Câu chuyện của chị Ngọc Quyên, 36 tuổi, ở TPHCM kể về việc chị diễn cảnh bố mẹ ra tòa ly hôn cho con 5 tuổi xem làm nhiều người ngỡ ngàng. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý, đoàn hội cũng chia sẻ câu chuyện nhân văn của chị để đưa đến những góc nhìn về ly hôn, đặc biệt là cách ứng xử sau ly hôn.
Chị Quyên cho biết vợ chồng chị ly thân ngay khi con mới chào đời. Ngày con qua mốc một tuổi, hai người chính thức ra tòa. Khi đó con còn bé nên cháu không có trải nghiệm về việc ba mẹ ra tòa.
Anh chị ly hôn khi con còn bé (Ảnh minh họa).
Cuối tuần, chị thường đưa con lên đường sách TPHCM bằng xe bus. Tuyến xe dừng ở trạm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngay trước trụ sở Tòa án nhân dân thành phố. Trước khi dừng, xe luôn phát thông báo: "Điểm dừng tiếp theo, trạm tòa án nhân dân thành phố. Quý khách xuống xe vui lòng...".
Đã nhiều lần, con trai chị hỏi: "Tòa án là gì hả mẹ?". Những lần trước, chị chỉ trả lời con sơ sơ rằng là nơi phân xử, đưa ra những quyết định khi các bên có tranh chấp.
Lần đó, chị đi công tác dài ngày, chồng cũ của chị sang chăm con, đưa con đi học. Khi chị về, bé có biểu hiện rối loạn lo sợ xa cách mẹ nên "cự" ba, không muốn gặp ba, không chịu cho ba đón đi học như trước.
"Bé trở mặt với ba nhanh hơn cả mẹ đã từng", người mẹ ví von.
Khẳng định mẹ sẽ không đi xa nữa để bé yên tâm, chị cũng xác định cần phải "hàn gắn" tình cha con.
Chị nói với con, trước khi con 3 tuổi, khi ba mẹ ly hôn, mẹ được quyền nuôi con. Nhưng giờ đây, con đã hơn 3 tuổi, nếu con không chơi với ba, không cho ba đón đi học, ba nhớ con không chịu được là ba có thể kiện ra tòa để giành quyền nuôi con. Con phải nhớ, con là con mẹ và cũng là con ba, con mang họ của ba...
Thế rồi chị bày ra màn biểu diễn "trò chơi tòa án" với con. Chị kể lại câu chuyện như sau:
Mẹ ngồi ở ghế, thẳng lưng, mặt nghiêm trang, đóng vai chủ tọa:
-Bà Quyên, bà nghĩ thế nào về việc giao cu Rô cho ông Dương (chồng cũ chị)?
Bà Quyên đứng trước tòa, hí hửng:
-Tôi mừng quá tòa ơi! Thằng nhỏ này nó ăn tốn lắm, suốt ngày đêm nó bắt tôi trò chuyện, đưa đi chơi, đọc sách, đòi đi du lịch khắp nơi. Lại còn hay khóc nhè, quậy, không thích đi học, nói nhiều đau đầu lắm. Ai nhận nuôi thì tui mừng quá, chứ nuôi ảnh, ảnh thơm cho tui muốn ngạt thở rồi nè!
Bị mẹ "từ chối" mà con trai chị cười nắc nẻ khi thấy mẹ diễn kịch.
Tòa quay sang ông Dương, tiếp:
-Ông Dương, ông có muốn tranh chấp quyền nuôi con với bà Quyên không?
Mẹ vào vai ông ba, giọng ồm ồm:
-Thưa quý tòa. Bà Quyên đang chăm nuôi cu Rô rất tốt. Ảnh 4 tuổi nhưng mẹ cháu đã dạy cháu biết...
Diễn đến đó, mẹ quay sang con nhắc, con biết những gì, hãy nói cho tòa nghe đi:
-Con biết tự tắm, biết tự đi vệ sinh, biết tự chơi, biết bơi, biết học tiếng Anh, thích đọc sách...
Rồi cu con tiếp lời:
-Mẹ còn dạy con biết yêu thương ba con nữa!
Mẹ lại vào vai ông ba:
- Thế nên, tôi đồng ý để cu Rô ở với mẹ suốt đời, không tranh chấp! Nhưng với điều kiện, mỗi tuần tôi được quyền đón Rô đi học ít nhất một lần, đi chơi một buổi cuối tuần. Còn không, tôi nhớ con tôi quá, tôi buộc phải giành quyền nuôi con của bà Quyên. Ngoài ra, Rô cũng phải chăm ngoan, yêu thương và nghe lời mẹ.
Làm mẹ đơn thân, chị luôn tìm cách vun vén tình ba con (Ảnh: N.Q).
Nghe đến đây, cậu con trai cười như được mùa, nói:
- Thưa quý tòa, ba thật tuyệt!
Bà mẹ vào vai thẩm phán, tuyên:
- Tòa tuyên bé Rô ở với mẹ. Bà Quyên phải chăm chỉ nuôi dạy Rô. Còn cu Rô, hãy yêu thương, chăm sóc, bảo vệ mẹ và yêu thương ba.
Phiên tòa kết thúc.
Mẹ hỏi em:
-Ngày mai ai sẽ là người được đón con đi học?
Em cười đáp:
-Tất nhiên là ba!
Chị Ngọc Quyên trải lòng, vợ chồng chị ly hôn, giữa hai người vẫn luôn có những mâu thuẫn, khó chịu với nhau. Nhưng chị xác định rõ, cho dù chị với chồng cũ ghét bỏ nhau thế này thì anh vẫn luôn là ba của con chị. Tình cha con là tình cảm thiêng liêng, nếu cha con xa cách thì con chị là người thiệt thòi nhất.
Sau ly hôn, chị Quyên xác định bản thân phải có trách nhiệm vun vén tình cảm ba con, kể cả khi không sống chung.
"Nếu người mẹ vì mâu thuẫn với chồng cũ mà bơm vào con sự xa cách, ghét bỏ hay căm thù ba thì chính đứa trẻ là người đau khổ nhất. Với một đứa trẻ, không điều gì bất hạnh hơn là khi con ghét bỏ chính dòng máu, ADN chảy trong mình", chị Quyên trải lòng.
Theo Dân Trí