Video: Cận cảnh đống đổ nát từng là nhà xưởng bị Đường 'Nhuệ' và đàn em chiếm đóng

Trong hàng chục vụ đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, hà hiếp người ngay, coi khinh pháp luật của băng nhóm Đường Dương, đến nay người dân vẫn còn râm ran về vụ Đường cho đàn em chiếm giữ Công ty TNHH Lâm Quyết, đe dọa giết chủ doanh nghiệp và cướp đoạt tài sản để xiết nợ.

Khi đến trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết (xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), PV gặp ông Nguyễn Văn Nhàn (SN 1970, thôn Nam Hải, xã Thái Đô, Thái Thụy, Thái Bình).

Ông Nhàn là em trai, đồng thời là cán bộ kỹ thuật, quản lý nhân sự cho ông Nguyễn Văn Lẫm (chủ doanh nghiệp Lâm Quyết).

photo-1-15869119881961338961102-1586934442005-1586934443048299560711.jpg

Đứng giữa khu nhà xưởng rộng cả nghìn mét vuông, đôi mắt ông Nguyễn Văn Nhàn đỏ hoe, những giọt nước mắt như chực trào ra cùng nỗi uất nghẹn trong lòng dồn nén bao năm nay.

Đôi mắt đỏ hoe, cố nén cho những giọt nước mắt như chực trào cùng nỗi uất nghẹn trong lòng dồn nén bao năm, ông Nhàn cho biết, năm 2017, anh trai ông vay của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường số tiền 1,7 tỷ đồng không xác định thời hạn để phục vụ việc làm ăn. Cuối năm 2017, vợ chồng Đường Dương yêu cầu phải trả tiền.

Thời điểm đó, việc làm ăn của công ty đang bế tắc. Doanh nghiệp cũng thu hồi công nợ nhưng không đủ để trả cho Nguyễn Xuân Đường nên xin khất nợ nhưng không được Đường đồng ý.

Đến nay, ông Nhàn vẫn không thể quên ngày Đường "Nhuệ" cùng đám chân tay kéo đến chiếm đóng, cưỡng đoạt công ty của anh trai mình.

Ngày 3/10/2017, khi tôi đi làm về tới công ty, rất đông người xăm trổ, cởi trần, cầm dao kiếm đứng ở công ty. Họ hỏi vợ chồng anh trai tôi đâu nhưng tôi bảo không biết rồi đi thẳng xuống chỗ thợ để nghỉ ngơi.

Khoảng gần 20h cùng ngày, Đường dẫn theo 7-8 đàn em tới công ty. Đường còn cầm theo khóa để khóa các cửa và nói giọng như ra lệnh: “Mày gọi ngay Lẫm về bàn giao xưởng cho tao và nhượng xưởng cho tao thì tao vẫn cho chúng mày làm bình thường”.

photo-1-15869120078401698827202-1586934450596-1586934451094869787187.png

Hình ảnh tan hoang tại Văn phòng Công ty TNHH Lâm Quyết.

Sau đó, ông Nhàn gọi điện báo những diễn biến đang xảy ra tại công ty cho ông Lẫm (lúc này đang đi thu tiền trên Hà Nội).

Ông Lẫm trấn an, dặn dò em trai bình tĩnh, tổ chức thợ làm bình thường và đặc biệt bảo mọi người không được manh động gì.

Cũng theo ông Nhàn, sáng 4/10/2017, công nhân vẫn tới công ty làm việc nhưng có 4 đàn em của Đường nằm tại công ty, đuổi không cho thợ vào. Bản thân ông Nhàn đi lấy vật liệu về tới nơi cũng bị chặn và bị những kẻ kia chửi bới, đuổi ra ngoài. Từ đó, Công ty TNHH Lâm Quyết dừng hoạt động.

Tôi phải xin mãi và bảo tôi là em trai anh Lẫm cùng sự xác minh của những người thợ, họ mới cho vào.

Chiều 4/10, đại diện Công an TP Thái Bình, Công an xã Vũ Chính có mặt tại Công ty TNHH Lâm Quyết lập biên bản trục xuất những người lạ mặt và yêu cầu bàn giao toàn bộ tài sản công ty cho tôi và Ngọc (em trai ông Lẫm) trông coi. Tuy nhiên, quân của Đường vẫn chiếm giữ doanh nghiệp.

Chiều 6/10, Đường cùng rất đông người người xăm trổ đi ô tô xuống nhà xưởng. Chúng đuổi anh em tôi, nói cút khỏi công ty càng nhanh càng tốt”, ông Nhàn bức xúc kể lại.

Vì quá sợ hãi trước sự thị uy, đe dọa của Đường “Nhuệ” và đàn em, 2 anh em ông Nhàn đành mang theo quần áo rồi rời đi. Trong suốt gần nửa tháng sau đó, quân của Đường "Nhuệ" vẫn chiếm đóng công ty.

photo-1-1586912023698367097809-1586934465012-15869344659271515107293.jpg

Khu nhà xưởng rộng 2.462m2, công nhân ra vào làm việc tấp nập, tiếng máy móc rền vang cả ngày giờ chỉ còn lại trong ký ức của anh em ông Nhàn.

Chỉ cho PV những bức tường đổ nát, những bộ bàn ghế nằm trơ nhiều năm trên nền gạch, đống tài sản bị đập phá tan tành, ông Nhàn xót xa bảo, trước khi anh em ông rời đi, toàn bộ tài sản của doanh nghiệp như máy móc, gỗ, hàng hóa hoàn thiện và chưa hoàn thiện, tài liệu, két sắt, tivi… vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, ngày 19/10/2017, sau khi nghe tin quân của Đường “Nhuệ” rút khỏi công ty, ông Nhàn đi ngang qua đó và thực sự ngỡ ngàng trước cảnh tượng tan hoang, máy móc và toàn bộ tài sản bị mất hết.

Suốt những ngày sau đó, theo lời kể của ông Nhàn, vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết gửi nhiều đơn tố cáo vợ chồng Đường “Nhuệ” tới các cơ quan chức năng. Bản thân ông Nhàn, ông Ngọc cũng được gọi lên cơ quan công an nhiều lần để lấy lời khai.

photo-1-1586912036734955246629-1586934471128-15869344718081804471902.jpg

Nhà xưởng hoang tàn, cỏ mọc um tùm; còn máy móc, những khúc gỗ to cả người ôm đã "không cánh mà bay".

Những tưởng sau nhiều lần gửi đơn và lấy lời khai, mọi việc sẽ sáng tỏ, Đường “Nhuệ” sẽ phải trả giá trước pháp luật nhưng ông Nhàn không ngờ Nguyễn Xuân Đường không bị bắt, vẫn nhởn nhơ như chưa có chuyện gì xảy ra.

Thậm chí, Công an TP Thái Bình cũng không xuống hiện trường để xác minh xem nhà xưởng bị Đường chiếm đóng, tẩu tán tài sản thế nào.

Chúng tôi rất bức xúc về việc làm của cơ quan công an”, ông Nhàn nói.

Đến nay, Công ty TNHH Lâm Quyết vẫn là một đống đổ nát, tài sản theo ước tính gần chục tỷ đồng "không cánh mà bay", thợ thuyền tản mát, công ty giải thể.

Người thân ông Lẫm vẫn ngày ngày miệt mài gửi đơn thư tố cáo tới cơ quan chức năng để đòi công lý.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022