Dọc theo các con phố ở Hà Nội hay Sài Gòn tấp nập, mỗi mét đất được ví như “tấc vàng”. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà chật hẹp, xếp tầng lên nhau, chỉ có cửa sổ thông gió và ánh sáng tự nhiên ở mặt tiền. Tuy nhiên, đây có thể coi như “đặc sản” của kiến trúc Việt Nam khi luôn biết cách sáng tạo trên những khó khăn về quỹ đất hạn hẹp.

Capa.jpg

Những nhà ống truyền thống này được các KTS thể hiện tài tình qua những thiết kế đương đại. Mặt tiền cũ nhường chỗ cho những ý tưởng sáng tạo bằng các khoảng thông tầng hứng ánh sáng và thông gió tự nhiên, sân trong và vườn nội thất; cây xanh len lỏi vào các môi trường, không gian khác nhau, cũng như một cách phân chia tầng hiệu quả. Nhà ống trong thiết kế đương đại đã bớt đi cảm giác chật chội, bí bách mà thay vào đó tạo ra những không gian chất lượng cao.

15 thiết kế dưới đây là ví dụ về công trình nhà ống hẹp trên không gian nhỏ của người Việt:

LVS.House / AD9 Architects

1%C2%A9_Quang_Tran.jpg

Nằm tại Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, LVS.House mang đến không gian sống mới mẻ hơn cho gia chủ bằng giải pháp lệch tầng, khai thác ánh sáng, thông gió tự nhiên theo phương thẳng đứng. Các khoảng không gian chuyển tiếp hay giếng trời tạo nên các lớp kết nối con người và thiên nhiên.

1-6.jpg

Công trình này gần như tối giản trong việc sử dụng vật liệu, mong muốn tìm thấy những thẩm mỹ chân phương của kiến trúc và tạo ra một đời sống mới tích cực, tốt đẹp cho gia đình.

Floating Nest / atelier NgNg

2%C2%A9_Quang_Dam.jpg

Cũng giống như nhiều nhà ống khác ở Sài Gòn hoa lệ, Floating Nest tọa lạc trên lô đất vỏn vẹn 4x12m trong khu dân cư đông đúc, bị các công trình khác che chắn 3 mặt, chỉ có một hướng ra bên ngoài. Nhằm tạo nên không gian xanh cho một gia chủ yêu làm vườn, Floating Nest đã khéo léo khai thác vật liệu tre tự nhiên, gần gũi, thân thiện với môi trường ở mặt tiền để xóa nhòa đi sự cứng cáp của các khối bê tông cốt thép xung quanh cũng như tạo nên “bức tường mây” bảo vệ toàn bộ ngôi nhà khỏi nắng chiều phía Tây.

2-8.jpg

Khu vực bên trong tạo nên sự thư thái, rộng mở nhờ cây xanh và những khoảng trống để phân tách không gian chức năng. Những bồn cây bằng sắt hay những tấm sắt cắt CNC tạo nên điểm nhấn nhá đặc biệt cho ngôi nhà.

SR-1 House / SPNG Architects

3%C2%A9_Hiroyuki_Oki.jpg

Tọa lạc trên mặt bằng 37m2, hướng trực diện phía Tây nắng gắt, ít cây xanh đô thị và chủ yếu là nhà ống điển hình của thành phố Hồ Chí Minh, SR-1 đã giải quyết được những yếu tố này thông qua ngôi nhà bốn tầng đáp ứng được 3 giá trị: yên tĩnh, ứng xử tử tế với bối cảnh khu phố và kết nối gần gũi với thiên nhiên.

3-4.jpg

Không gian được mở rộng tối đa nhờ cách bỏ bớt tường gạch đặc, ưu tiên sử dụng vách kính và không gian liên hoàn, giúp các thành viên trong gia đình dễ dàng gắn kết với nhau. Các chậu cây xanh treo ở mặt tiền không chỉ cản bớt ánh nắng chiếu trực tiếp mà còn hạn chế tầm nhìn từ ngoài vào trong nhà. Không gian nội thất trở nên yên tĩnh, riêng tư và mát mẻ hơn và trông thân thiện hơn, mang mảng xanh nhỏ bé này kết nối gần gũi với thiên nhiên.

