Chỉ tiêu ít, nhu cầu đông khi thông báo phát hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1, dù chưa tới giờ nhưng đã có rất đông các phụ huynh xếp hàng dài từ hôm trước. Đó là tình trạng quen thuộc những năm gần đây của trường Tiểu học Marie Curie (Hà Nội). Mùa tuyển sinh năm nay cũng không ngoại lệ.
Việc "rồng rắn xếp hàng" để lấy phiếu đăng ký vào lớp 1, giành một suất trải nghiệm cho con gây nên những phản ứng trái chiều. Dù đợt đăng ký đã kết thúc cả tuần nay nhưng trên rất nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh, câu chuyện này vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Trong đó, ngoài lời khen về chất lượng giáo dục, hệ thống cơ sở vật chất, mức phí tốt,.. của trường, không ít những ý kiến phản đối cho rằng trường đang "làm màu, PR quá thể".
"Học trường đó thì con thành tiến sĩ, giáo sư hết à?"
Nhiều người cho rằng cách thức làm việc của nhà trường trong khâu phát hành hồ sơ như trên là thiếu khoa học, chưa hợp lý khi hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh hoặc thay đổi thời gian tuyển sinh để phù hợp hơn với phụ huynh. Việc nhà trường phát hành hồ sơ sớm hơn thời gian dự kiến sẽ tạo tiền lệ cho những năm sau, mọi người lại bon chen để đến xếp hàng sớm hơn, vô tình lại làm khổ phụ huynh hơn
Họ cũng không thể hiểu được vì sao nhiều bậc cha mẹ lại cứ nhất quyết phải xin học cho con vào ngôi trường ấy, bất chấp cạnh tranh vất vả, khổ sở như thế, trong khi còn có rất nhiều lựa chọn khác?
Nhiều người cho rằng cách thức làm việc của nhà trường trong khâu phát hành hồ sơ như trên là thiếu khoa học, chưa hợp lý.
Có ý kiến còn cho rằng, chẳng qua là trường tuyển sinh sớm hơn so với các trường khác tận mấy tháng, nên tâm lý nhiều phụ huynh không vững, muốn giữ trước một suất cho chắc ăn mới dẫn đến cảnh chen chúc nhau mua hồ sơ trong đêm.
"Chắc cho con học trường đó sau này nó sẽ thành tiến sĩ, giáo sư hết. Bao nhiêu đứa học trường công, trường làng vẫn thành đạt, ra đời có thua kém ai đâu. Phụ huynh sĩ diện hão làm khổ mình và con cái, tạo tiền lệ xấu từ năm này qua năm kia nhưng cứ nghĩ vậy là hay", một phụ huynh bức xúc.
Câu view, làm trò marketing cũng chẳng có gì xấu?
Trước những ý kiến trái chiều kéo dài không hồi kết, chị Quỳnh Trang (33 tuổi, Hà Nội), cựu học sinh Marie Curie cấp 2 năm học 2000-2004, đồng thời có con đang là học sinh tiểu học tại trường, cho rằng: phụ huynh chấp nhận xếp hàng hay bỏ mười mấy triệu tiền học cho con 1 tháng cũng có lý do cả.
Học ở đâu con cũng biết đọc biết viết nhưng ai cũng muốn chọn cho con môi trường tốt nhất, phù hợp nhất với tài chính và quan điểm giáo dục của gia đình. Bản thân chị vẫn tự hào là một gia đình có 2 thế hệ Marie Curie.
"Vì là cựu Marie Curie nên mình rất yêu thích văn hóa trường cũng như tư tưởng của thầy Khang. Từ khi trường mới mở cấp 1, mình đã ấp ủ ý định cho con vào học. Con mình rất thích đi học, còn không muốn nghỉ hè cơ. Đến bây giờ mình vẫn thấy được học ở Marie Curie là một sự may mắn", chị Trang chia sẻ.
Chị Trang cho rằng, đa phần phụ huynh ở Marie Curie không có nhu cầu cho con học thành giáo sư tiến sĩ, mà muốn con có 1 tuổi thơ với niềm yêu thích đến trường. Nhiều người hỏi "học ở trường đó thì con thành giáo sư, tiến sĩ hết à" là không hiểu gì về văn hóa của trường.
Trường công cũng tốt, trường tư cũng chẳng kém. Trường nào cũng có lớp nọ lớp kia, cũng có học sinh giỏi có học sinh bình thường. Nhưng vì phụ huynh và học sinh yêu thích môi trường của Marie Curie nên muốn cho con vào đây. Đó là điều bình thường và cần được tôn trọng.
Chị Trang là cựu học sinh Marie Curie cấp 2 năm học 2000-2004, đồng thời có con đang là học sinh tiểu học tại trường.
"Nhiều người bảo sao cứ xếp hàng sớm bon chen nọ kia. Là vì người ta tha thiết muốn con đc học ở đây, hoặc ít nhất là mua được hồ sơ để con trải nghiệm 1 buổi ở ngôi trường họ kỳ vọng. Đến giờ trường mới bán hồ sơ nhưng phụ huynh sốt ruột, mong ngóng, tha thiết chờ đợi nên đến sớm. Giống như đợt mở bán hàng limited (giới hạn) của các hãng thời trang, khách hàng yêu thích cắm trại xếp hàng trước cả 2 ngày, chẳng ai ép cả, đơn giản vì họ thấy xứng đáng", chị Trang nói.
Về ý kiến trường đang "câu view làm trò marketing quá đà", bà mẹ này cho rằng, thực ra marketing chả có gì xấu cả, vì thực chất trường tư cũng là 1 hình thức kinh doanh giáo dục. Mà kinh doanh thì không thể thiếu marketing.
Không ai bắt hay kêu gọi phụ huynh đến sớm xếp hàng "la liệt", nhưng đó là 1 cách thể hiện sự yêu quý của các vị phụ huynh, nhà trường đưa tin cũng là hợp lý. Quan trọng là kinh doanh có tâm và chất lượng như nào để phụ huynh và khách hàng yêu quý mà thôi.
Chị Trang cũng cho rằng, việc bán hồ sơ online cũng có những bất cập chứ không hoàn hảo 100%. Có thể đường truyền lỗi, hồ sơ ảo, bị "can thiệp xấu". Khi bán trực tiếp ai đến sớm mua sớm, đến muộn mất chỗ, âu cũng là sự công bằng.