Thế giới đang trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Mỗi ngày, chúng ta lại ghi nhận những kỷ lục về số người nhiễm bệnh và tử vong, gây hoang mang và hoảng loạn ở không ít đất nước.
Có điều trên thực tế, loài người đã từng phải đối mặt với vô số những dịch bệnh kinh khủng, có khả năng xóa sổ cả thế giới.
Những đại dịch suýt xóa sổ loài người
Lùi lại vào năm 1347, châu Âu bắt đầu bị nhấn chìm trong đại thảm họa bệnh dịch lớn nhất lịch sử: Cái chết Đen (1346-1353). Đó là dịch hạch lây truyền từ động vật, cụ thể là từ chuột sang con người (có nghiên cứu cho rằng thủ phạm không hẳn là chuột).
Đại dịch Cái chết Đen
Theo các nhà nghiên cứu, địa điểm khởi phát của dịch bệnh này có thể là từ Trung Quốc hoặc khu vực Trung Á. Chiến tranh xâm lược cộng với buôn bán xuyên lục địa đem nó tràn qua châu Âu, và chỉ trong vòng 6 năm đã đoạt mạng 30% - 60% dân số của cả châu lục.
Xét trên cả châu Á và châu Âu, đại dịch Cái chết Đen đã xóa sổ khoảng 75-100 triệu người. Hầu hết các nghĩa trang đều chật cứng, người ta buộc phải đào các hố chôn tập thể để an táng nạn nhân.
Trước đó rất lâu, trong khoảng năm 165 - 542, con người cũng từng trải qua 3 trận đại dịch tàn khốc: Đại dịch Antonine (165 - 180), Đại dịch Cyprian (249 - 262) và đại dịch Justinian (541 - 542). Mặc dù không có con số ghi chép cụ thể, nhưng vẫn còn những lưu truyền kinh hoàng. Ví dụ như mỗi ngày đều có chí ít 5000 - 7000 người thiệt mạng, các bờ biển chất đống hàng vạn xác chết, mỗi ngôi mộ tập thể phải đủ rộng để chứa 70.000 thi thể…
1/3 dân số thế giới đã bị nhiễm bệnh
Cuối Thế chiến I (1914 - 1918), khi nhân loại đang vui mừng vì sắp kết thúc chiến tranh, một tai họa còn kinh hoàng hơn cả súng gươm bất thần ập đến: Đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920). Chỉ trong vòng 2 năm, nó lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người (khoảng 1/3 dân số thế giới khi đó), lấy đi từ 50 - 100 triệu nhân mạng.
Hệ quả của sự gia tăng dân số, chiếm đất tự nhiên
Trên phương diện tiến hóa, người tinh khôn (giống như chúng ta ngày nay) bắt đầu có mặt từ khoảng 200.000 năm trước. Những đại dịch kể trên chỉ giới hạn trong vòng 2000 năm trở lại đây, khi con người đã có chữ viết và thói quen lưu truyền sự kiện lịch sử qua các văn bản.
Điều này cũng tức là trong khoảng 180.000 năm trước có hay không xảy ra các đại dịch, chúng ta đều chưa biết. Nhưng chắc chắn một chuyện, dù có bao nhiêu đại dịch kinh qua đi chăng nữa, con người vẫn sống sót. Đó là lý do chúng ta có mặt ngày hôm nay.
So với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, dân số hiện tại cũng cao hơn. Nhưng sự áp đảo về số lượng này lại chính là căn nguyên dẫn tới nhiều hiểm họa dịch bệnh mới, đặc biệt là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang con người. Nguyên nhân là vì chúng ta xâm chiếm đất đai tự nhiên, thu hẹp khoảng cách giữa con người và động vật hoang dã. Những virus như HIV (từ tinh tinh), Ebola (từ dơi), SARS (từ cầy hương), các chủng cúm (từ gà, chim, lợn) và gần đây nhất là virus corona (phát hiện có trong dơi và tê tê) mới có điều kiện thuận tiện từ cơ thể động vật tấn công con người.
Ngoài ra, sự tập trung dân số trong các đô thị và khả năng vận chuyển đường dài hiệu quả cũng đẩy nhanh tốc độ lây lan của các dịch bệnh. Cứ nhìn vào tác nhân mở rộng Covid-19 là thấy, đa phần đều do người nhiễm bệnh từ nơi có dịch bệnh di chuyển đường dài, qua phương tiện hàng không hoặc hàng hải, tới nơi chưa có dịch bệnh.
Cơ hội nào cho loài người với Covid-19
Chỉ mới cách đây khoảng 200 năm thôi, nhân loại còn chưa nhận biết được dịch bệnh là do đâu. Trong đại dịch Cái chết Đen, người ta thậm chí nghi ngờ dịch hạch là một loại khí. Các bác sĩ thời ấy thường trang bị bộ "giáp toàn thân" - là áo choàng màu đen kín mít từ đầu đến chân và đeo mặt nạ mỏ chim. Bên trong phần cái mỏ khoằm dài ngoằng nhồi đầy các loại thảo dược. Họ chắc mẩm có thể nhờ chúng lọc sạch không khí, an toàn tránh được sự lây nhiễm.
Trang phục bảo hộ của các bác sĩ thời dịch hạch thế kỷ 14
Ở thời đại dịch cúm Tây Ban Nha, hàng lô hàng lốc các tin đồn thất thiệt lan nhanh. Lắm kẻ mù quáng tin rằng, bệnh dịch là do những "đối tượng hạ đẳng" (nô lệ, người nghèo) lây lan, và chỉ có "người thượng đẳng" (giàu có, quyền quý) mới tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh. Chúng gây nhiễu loạn, phân biệt, thù địch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương hướng nghiên cứu chữa trị và khống chế sự lây truyền.
Y học ngày nay đã tiến bộ đến mức bắt nhốt được các tác nhân gây bệnh vô hình trong mắt thường, nuôi cấy chúng tại các phòng thí nghiệm và phân tích, giải trình gene, phát hiện cách thức tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa.
Nhờ các tiến bộ y học, con người đang tự bảo vệ tốt hơn bao giờ hết. Dân số hiện tại là khỏe mạnh nhất, am tường về vệ sinh, phòng-chữa bệnh hơn bất cứ thời đại nào. Giữa các quốc gia, khu vực cũng có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, chung tay khống chế dịch bệnh.
Tham khảo Theguardian