NDT TLC Home / Kien Truc NDT

4%C2%A9_Hoang_Le.jpg

Để tạo ra không gian sống nhiều cây xanh và tăng không gian ngoài trời lên mức tối đa, thiết kế mặt tiền của ngôi nhà ống này được phát triển theo chiều dọc và có xu hướng đi sâu vào trong ở các tầng cao hơn. Giải pháp này đẩy không gian sinh hoạt ra phía sau để tạo nhiều không gian đệm ngoài trời phía trước, vừa là nơi thư giãn, nghỉ ngơi và tạo được sự riêng tư, vừa tránh ồn ào và khói bụi, thông gió tốt hơn.

4-3.jpg

MM Tropical Suburb Town House / MM ++ architects

5%C2%A9_Hiroyuki_Oki.jpg

Cũng như nhiều nhà ống ở Việt Nam, diện tích đất chật hẹp được cải thiện nhờ không gian hướng ngoại nhiều hơn. Để nội thất không bị dồn nén, chật chội, các KTS đã tìm đến giải pháp kiến trúc thời Edo, phong trào De Stijl và chủ nghĩa hiện đại Việt Nam.

5-6.jpg

Cũng như ảnh hưởng của De Stijl, MM ++ Home cộng hưởng với kiến ​​trúc nội địa thời kỳ Edo của Nhật Bản; các cote sàn so le trong mỗi tầng của tòa nhà, kết cấu thép để lộ và chủ đạo là gỗ thô mộc, được xử lý và hoàn thiện ở mức tối thiểu. Các yếu tố trong thiết kế nhà ống này giống như những mảnh ghép, được sắp xếp để giảm thiểu ánh sáng mặt trời gay gắt và tạo ra những khung cảnh mờ ảo, mát mẻ.

VY ANH House / Khuôn Studio

6Cortesia_de_Khuon_Studio.jpg

Căn nhà cần tạo được cảm giác an toàn tối đa, nên chủ nhà đã yêu cầu KTS thiết kế một hệ lam che bao phủ cả căn nhà, tất nhiên vẫn chừa lối thoát hiểm khi cần thiết. Chính giữa căn nhà là hệ giếng trời để mở một không gian ngập tràn ánh sáng và cây xanh. Đây cũng là nơi sẽ được nhìn thấy từ mọi căn phòng, để khi sinh hoạt trong nhà, chủ nhà vẫn cảm thấy an tâm, riêng tư và không ngại ngần mở lòng tận hưởng hết những góc nhìn ra nơi ngập tràn màu xanh cây cỏ và nắng vàng của giếng trời.

6-7.jpg

Hệ lam gió mặt tiền được thiết kế với những khe hở an ninh vừa đủ và điểm xuyết những viên gạch bông gió để che nắng và tạo điểm nhấn cho căn nhà ống. Đồng thời hệ lam chắn cũng là giàn leo cho cây cối ở mặt tiền để dần dần, cây xanh sẽ phủ che mát Anh House và tạo nên một tấm rèm xanh riêng tư cho không gian sống bên trong.

RIN’s House / 85 Design

7Cortesia_de_To_Huu_Dung.jpg

RIN’S House được bố trí phòng khách và bếp ăn có sự liên kết chặt chẽ với phòng ngủ dành do bố mẹ, cùng điểm nhấn là khoảng sân giữa. Ở khoảng sân này, cây xanh được thêm vào để thật nhiều ánh sáng và gió vào nhà mang đến sự thông thoáng cần thiết. Đây cũng là nơi để uống trà, đọc sách và thư giãn.

7-7.jpg

Nếu không đưa những khoảng thoáng đáng vào trong ngôi nhà ống này, chúng sẽ trở nên tối tăm, ẩm thấp và ngột ngạt và ảnh hưởng đến sức khỏe thành viên trong gia đình.

