Nhường nhà cho em chồng
Tôi về làm dâu nhà anh khi căn nhà vẫn còn là cái nhà cấp bốn cũ nát, mái tôn dột, cửa sổ xiêu vẹo, mỗi lần mưa là nước tạt vào tận bếp nhưng tôi chưa bao giờ than vãn. Tôi nghĩ đã là vợ thì có sao cũng chịu, miễn sao gia đình êm ấm.
Hưng, em trai chồng tôi, kém anh 3 tuổi, khi ấy vẫn chưa lấy vợ, sống chung nhà. Từ ngày tôi bước chân vào nhà, giữa tôi và Hưng chưa từng có lấy một ngày hòa thuận. Chú ấy lười, ích kỷ, nhưng lại được bố mẹ bênh vực. Chuyện lớn chuyện bé gì cũng quy lỗi cho tôi, như thể tôi là người dưng xa lạ sống ké chứ không phải dâu con trong nhà.
Tôi vẫn cố nhẫn nhịn nhưng có những điều nhịn mãi rồi cũng đến lúc không chịu nổi. Một lần, chỉ vì tôi dặn Hưng rửa bát xong nhớ khóa vòi nước, Hưng đã lớn tiếng quát vào mặt tôi: "Chị là cái gì mà sai tôi? Đây là nhà tôi".
Tôi đứng lặng không dám cãi. Bố mẹ chồng ngồi ngay đó thế mà tuyệt nhiên không ai nói gì. Lúc ấy, chồng tôi nắm tay tôi kéo về phòng, cả tối hôm đó anh không nói một lời. Sáng hôm sau, anh bảo tôi thu xếp đồ đạc. "Mình đi thuê trọ, nhà này để lại cho Hưng. Ở lại chỉ khiến em thêm tổn thương".
Tôi rơi nước mắt, không phải vì phải rời khỏi căn nhà cũ mà vì chồng thấu hiểu tôi, thông cảm cho tôi.
Ra ngoài thuê trọ, tôi mới thấy nhẹ lòng, không phải nghe những lời xỉa xói, không phải dè chừng từng bước chân, dù chật hẹp, nhưng tôi thấy mình được sống là chính mình.
Căn nhà cũ được Hưng phá đi xây lại thành nhà 3 tầng khang trang. Chú ấy vay thêm, đầu tư nội thất đắt tiền, khoe khoang rầm rộ. Tôi không để tâm, tôi nghĩ, thôi thì anh em, ai có điều kiện hơn cũng là mừng. Huống chi xây lại nhà thì bố mẹ chồng tôi cũng được sống trong căn phòng sạch sẽ, đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi hơn.
Vài tháng sau, Hưng cưới vợ. Cô ấy tên Loan, làm kế toán, nhanh nhảu, nói năng sắc sảo. Nhưng sống chung với bố mẹ chồng được đúng 3 tuần thì Loan bắt đầu khó chịu ra mặt. Tôi nghe mẹ chồng kể qua điện thoại rằng con dâu út hay bóng gió đại loại như "người trẻ cũng cần có không gian riêng. không phải cứ là bố mẹ chồng thì muốn làm gì cũng được"...

Ảnh minh họa
Rồi một hôm, Hưng sang phòng trọ của vợ chồng tôi, vẻ mặt ngượng nghịu, đưa tôi một chiếc phong bì: "Trong này có 50 triệu. Nhờ anh chị đón bố mẹ về ở cùng, chăm giúp em một thời gian. Vợ em không hợp với mẹ, cứ cãi nhau suốt, mệt mỏi lắm".
Tôi không nhận phong bì, mặc kệ Hưng đặt trên bàn. Tôi biết đây không phải "nhờ" mà là "đuổi". Bố mẹ chồng tôi không thể làm gì khác, vì Loan đã tự dọn dẹp đồ đạc của ông bà vào 3 cái túi to, để Hưng chở đến nhà tôi trước, sau đó ông bà được chở đến sau, đúng kiểu bị đuổi đi. Tôi chẳng thể từ chối, dù từng có bao nhiêu tổn thương, tôi vẫn không nỡ để hai ông bà phải ra ngoài thuê trọ một mình ở tuổi gần đất xa trời.
