu như diễn ra các sinh hoạt của người cư ngụ. Tuy vậy, tuỳ vùng và tuỳ gia chủ mà không gian hàng hiên có đặc điểm khác nhau tạo nên sự chuyển tiếp cho không gian trong và ngoài nhà. Chúng ta đã quá quen thuộc với những ngôi nhà dân gian với hàng hiên thoáng rộng – nơi mọi người trong gia đình có thể ngồi trên chiếu hoa trải ngoài hè để vừa ăn cơm vừa trò chuyện rôm rả. Nhưng cũng không ít ngôi nhà phía ngoài hè là hàng liếp vàng che gian nhà chính, góp phần thể hiện tinh thần trọng lễ đồng thời tạo không khí  thâm u cho nơi thờ phụng trang nghiêm bên trong.

10.jpg?resize=640%2C480&ssl=1

11-2.jpg?resize=640%2C427&ssl=1Hiên rộng là nơi nghỉ ngơi sinh hoạt trong những ngày hè nóng bức

13.jpg?resize=640%2C853&ssl=1Nội thất gian nhà chính

Sẽ còn nhiều điểm cần luận bàn về nghệ thuật tổ chức không gian trong kiến trúc truyền thống Việt nam mà bài viết này chưa thể nói hết được. Nhưng dù mới chỉ lướt qua đôi điều, ta có thể nhận thấy rõ yếu tố văn hoá phi vật thể của văn hoá Việt có mối quan hệ hữu cơ với các không gian kiến trúc, phần nào được hình thành và phát triển thông qua sự tổ chức của không gian kiến trúc truyền thống – đặc biệt là trong việc hình thành rất phong phú và đa dạng các không gian giao tiếp. Quay về tìm hiểu quá khứ không phải để biến các kiến trúc hôm nay thành những tác phẩm sao chép hay nhại cổ, mà hy vọng tìm ra được bài học mong có thể ứng dụng và chuyển hoá các không gian đó cho thiết kế đương đại để kiến trúc hôm nay vẫn mang đậm hơi thở của nghệ thuật truyền thống ngày hôm qua.

Xem thêm bài viết của tác giả tại đây

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022