Nhiều người bảo tôi dại, dại vì can thiệp quá sâu vào cuộc sống hôn nhân của con gái. Nhưng người làm mẹ, nhìn con gái mình rơi vào chỗ sai mà không ngăn thì mới thực là tội.
Tôi có 2 đứa con, con trai lớn đi xuất khẩu lao động, còn con gái là đứa mềm yếu, hay mơ mộng, yêu là yêu chết đi sống lại. Năm nó 24 tuổi, dẫn về một thằng con trai tên Hưng, người gầy nhẳng, mắt láo liên, nói chuyện thì ba hoa, được mỗi cái dẻo mồm.
Lúc đầu, tôi nhíu mày đã thấy không ổn. Hỏi ra thì biết nó làm bấp bênh, công việc thay như thay áo, từng vay nợ mua xe máy mà trả mãi không hết. Tôi nói thẳng: "Mẹ cấm lấy thằng đó, mẹ chẳng thấy nó được điểm nào". Nhưng con gái cứ khóc nói: "Mẹ không hiểu tình yêu gì cả, con tin anh ấy, rồi con sẽ thay đổi được anh ấy".
Tôi không hiểu ư? Tôi làm mẹ hai mươi mấy năm, nuôi từ lúc còn đỏ hỏn đến khi lấy chồng. Nhưng tình yêu mà, con gái không thấy gì khác ngoài người yêu. Tôi càng cấm, con càng sống chết theo đuổi thứ tình yêu ấy. Cuối cùng, tôi phải chịu thua để con cưới.
Ngày cưới, tôi cười, nhưng trong lòng thắt lại. Tôi biết đứa con gái của tôi sẽ khổ.
Và đúng như vậy. Mới cưới một năm, con gái đã u sầu héo hon. Con rể hay đi nhậu, có lần say về còn đập cửa, chửi bới giữa đêm. Tiền bạc thì mượn vợ, rồi vợ lại lén xin tôi để bù. Tôi tức nhưng thương con. Cứ nghĩ vài tháng thì thôi, rồi chúng nó cũng lớn, biết suy nghĩ. Không ngờ còn tệ hơn.
Tôi quyết định về ở cùng. Ban đầu, chỉ nói là để phụ trông cháu, vì con gái sinh bé đầu lòng. Nhưng thật ra tôi về là để "gác cửa". Không ai dám nói thẳng, nhưng ai cũng biết tôi đang "ở đợ" nhà con rể.

Ảnh minh họa
Con rể ghét tôi ra mặt. Lúc ăn thì lườm, nói chuyện thì cộc, nhiều lúc còn bóng gió bảo: "Nhà này chỉ cần hai vợ chồng tự lo là đủ". Ý là đuổi tôi. Tôi nghe hết nhưng tôi không đi. Tôi đi rồi, ai giữ con gái tôi khỏi khóc trong bếp lúc chồng đi nhậu về khuya? Ai dạy cháu tôi biết cầm thìa, ai chở cháu đi tiêm phòng mỗi lần bố cháu viện cớ bận?
Nhiều lần con rể bực quá, xách balo của tôi quẳng ra cửa, bảo "ở nhà ai thì cũng phải biết điều". Tôi đi thẳng ra sân, nhưng thay vì rời đi, tôi ngồi xuống chiếc ghế đá, cầm cái quạt nan, quạt hờ hững, bảo: "Mẹ ở nhà con gái mẹ, chẳng gì hồi cưới, mẹ cũng cho cái tủ lạnh với cái giường, tính ra thì mẹ cũng có phần. Mẹ ở phần của mẹ thôi". Tôi vẫn chai mặt, quyết không đi. Nó thấy không đuổi được tôi nên cũng kệ.
Những năm sau đó, tôi không từ bỏ. Tôi dạy cháu học, nấu ăn cho cả nhà, dọn dẹp từng góc. Mỗi lần con rể đi làm về muộn, tôi bảo con gái đi ngủ sớm, kệ con rể thích về lúc nào thì về, đừng bận tâm quá nhiều, cũng đừng cằn nhằn hay khóc lóc. Khi 2 vợ chồng nó cãi nhau, tôi đưa con gái và cháu đi uống nước mía, còn con rể bực bội nhưng ở một mình cả buổi, không có ai để gây sự, tới khi vợ con về thì mọi chuyện đã êm xuôi.
Thỉnh thoảng, tôi mua cho con rể vài thứ lặt vặt như quần áo mới, bàn chải đánh răng, lọ lăn nách... gọi là quà sinh nhật. Nó ngạc nhiên lắm nhưng ngại ngần lẩm bẩm: "Mua làm gì mà mua cho tốn tiền".
Tôi bảo: "Tiền của tôi, không phải tiền của người khác".
Nó nhìn tôi, ánh mắt bối rối và xấu hổ.
10 năm trôi qua. Giờ con rể đã thôi làm mấy nghề lông bông, chuyển sang mở xưởng hàn xì nhỏ, ăn nên làm ra. Nó không còn nhậu khuya, biết để dành tiền, biết chở vợ đi siêu thị, chở mẹ vợ đi khám bệnh.
Cuối cùng, tôi cũng dạy được người con rể mà tôi từng không chấp nhận. Không phải bằng roi vọt hay lời mắng mỏ, mà bằng sự bền bỉ của một người mẹ, biết tha thứ và chờ đợi.