Xin lỗi trước nếu bài viết có hơi hướng khó đọc và nhàm chán. Điều tôi muốn nói chuyện với các bạn sinh viên là đọc và ngẫm: nếu muốn một bài viết giải trí, đây không phải nơi dành cho bạn.


13 “kĩ năng” sau đây sẽ là những món đặc sản không thể thiếu đối với sinh viên kiến trúc, trong quá trình làm việc, học tập và trong cuộc sống:

13-ki-nang-phi-kien-truc-10.jpeg?resize=640%2C360&ssl=1

1. Sai lầm nhanh nhất có thể

Đây là kỹ năng đầu tiên trong danh sách. Không ai có thể giải quyết đúng một vấn đề nếu không thử nhiều cách. Ai cũng sẽ phạm sai lầm, cả trong thiết kế lẫn cuộc sống. Tuy nhiên trong trường đại học, bạn có lợi thế là có thể thử mọi thứ, làm những điều mình muốn. Tới khi nhận ra những điều đó không còn hợp lý nữa, hãy loại bỏ và thử một phương án khác. Vì thế, còn trẻ, hãy cứ sai và được quyền sai. Nhưng bạn phải nhận thức được sai lầm đó, sai thật nhanh để biết được rằng: ít ra mình đã thử và thất bại, lần sau đừng làm như vậy! Trong cuộc sống, đôi khi phải quyết định một điều gì đó, hãy lấy kỹ năng này làm bài học. Rèn luyện điều này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian khi phải ứng biến tại nhiều hoàn cảnh khác nhau.

13-ki-nang-phi-kien-truc-7.jpg?resize=640%2C427&ssl=1

2. Tư duy thiết kế – tư duy giải quyết vấn đề

Nói về giải quyết vấn đề, “tư duy thiết kế” cũng là một công cụ hữu ích hỗ trợ bộ não của bạn. Kiến thức về tư duy thiết kế có thể được áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực nào. Kiến trúc sư được dạy ngay từ đầu là phải xem xét một vấn đề từ mọi góc độ, mọi khía cạnh, thu thập thông tin, nghiên cứu, sau đó mới đưa ra những lựa chọn, và cân nhắc chúng một cách công bằng. Cách làm việc của người làm kiến trúc luôn tuân theo logic, nếu tư duy thiết kế mạnh, bạn sẽ chủ động hơn khi kiểm soát cuộc sống.

3. Học, Đọc, Nghiên cứu

Học quan trọng, nhưng cách học mới là mấu chốt khác biệt giữa từng người. Không ai được sinh ra với một vốn kiến thức thiên bẩm về mọi lĩnh vực. Bạn không thể hiểu các họa tiết thiết kế của Art Deco, những thức cột của kiến trúc cổ điển, hay đặc trưng của POP ART so với Funky… khi bạn chưa dành thời gian cho chúng. Khi được giáo viên giao cho một bài tìm hiểu, bạn nên trân trọng và bắt tay vào công việc, thay vì ngồi nhìn chằm chằm quyển sách trong 1 tiếng đồng hồ. Học luôn đi đôi với hành. Thực hành – nghiên cứu mới giúp kiến thức được lưu trữ vĩnh viễn trong bộ não. Nếu chỉ đọc qua, chắc chắn kiến thức đó chỉ là đi mượn!

13-ki-nang-phi-kien-truc-3.jpg?resize=640%2C410&ssl=1

 

4. Quản lý thời gian

Thời gian trôi qua thì không thể lấy lại. Tôi rất thích một câu nói của nhân vật Ekko trong League of Legends: “Here’s the thing about time. If you can’t make the most out of any given moment, then you don’t deserve a single extra second” (vấn đề là: nếu không biết tận dụng thời gian, thì bạn không xứng đáng có thêm dù chỉ một giây). Quản lý thời gian là một vấn đề lớn với mọi người, và cần luyện tập. Bạn nên có một quyển sổ, phân chia công việc hằng ngày vào buổi sáng, và thực hiện đúng như ghi chú. Khi thành thói quen thì deadline sẽ không còn là điều đáng sợ nữa. Nếu có thể quản lý thời gian làm việc trong khi còn đang đi học, sau này bạn sẽ phải cảm ơn bản thân mình rất nhiều. Đừng lấy những đêm trắng chạy lụt đồ án để bao biện, nếu làm nó từ hôm qua thì chắc chắn bạn đã có một giấc ngủ ngon rồi.


5. Đừng nghiêm túc quá!

Hãy luôn thoải mái trong mọi vấn đề. Tinh thần thoải mái là liều thuốc hoản hảo trong công việc. Tập trung vào những việc đang làm, đừng sợ rằng bạn sẽ bị một thằng ngớ ngẩn nào đó chê cười. Cái hay ở trường đại học, là bạn được tự do thoải mái thể hiện bản thân. Hãy ăn mặc theo cách của bạn, là con trai nuôi tóc dài thì sao? Cái nhìn dị biệt từ người khác chỉ là bao biện cho việc: họ không dám tự tin vào bản thân,và ganh tị khi bạn làm được điều đó. Vui vẻ lên! Đừng ngại ngùng trước đám đông, tự tin phát biểu những gì mình nghĩ. Sau này bạn sẽ không phải mất thời gian để làm quen với điều đó, nếu bản thân đã là con người như vậy từ khi còn đi học.

