Bài viết dưới đây là dòng chia sẻ của ông Vương Đức Phúc (75, Trung Quốc) đang thu hút sự chú ý trên nền tảng 163.
Trước khi về nghỉ ngơi theo chế độ của công ty, tôi từng làm vị trí quản đốc tại nhà máy sản xuất linh kiện máy tính. Mức lương đủ để tôi trang trải cuộc sống và nuôi 2 người con ăn học. Giờ đây, khi đã về hưu, khoản lương không được như trước nhưng vẫn đáp ứng cuộc sống hiện tại.
Kể từ khi các con lên thành phố học tập và làm việc, tôi sống một mình trong căn nhà ở quê. Có khi đến cả tháng, cha con chẳng gặp nhau. Song chúng tôi vẫn giữ liên lạc bằng những cuộc điện thoại. Thiếu vắng con cái, tôi chia sẻ và nhờ cậy vào hàng xóm, anh em họ hàng gần nhà.
Tuy nhiên, yên bình chấm dứt kể từ khi tôi bị ngã cầu thang và phải nhập viện. Sau khi sức khỏe đã bình phục, các con nhất quyết không để tôi sống 1 mình. Chúng tranh giành đón tôi lên thành phố để chăm sóc. Sau khi không thống nhất được, 2 con bàn bạc và đưa ra quyết định cuối cùng: Hàng tháng tôi sẽ sang sống ở nhà từng đứa.
Đêm hôm trước ngày chuyển đến nhà con trai, tôi nằm suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi cảm thấy bản thân đang trở thành gánh nặng cho các con. Chúng có gia đình và sự nghiệp cần phải phấn đấu. Tôi sống cùng chắc chắn gây rắc rối cho tụi nhỏ. Tuy nhiên, sức khỏe của tôi ngày càng sa sút và rất cần người chăm sóc. Nếu sống một mình, tôi sợ sẽ còn nguy hiểm hơn.
Ảnh minh hoạ
Dường như mọi thứ đúng như những gì tôi tưởng tượng. Mặc dù được cả con ruột và con dâu, con rể chăm sóc nhiệt tình nhưng tôi vẫn cảm thấy không thoải mái. Tôi thấy mình như người thừa trong cuộc sống bận rộn của lũ trẻ. Hàng ngày, tụi nhỏ đi làm đi học từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối khuya. Tôi lủi thủi loanh quanh ở nhà không có ai bầu bạn nên cảm thấy vô cùng cô đơn. Thực tế, điều này còn khiến bệnh tình của tôi không thuyên giảm là mấy.
Sau khoảng 2 tháng sống ở nhà con trai và con gái út, tôi quyết định quay về quê nhà. Tôi muốn tự làm chủ cuộc sống của mình và không gây ra gánh nặng cho con cái. Ở những ngày đầu, tôi phải tự nấu nướng, giặt quần áo, làm việc nhà với chiếc chân đau nên cũng cảm thấy khó khăn. Nhưng tôi không nản lòng mà luôn tìm cách để xoay xở. Điều quan trọng hơn hết là tôi được sống trong chính căn nhà của mình mà không bị gò bó.
Khi sức khoẻ bình phục trở lại, tôi bắt đầu đi bộ ở công viên vào mỗi sáng, gặp gỡ lại vài người hàng xóm. Tôi cũng cố gắng mở rộng mối quan hệ của bản thân bằng cách tham gia vào các hội nhóm của người cao tuổi. Cuộc sống của tôi bắt đầu có quy luật và vui vẻ hơn trước rất nhiều. Nhờ thế, chất lượng cuộc sống của tôi được cải thiện đáng kể. Bản thân không còn cảm thấy cô đơn và lo lắng sẽ gây ra rắc rối cho các con. Lẽ trẻ cũng hoàn toàn yên tâm khi thấy tôi vui vẻ trở lại.
Ảnh minh hoạ
Qua những gì đã trải nghiệm, tôi nhận thức sâu sắc rằng: Dù con cái hiếu thảo đến đâu mình nên dựa vào chính bản thân mình là giải pháp an toàn nhất ở những năm tháng cuối đời. Đồng thời mỗi người cần duy trì các mối quan hệ, bao gồm bạn bè, hàng xóm và cả những người cùng chí hướng.
Tôi nghĩ rằng sự đồng hành của các con cũng rất quan trọng. Song bọn nhỏ đều có cuộc sống riêng và không thể mong đợi chúng gánh vác hoàn toàn trách nhiệm chăm sóc bố mẹ. Bạn nên thiết lập các mối quan hệ xã hội của riêng mình, trau dồi sở thích cá nhân và duy trì trạng thái sống tích cực. Chỉ có vậy, cuộc sống ở những năm tháng cuối đời mới thực sự hạnh phúc.
Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy. Sống trên đời, mỗi người phải luôn nhớ bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Đừng quên, cuộc sống mà phụ thuộc, dù có êm đềm và đủ đầy, vẫn luôn thật mệt mỏi và tiềm ẩn những sóng gió khó lường.