Tropical Cave House / H&P Architects

8%C2%A9_Tien_Th%C3%A0nh_Nguy%E1%BB%85n.jpg

Ngôi nhà nằm ở trung tâm thành phố Bắc Ninh, dành cho đại gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống. Thiết kế lấy cảm hứng từ những hiệu ứng về không gian và ánh sáng theo kiểu “hang động” trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm để đưa lại những trải nghiệm tích cực và sống động cho các giác quan của người sử dụng: thấp (ở lối vào), rộng và cao (ở bên trong), hẹp (các ngóc ngách), mở ra ngoài (hệ cửa); sáng đều (ở bên ngoài), tối dần (vào bên trong), những luồng sáng (từ trên cao), thảm thực vật xen kẽ,…

8-8.jpg

Vegan House / Block Architects

9%C2%A9_Quang_Tran.jpg

Tạo nên chất lượng mới cho không gian từ những chất liệu cũ theo phong cách vintage trong điều kiện kinh phí cải tạo eo hẹp, công trình Vegan House đã trở thành một trong 5 công trình xuất sắc nhất của hạng mục KTS Trẻ cuộc thi Spec Go Green International Awards 2017.

9-7.jpg

Bất chấp không gian hẹp, nhỏ, ngôi nhà ống này là nơi giao lưu của không gian văn hóa, nơi mọi người gặp gỡ, chia sẻ bí quyết nấu ăn của người Việt, đặc biệt là đồ ăn chay. Nơi đây nổi bật với những cửa sổ nhiều màu sắc, mang đến mặt tiền đa dạng, nhiều kích cỡ cũng như tạo nên sự khác biệt, cá tính, nổi bật cho kiến trúc.

NGỌC House / Story Architecture

10%C2%A9_Minq_Bui.jpg

Nhằm đáp ứng việc xây dựng ngôi nhà cho nhiều thế hệ giữa lòng Sài Gòn chật hẹp, Ngọc House đã giải quyết câu hỏi này bằng thiết kế không gian thông tầng xuyên suốt nằm kế lõi thang, tạo sự kết nối các tầng bằng thang bộ và không gian thông tầng. Trước cửa các phòng ngủ được thiết kế một logia để thư giãn dành riêng cho từng thành viên của phòng ngủ đó. Giữa logia của 2 phòng ngủ là khoảng thông tầng nhằm tạo ra khoảng cách riêng tư nhưng vẫn có sự kết nối, đồng thời có tác dụng lấy sáng và gió cho các phòng ngủ một cách gián tiếp.

10-6.jpg

Boundary House / AD+studio

11%C2%A9_Hoang_Le.jpg

Boundary House nằm tại tỉnh Bình Dương, nơi có sự đánh đổi giữa nền công nghiệp phát triển với bầu không khí ô nhiễm, tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông trầm trọng cùng rất nhiều vấn đề khác. Môi trường và chất lượng sống của người dân tại đây bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Ranh giới hướng đến là sự phân vùng giữa không gian bên trong và bên ngoài. Thay vì ý tưởng ban đầu, thiết kế một mặt tiền hoàn toàn khép kín thì nhà ống này đã được phát triển thành một không gian bán giới hạn bởi bức tường gạch đặc – rỗng cùng các bức tường trong từng phòng.

11-6.jpg

Những bức tường này hoạt động như lớp mặt tiền thứ hai, cùng với cây xanh và cầu thang giữa tạo ra một vùng đệm chuyển tiếp không gian.

Sự kết hợp đó giống với một cấu trúc bề mặt kép, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong khi vẫn đảm bảo thông gió hiệu quả, khai thác ánh sáng ban ngày. Hơn thế nữa là giữ được sự tương tác giữa Boundary House với khu vực phía trước.

STH_Stair House / Deline architecture consultancy & construction

12Courtesy_of_Deline.jpg

Thang của STH không đơn thuần là không gian giao thông đứng mà là những thành tố kiến trúc góp phần kết nối các không gian theo nghệ thuật sắp đặt, tạo ra các góc nhìn với những cảm xúc khác nhau, là không gian để mọi người có thể nghỉ chân, vui vẻ nói chuyện nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình…

12-6.jpg

Thiết kế hệ mặt đứng của căn nhà ống này bao gồm ba lớp: lớp thứ nhất bao gồm các khung thép không gỉ, kết hợp với các tấm nhôm đục lỗ được sắp xếp theo những quy luật nhất định.

