Nhà ông nội tôi có 6 người con, mọi người đều đi làm xa nhà, chỉ có chú út sống cùng ông bà. Vì không muốn đất của tổ tiên bị chia cắt bán chác nên ông tôi không chia đất cho con nào. Thế nên ông bà mất rồi, chú út chỉ được phép sử dụng mà không thể mua bán.
Sau khi các cô chú mất cả, tôi là cháu đích tôn của dòng họ nên mỗi khi giỗ ông bà hay giỗ tổ đều về quê để đứng ra tổ chức. Ngôi nhà của ông bà tôi để lại thì đang được em Việt - con chú tôi quản lý và sử dụng.
Mấy năm nay, tôi làm ăn tốt, có của ăn của để, mỗi lần về quê nội nhìn ngôi nhà nhỏ của em Việt mà cám cảnh. Vài lần tôi gợi ý với em ấy là cắt một nửa để xây dựng nơi thờ cúng tổ tiên ông bà, nửa đất còn lại là để gia đình Việt sống.
Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để xây dựng nơi thờ cúng cho các cụ nhưng lần nào Việt cũng do dự và tìm cách bác bỏ ý định của tôi.
Hôm vừa rồi, về thăm quê, tôi bàng hoàng khi nhìn thấy một hàng gạch chạy dài chia mảnh đất của ông bà tôi làm 2 phần. Tôi thắc mắc thì Việt nói hiện tại em ấy đang thiếu tiền, nợ nần nhiều quá nên đang tính phân chia đất thành nhiều ô để bán cho được giá. Sau khi bán thì gia đình em ấy sẽ chuyển về quê vợ sống cho thuận tiện công việc.
Ảnh minh họa
Từng lời Việt nói ra làm tôi tức phát điên nên đã phản đối chuyện em ấy bán 2000m2 đất của tổ tiên. Tôi nói là sẽ kiện em ấy ra tòa nếu đòi bán đất của nhà nội. Nào ngờ em ấy cười nói:
"Đất này tôi đã quản lý và sử dụng trên 30 năm, ông bà và các bác đã mất hết, thời hạn thừa kế đã hết hiệu lực. Bây giờ mảnh đất này do tôi là chủ, anh chẳng có quyền ngăn cấm tôi bán đất".
Tôi luôn tự hào bản thân giỏi giang và hiểu biết nhiều luật, vậy mà tôi lại bị đuối lý trước đứa em họ tính toán mưu mô. Bây giờ tôi đã hiểu, tại sao nhiều lần tôi muốn xây lại chỗ thờ cúng mà Việt không đồng ý rồi.
Giờ đây mảnh đất của tổ tiên có nguy cơ bị mất hết, tôi là cháu trưởng, không đành lòng nhìn đất đai của các cụ để lại rơi vào tay người khác. Tôi phải làm sao để ngăn cản chuyện Việt bán đất đây?