photo-1-1718092522611225127491.jpg

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (trái) đang thăm khám cho một bệnh nhân

Liên quan đến việc nữ sinh 14 tuổi ở Chương Mỹ bị nhóm bạn có hành vi bạo lực (đánh, dùng vũ lực tấn công, bắt hút thuốc lá...) sau đó quay video và đưa lên mạng xã hội, UBND TP. Hà Nội đã giao Công an thành phố cùng các đơn vị vào cuộc xác minh, làm rõ.

Trao đổi với chúng tôi TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai) đánh giá, xét về mặt sức khỏe tâm thần đây là một vấn đề bạo lực học đường nghiêm trọng.

Sẽ gặp khó khăn khi duy trì học tập ở môi trường xảy ra bạo lực

Theo TS.BS Huyền, những học sinh bị bạo lực học đường như vậy sẽ để lại nhiều hậu quả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Sức khỏe thể chất có thể hồi phục được nhanh chóng nhưng vấn đề sức khỏe tâm thần sẽ kéo dài, khó hồi phục và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của học sinh cũng như gia đình.

"Những học sinh bị bạo lực học đường ở tuổi còn trẻ, dễ bị tổn thương, sẽ gặp khó khăn khi duy trì học tập ở môi trường xảy ra bạo lực. Không hòa đồng được với bạn bè, không muốn tiếp xúc giao tiếp, thậm chí muốn nghỉ học, chuyển trường, chuyển lớp. Học hành kém tập trung giảm sút kết quả, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm với những hành vi nguy hiểm cho mình và người xung quanh. Đặc biệt việc đưa những hình ảnh của học sinh bị bạo lực lên mạng xã hội sẽ làm học sinh đó được biết đến theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng tâm lý nặng nề đến cả học sinh và gia đinh".

Chuyên gia Sức khỏe tâm thần cũng nhấn mạnh, nhiều học sinh bị bạo lực học đường đã phải đi khám và điều trị về vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì vậy việc phòng ngừa bạo lực học đường là vấn đề rất quan trọng để giúp trẻ có thể thấy được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Cần sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội

Theo dõi vụ việc trên, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý cho rằng, việc con trẻ gây ra rắc rối có thể do các em chưa có nhiều tấm gương tích cực trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi này.

Hành vi của các em không biết kiểm soát sự giận dữ, không biết hóa giải các mâu thuẫn giữa bạn bè đồng trang lứa và thiếu hiểu biết pháp luật, a dua cùng bạn bè thực hiện những hành vi hạ nhục người khác và nghĩ nó là bình thường.

photo-1-17180925034461825700176.jpeg

Nữ sinh đang được người thân chăm sóc ở bệnh viện

PGS.TS Trần Thành Nam, chia sẻ, phụ huynh nên cải thiện biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái một cách tích cực, hành xử trở thành một tấm gương cho con cái noi theo. Phụ huynh phải tạo lập ra và truyền đạt các tiêu chí về hành vi mong muốn của cha mẹ một cách rõ ràng cho con cái qua hành động, lời nói để con không tái diễn hành vi tương tự.

“Cha mẹ phải là tấm gương tích cực và người hướng dẫn tinh thần, phát triển sự tự tin cho con cái, hướng dẫn con kỹ năng kiểm soát cảm xúc và tìm hiểu thêm về pháp luật cũng như những hành vi bị cấm như bạo lực trong các buổi hò hẹn, bạo lực trong gia đình, trường học hay tấn công tình dục. Cha mẹ cũng cần được hỗ trợ để học các kỹ năng làm cha mẹ tích cực”, Tiến sĩ Nam cho rằng, để giảm thiểu tình trạng bạo lực, làm nhục bạn như trường hợp này, cần sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Chuyên gia tâm lý cũng đưa ra giải pháp, nhà trường cần tiếp tục cải thiện văn hóa học đường, xây dựng nội quy ứng xử an toàn, thân thiện và tôn trọng, áp dụng kỹ năng quản lý lớp học tích cực, triển khai các mô hình phòng chống bạo lực học đường như mô hình “hòa giải ngang hàng”.

Ngoài ra cộng đồng cần phát huy trách nhiệm trong việc giám sát học sinh sau giờ tan học, thiết lập những tuyến đường an toàn cho trẻ đến trường và về nhà hay đi tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng, thiết lập các chương trình an ninh khu phố (liên gia canh gác) để giúp đỡ và kiểm soát trẻ có hành vi phạm pháp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022