Lớp này có tác dụng làm hạn chế bớt một phần lượng hấp thụ nhiệt lượng mặt trời lên lớp thứ 3, lớp cửa nhôm kính, ngoài ra, lớp khung thép như 1 hệ khung cho những cây leo ở lớp thứ 2, lớp không gian đệm, lớp vườn cây phát triển, tạo thành 1 lớp chắn nắng tự nhiên nữa cho công trình.

SWhouse_Office and house in Nha Trang / Chơn.a

13%C2%A9_Quang_Tran.jpg

Chơn.a cho rằng: không quan trọng về khu đất, về đề bài của chủ đầu tư, tính cách hay ý tưởng, vật liệu hay quá trình, kỹ thuật thi công… bởi chúng ta ai cũng biết rằng mỗi khu đất, mỗi vị trí, hình thái, mỗi con người, yêu cầu, thói quen sống, mỗi môi trường, kinh nghiệm vùng miền hay mỗi cơ duyên gặp gỡ trong đời mỗi người là không giống nhau. Chúng ta cũng không cần sự liên hệ, cắt nghĩa hay cố giải thích về một điều gì. Các KTS của Chơn.a chỉ nói về cảm xúc cá nhân và những con người đang sống, đang cảm nhận sự bình yên cùng thiên nhiên trong tâm hồn từ ánh mắt, nụ cười.

13-5.jpg

Connect House / Story Architecture

14%C2%A9_Tomquast.jpg

Ngôi nhà xây trên miếng đất 5 x 20m, nằm ở một khu đô thị mới thuộc quận Bình Tân, TP HCM, vừa hoàn thành vào năm 2018 và là nơi sinh sống của một gia đình trẻ gồm 3 thành viên. Khi thiết kế ngôi nhà, KTS muốn tạo ra một không gian giúp người sống trong đó cảm thấy thoải mái và dễ dàng tương tác với nhau nhất.

14-6.jpg

Connect House hạn chế tối đa việc xây tường, thay vào đó là hệ thống vách kính, rèm… để từ không gian giao thoa, người vợ hay người chồng đều có thể dễ dàng nhìn thấy nửa kia và con của mình đang làm gì.

Gardening Terrace House / Chơn.a

15%C2%A9_Quang_Chon.jpg

Mảnh đất hướng Tây, nằm trên một con đường lớn trong trung tâm một khu đô thị mới hình thành. Bức xạ nhiệt mặt trời trực diện buổi trưa chiều, tiếng ồn giao thông kèm theo khói bụi là những yếu tố được cân nhắc đầu tiên khi khảo sát hiện trạng mảnh đất này, còn lại là sự dung hòa giữa con người và thiên nhiên.

15-3.jpg

Không gian bậc thang cùng hệ mái tầng bậc tạo ra những những khu vườn tầng tiếp diễn, những khoảng lùi sâu che chắn ánh nắng nóng vào buổi chiều. Từ mỗi phòng ngủ, con người đón nhận ánh nắng ban mai xuyên qua tán lá xanh bên những ô cửa lớn. Những khoảng sân, hàng hiên, ban công giữa nhà và ngoài nhà như vùng chuyển tiếp giữa không gian chung và phòng riêng tư. Sự chuyển tiếp trong ánh sáng, khoảng xanh, góc nhìn, sự kết nối con người trong các không gian vừa mở lòng và bao quát, vừa riêng tư và ý nhị.

Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM:

  • Nhà Bến Tre – Âm hưởng nhà Nam Bộ | RYO Group
  • Inside-Out House – Giải pháp “xanh” cho mô hình nhà ở tại đô thị đông đúc | Studio Krubka
  • HAN House – Nơi thưởng trà lý tưởng | Dake Architectural Design

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022