Tôi năm nay 23 tuổi. Lúc bố dẫn cô ấy về nhà, tôi vừa tròn 20. Khi đó, tôi đang học đại học năm 3, ở trọ cách nhà tầm 10 cây số. Không quá xa, nhưng cũng đủ để tránh mặt những buổi cơm chiều mà tôi không còn muốn về nữa.
Mẹ tôi mất từ khi tôi học cấp 3. Bố lặng lẽ suốt mấy năm, tưởng sẽ ở vậy, ai ngờ một ngày lại đưa bạn gái về cho tôi gặp mặt.
Cô ấy tên Vy, nhỏ hơn bố tôi tận 18 tuổi. Lúc mới về, cô chỉ mới 31, đẹp, trẻ, ăn mặc hiện đại. Cô không giống người từng trải, càng không giống hình dung của tôi về một người "mẹ kế". Ở nhà, cô vẫn gọi bố tôi là "anh", đi giày cao gót lạch cạch, thoa son bóng màu hồng nhạt, hay nói những câu bông đùa tôi thấy… lạc lõng. Tôi ghét cái cách cô làm như thân thiết, trong khi tôi còn chưa kịp chấp nhận sự có mặt của cô trong căn nhà này.
Tôi giữ khoảng cách. Có lần còn thẳng thừng nói: "Cô không cần đóng vai mẹ kế đâu. Tôi lớn rồi, không thiếu người dạy dỗ".
Cô không phản ứng ngay, chỉ mỉm cười nhàn nhạt rồi quay đi. Cái thái độ đó, lúc ấy tôi lại càng ghét.
Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ một lần… tôi bị đuổi học. Không phải vì học kém, mà vì cãi nhau với giảng viên. Tôi nóng tính, cãi tay đôi ngay tại lớp học, trước hàng chục sinh viên khác, lý do thì nhiều lắm, dù sao tôi và giảng viên đó đã có mâu thuẫn từ lâu, chỉ chờ ngày bùng phát.
Tôi về nhà, im lặng cả buổi. Bố đi công tác. Chỉ có cô Vy.

Ảnh minh họa
Tôi nghĩ cô sẽ cằn nhằn, hoặc móc mỉa. Nhưng không. Cô hỏi đúng một câu: "Có muốn kể không?".
Tôi không trả lời. Nhưng tối đó, tôi thấy trên bàn phòng mình có hai món: Cơm rang trứng và một xấp hồ sơ trường nghề.
Tôi gõ cửa phòng cô. Lần đầu tiên trong đời, tôi chủ động nói chuyện: "Cô làm vậy là ý gì?".
Cô nói: "Không thích học trường đó nữa thì học trường khác, đời người có nhiều con đường để đi".
Tôi im. Cảm giác giống như ai đó vừa cho mình một cú tát tỉnh người. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn cô với con mắt khác.
Rồi nhiều chuyện nữa xảy ra. Bố tôi bệnh nặng, công việc rối ren, tôi chứng kiến cô quán xuyến từng việc một, không lời kêu ca. Cô xử lý mấy chuyện giấy tờ bệnh viện còn nhanh hơn cả tôi từng tưởng tượng. Cô gọi điện cho người quen nhờ giúp bố, giọng cứng rắn nhưng đâu ra đây đến mức chính tôi cũng phải nể.
Dần dần, tôi thấy mình bước về gần cô hơn mà không nhận ra. Có lần tôi hỏi:
"Cô không ghét tôi à? Hồi trước tôi cư xử tệ lắm".
Cô cười, vẫn là cái cười nhàn nhạt năm nào nhưng giờ tôi thấy khác: "Ghét gì? Chẳng phải có câu yêu ai yêu cả đường đi lối về, tôi thương người đàn ông ấy thì cũng phải thương cả đứa con của người ấy chứ".
Tôi nhìn mẹ kế, không biết sao tự nhiên thấy nghèn nghẹn.
Có những người bước vào đời mình trong vai diễn ta không chờ đợi. Nhưng thời gian là sân khấu dài nhất. Ở đó, tôi đã thấy cô Vy không chỉ là “vợ mới của bố”, mà là một người đàn bà mạnh mẽ, cứng cỏi, và đủ tinh tế để tôi phải học cách nể phục.