Tại Khoa Y - Sinh học, Viện Pháp Y quốc gia, hằng ngày, các giám định viên vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp làm đơn xin xét nghiệm ADN xác định huyết thống. Nhiều câu chuyện, tình huống "dở khóc, dở cười" đã được ghi nhận tại đây.
Giám định viên Chu Thị Thủy, Khoa Y - Sinh học, chia sẻ trường hợp một ông bố tên N.M.T (trú Tây Hồ, Hà Nội) là doanh nhân. Ông mang theo mẫu móng chân của con trai 18 tuổi kèm theo lá đơn xét nghiệm huyết thống.
Khi nhận mẫu, người bố chỉ hỏi: “Khi nào có kết quả nhanh nhất, tiền không quan trọng”.
Ngày tới nhận kết quả, ông bố vẫn lạnh lùng đưa ra tờ giấy hẹn. Chỉ đến khi nhận giấy thông báo kết quả giám định ADN, khuôn mặt người đàn ông đỏ rực rồi lại chuyển sang tái nhợt.
Ông ngồi phịch xuống ghế ở văn phòng. Mọi người đều biết ông chịu cú sốc như thế nào khi kết quả giám định khẳng định họ không cùng huyết thống.
Mẫu xét nghiệm ADN tại Trung tâm Công nghệ di truyền Hà Nội: Ảnh: CGAT.
Sau khoảng thời gian im lặng, ông quyết định giãi bày câu chuyện của mình cho các cán bộ y tế tại đây. Khi hai con gái đầu lòng học cấp 2, vợ chồng ông quyết định sinh thêm cậu út. Là con trai duy nhất trong nhà, nên ông T. luôn dành hết tình yêu thương cho cậu bé.
Tốt nghiệp THPT, gia đình ông làm thủ tục cho con trai du học tại Australia. Tuy nhiên, kết quả khám sức khỏe tổng quát cho thấy con trai nhóm máu A, trong khi đó cả gia đình ông đều nhóm máu O. Bất thường này khiến ông T. nghi ngờ và âm thầm đi làm xét nghiệm.
Nhận kết quả xét nghiệm không như mong muốn, người cha này rất bối rối bởi tình yêu người đàn ông này dành cho con trai vô cùng lớn. Ông giơ tờ giấy lên hỏi giám định viện: “Tôi đã 65 tuổi, tôi có cần giữ sĩ diện của người đàn ông bị cắm sừng 20 năm hay cứ lặng im cho qua, cá vào ao ai người đó được”.
Đứng trước tâm lý của khác hàng, chị Thủy cho biết các giám định viên thường kiêm luôn tư vấn tâm lý. Đa phần, khách hàng đều nhận được tư vấn “cảm xúc của họ là gì, họ cần gì”.
Đối với trường hợp này, ông T. yêu thương vợ con, sẵn sàng tha thứ để giữ yên ấm gia đình. Nếu sự thật được bóc trần, gia đình sẽ đảo lộn, rạn nứt về huyết thống rất khó hàn gắn được như trước.
Sau khi được giãi bày và nghe chia sẻ, ông T. thấy nhẹ nhàng hơn.
Ba ngày sau, ông quay lại phòng giám định xin hủy kết quả. Ông muốn chôn giấu sự thật này vĩnh viễn. Vợ ông cũng đã thừa nhận đó là phút sai lầm và xin tha thứ vì họ còn yêu thương và trân quý hạnh phúc hiện tại. Đặc biệt, họ lo sợ con biết sự thật sẽ ảnh hưởng tới tương lai.
Tuy nhiên, theo chị Thủy, khi đã làm xét nghiệm AND, kết quả sẽ được lưu trong hồ sơ của viện, không thể hủy. Khách hàng chỉ có thể tự hủy tờ kết quả của mình hoặc không đến nhận.
Đặc biệt, kết quả xét nghiệm không thể thay đổi như mong muốn của khách hàng. Bởi theo chị Thủy, mỗi giám định viên ký vào bản kết luận giám định ADN là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả đưa ra. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép giám định viên làm trái với nguyên tắc trong nghề.
Theo VietNamnet