Âm mưu phía sau
Tôi cứ nghĩ ông bà chỉ ở tạm một thời gian, nhưng rốt cuộc, hơn một năm trôi qua mà chẳng thấy Hưng đón bố mẹ về. Mọi chi phí ăn uống, thuốc men, sinh hoạt… tôi và chồng tự lo hết. Còn Hưng chỉ gửi tiền đúng một lần phong bì 50 triệu hồi đầu. Tôi không than vãn ra ngoài chứ trong lòng thì ấm ức.
Rồi một ngày, Hưng lại sang, lần này cầm theo bản hợp đồng chuyển nhượng đất. Chú ấy muốn bố mẹ sang tên mảnh đất mà hiện tại vợ chồng Hưng đang ở để làm thủ tục cho dễ.
Chồng tôi nổi giận: "Đất của bố mẹ, em lấy quyền gì đòi sang tên? Em thì sống trong nhà ba tầng, còn bố mẹ bị vợ em đuổi đi, phải ở trọ chật hẹp chỗ này, em nghĩ thế là công bằng à? Giờ còn mặt mũi sang đòi bố mẹ sang tên sổ đỏ, em là con mà bất hiếu thế hả?".
Hưng cười nhạt: "Anh chị có chăm cũng được trả tiền rồi còn gì. Em bỏ ra gần hai tỷ xây nhà thì cũng phải có quyền sở hữu chứ".
Tôi thấy rõ mặt bố mẹ chồng lúc ấy xám đi. Hai người im lặng, không dám nói câu gì mặc dù đất đai là của ông bà. Tôi có cảm giác, bố mẹ chồng tôi thế nào cũng được, con út đuổi thì đến sống với con cả, con cả ở thuê thì ông bà cũng ở trọ, chẳng sao hết. Chỉ có vợ chồng tôi là phẫn nộ. Vợ chồng tôi không chịu nổi nữa, to tiếng qua lại với Hưng suốt cả tuần liền. Tôi thấy chồng gầy rộc, đêm mất ngủ, mắt thâm quầng.

Ảnh minh họa
Tôi không ngờ, mọi chuyện đi xa đến mức ấy. Hưng làm đơn kiện, nói chồng tôi xúc phạm danh dự, đòi chia tài sản trong khi Hưng bỏ tiền ra xây nhà. Chồng tôi trong cơn tức giận cũng làm đơn phản tố, nói Hưng bất hiếu, bỏ mặc bố mẹ. Hai anh em ruột dắt nhau ra tòa, ánh mắt nhìn nhau lạnh tanh.
Mỗi lần tôi đi ra ngoài đều nghe được những lời bàn tán kiểu như: "Cứ tưởng anh em nhà đó yêu thương nhau thế nào, hóa ra cũng vì tài sản mà kiện tụng tranh chấp", hay "Máu mủ ruột rà đấy, để ruồi nó bâu", "Nghe nói em út xây nhà xong thì anh cả đòi chia đôi"... Đủ loại thêu dệt, đủ câu bàn luận khiến tôi ức chế vô cùng.
Thế mà bố mẹ chồng tôi vẫn không lên tiếng bênh vực con cả. Ông bà cứ lầm lũi, lẳng lặng, lúc thì khóc lóc, lúc thì van xin, kêu than trời đất chứ chẳng nói nổi một câu mạnh mẽ.
Từ hôm ra tòa, Hưng gọi điện bảo chồng tôi: "Từ nay, coi như tôi không có ông anh này nữa".
Chồng tôi cười nhạt cúp máy, không thèm đáp lại nhưng đêm đó, anh lên cơn sốt, phải nhập viện. Bác sĩ bảo là căng thẳng tích tụ lâu ngày, rối loạn huyết áp, nguy cơ đột quỵ nếu không nghỉ ngơi.
Tôi ngồi bên giường bệnh, nhìn anh ngủ thiếp mà lòng cũng thấy mệt mỏi theo. Tôi không biết vợ chồng tôi có nên cố gắng theo đuổi vụ kiện này để lấy lại công bằng và tài sản cho bố mẹ, hay nên buông xuôi để sống bình an?