6. Chấp nhận lời phê bình

Trừ khi bạn là Frank Lloyd Wright thứ hai, mọi sinh viên kiến ​​trúc đều phải đối mặt với những lời phê bình xấu. Nếu đã “không quá nghiêm túc”, bạn sẽ không tự phê bình mình, mà thừa nhận sai lầm để đưa ra hướng giải quyết. Tuy rằng những đánh giá khó nghe từ thầy cô thường như gáo nước lạnh dội vào công sức nhiều đêm ròng của bạn, nhưng chấp nhận đi! Sai thì sửa, sửa cho tới khi không ai còn phê bình được nữa. Ai cũng muốn bảo vệ thành quả của mình, dù biết là sai lầm. Đừng như thế! Hãy thể hiện rằng bạn là một người tài giỏi và mạnh mẽ – bằng việc chứng minh bản thân có thể làm được tốt hơn thế. Qua thời gian, trình độ của bạn sẽ được nâng cao nhờ những lời phê bình.

13-ki-nang-phi-kien-truc-4.jpg?resize=640%2C487&ssl=1

7. Bảo vệ ý kiến cá nhân

Với người có học tập và nghiên cứu, họ đủ khả năng đưa ra những luận điểm thuyết phục người khác. Vấn đề ở chỗ: hãy hiểu những gì mình đang làm, từ đó lập luận mới được mạnh mẽ và sắc bén. Nhưng đồng thời nên lắng nghe phản hồi. Sau 5 năm đại học, trong các cuộc tranh luận ở công ty, bạn sẽ đủ lý lẽ và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

8. Marketing cho bản thân

Nếu bạn thật sự giỏi một công việc công việc và tin tưởng vào bản thân, hãy tự marketing để gây ấn tượng với các nhà tuyển. Đồ án kiến trúc là một ví dụ cụ thể cho các sản phẩm cá nhân của sinh viên. Trong thực tế, vào thời điểm được nhận phỏng vấn việc làm, về cơ bản bạn đã được thực hành những tiêu chí đó từ trước. Show ra những sản phẩm bạn cho là đẹp nhất, tổng hợp và trình bày chúng logic, sẽ là kỹ năng theo bạn suốt đời, kể cả khi marketing với khách hàng.

13-ki-nang-phi-kien-truc-8.jpg?resize=640%2C425&ssl=1

9. Kỹ năng thuyết trình/ Nói trước đám đông

Một kỹ năng quan trọng với tất cả mọi người. Thuyết trình – nói trước đám đông không phải cứ muốn là được. Hãy mở lòng, và phát biểu nhiều hơn trong lớp, nói những suy nghĩ của bản thân trong những buổi trao đổi, thảo luận, thậm chí là tương tác với giáo viên trong lúc thông đồ án. Và đây là quá trình dài, thật may mắn cho những người có khiếu ăn nói – họ có thể rút ngắn thời gian khi luyện tập. Thuyết trình thiên về kỹ năng, học thuật. Nói trước đám đông lại là câu chuyện khác, vậy nên đừng ngại tham gia vào các câu lạc bộ trong trường học để cải thiện bản thân.

13-ki-nang-phi-kien-truc-5.jpg?resize=640%2C443&ssl=1

10. Team-work

Khi đi làm, bạn sẽ không còn là cậu sinh viên độc tài, tự tin trong các dự án cá nhân. Tất cả phải làm việc chung với nhau! Kẻ cô lập sẽ là kẻ bị bỏ lại, trừ khi bạn là Zaha Hadid. Không, bà ấy cũng có những đồng nghiệp mà? Cách vận hành của xã hội là team-work, công việc chia đều. Đó là giải pháp rất tốt giúp khai thác điểm mạnh của từng người, đồng thời hạn chế cái tôi. Rất may, trường kiến trúc cho phép bạn thực hành điều này với các đồ án nhóm, các đề tài nghiên cứu. Tập hợp một nhóm và cùng ngồi vào bàn làm việc thôi!

13-ki-nang-phi-kien-truc-12.jpg?resize=640%2C480&ssl=1

11. Tạo dựng các mối quan hệ khác

Kiến trúc là tổ hợp của nhiều lĩnh vực: hội họa, thiết kế, thi công, sản xuất, marketing, quảng bá… Vì thế tạo dựng các mối quan hệ luôn là vấn đề quan trọng. Bạn có thể quen 100 kiến trúc sư nhưng không quen ai làm về thi công. Như vậy sẽ không hiệu quả bằng một người: quen 1 kiến trúc sư và số lượng còn lại chia đều sang các lĩnh vực khác. Hãy tự tin giao tiếp và tạo dựng quan hệ, và phải luôn chắc chắn có thể sử dụng được mối quan hệ đó. Bạn có tin kiến trúc sư cũng là “dâu trăm họ” ?

 

12. Làm đúng

Nghe có vẻ buồn chán, nhưng thiết kế dù bay bổng đến đâu cùng kèm theo các quy tắc. Có thể chúng ta là những nghệ sĩ thích sự hoang dại, phóng khoáng. KTS không thích các lý thuyết và nguyên tắc. Nhưng đừng nên như vậy. Là sinh viên hãy tự nhủ: “làm đúng đã, đẹp dần dần sẽ đẹp”. Điều này áp dụng trực tiếp như một kỹ năng sống. Bởi bạn không thể tự mình gánh cuộc đời nếu không có những hướng đi đúng.

13-ki-nang-phi-kien-truc-9.jpg?resize=640%2C360&ssl=1

 

13. Phá vỡ quy tắc khi cần

Một khi bạn đã thực sự làm chủ bản thân, mới có thể uốn cong và thậm chí phá vỡ quy tắc trong khi vẫn giải quyết được vấn đề. Khách hàng và chủ đầu tư không phải lúc nào cũng đồng ý với bạn, giống như các giáo viên kiến trúc. Thực tế, muốn chiều lòng họ bạn phải “vượt rào” vài lần. Phá vỡ quy tắc chỉ phát huy tác dụng khi bạn nhuần nhuyễn với chúng và biết nên giữ cái gì, bỏ cái gì cho hợp lý.


Theo Archdaily Duc Anh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022