2cf8fef369d3112abb97624c01535a80-1748150785057290140767-150-0-610-736-crop-17481507906061204167727-1748162544026-17481625442822017320502.jpg

Có lẽ, mỗi khu phố đều có một người như anh ta – một gã đàn ông trung niên, rảnh rỗi, suốt ngày chỉ biết rủ rê bạn bè đi nhậu nhẹt, hát hò đến tận khuya. Anh ta chuyển đến đây được hơn năm, sống một mình trong căn nhà thuê nhỏ, công việc thì bấp bênh, nhưng lúc nào cũng có tiền để mua vui.

Và từ ngày anh ta xuất hiện, cuộc sống yên ả của gia đình tôi dần bị xáo trộn.

Chồng tôi vốn là người đàn ông của gia đình. Anh đi làm đều đặn, về nhà đúng giờ, thỉnh thoảng cuối tuần mới đi cà phê với bạn bè một chút rồi về. Tôi chưa bao giờ phải lo lắng, cho đến khi anh hàng xóm này bắt đầu lân la làm thân. Ban đầu chỉ là những câu chào hỏi xã giao, rồi dần dà thành những lời mời: "Sang nhà em uống trà đá đi anh, ngồi một mình buồn quá!"

Tôi không ngăn cản, bởi nghĩ đàn ông với nhau, có bạn bè tán gẫu cũng tốt. Nhưng rồi, trà đá thành bia hơi, bia hơi thành rượu, rượu xong lại rủ nhau đi hát karaoke. Những cuộc vui kéo dài đến một hai giờ sáng, có hôm chồng tôi về nhà trong tình trạng lảo đảo, quần áo nồng nặc mùi khói thuốc và nước hoa rẻ tiền.

Tôi nhớ như in cái tối hôm đó. Trời mưa tầm tã, con gái nhỏ sốt cao, tôi một mình bế con chạy sang gửi chị hàng xóm rồi đội mưa đi mua thuốc. Về nhà vội nấu cháo, dỗ dành con ngủ. Chồng tôi thì vẫn chưa về, dù đã hơn 9 giờ tối. Tôi gọi điện, đầu dây bên kia là tiếng ồn ào của quán nhậu, tiếng anh hàng xóm cười hô hố: "Ông nội này lại bị vợ gọi rồi này!"

Tôi nói nhẹ nhàng: "Anh về đi, con sốt, em một mình lo không xuể."

Chồng tôi còn chưa kịp trả lời thì giọng anh hàng xóm đã cắt ngang, đầy chế giễu: "Lại gọi à? Ôi toàn vẽ chuyện chứ chả có cái gì đâu. Ông cứ ở lại đây, để bả tự xoay xở! Mà nếu bà ấy cằn nhằn thì về đánh cho một trận là ngoan ngay! Cứ vả cho 1 phát giữa mặt là không bao giờ dám lèm bèm nữa!"

2cca4107a9eea7e02608fcae9077d810-1748150667247163825023-1748162544880-17481625449541143139213.jpg

Tôi tê cứng người. Giọng nói đó không chỉ độc địa, mà còn như một lời xúi giục tàn nhẫn. Chồng tôi dù có thể hơi mải chơi nhưng là người yêu vợ thương con. Xui gì thì xui chứ xui đánh vợ là anh ấy không bao giờ nghe theo, anh về nhà ngay sau đó, nhưng khuôn mặt đỏ bừng vì rượu và ánh mắt ngại ngùng khiến tôi hiểu rằng, nếu cứ tiếp tục như thế này, một ngày nào đó, anh sẽ thực sự thay đổi.

Tôi không muốn trở thành người vợ hay ghen, hay kiểm soát chồng. Nhưng tôi cũng không thể làm ngơ khi thấy anh dần xa rời gia đình. Tôi ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc với chồng, kể về nỗi lo của mình, về những đêm một mình trằn trọc chờ anh về, về tiếng khóc của con bé con. Nó con nhỏ nhưng vẫn hiểu là bố đang không ở nhà và nó thấy bất an.

Chồng tôi im lặng rất lâu, rồi thở dài: "Anh xin lỗi...".

Anh hứa sẽ hạn chế đi chơi, nhưng tôi biết, chỉ cần anh hàng xóm kia còn ở đó, còn những lời rủ rê, còn những trận cười khoái trá khi thấy người đàn ông khác bỏ bê vợ con, thì cám dỗ vẫn còn.

Đôi lúc, tôi tự hỏi, tại sao có những người đàn ông như anh ta? Phải chăng vì cuộc sống của họ quá trống rỗng, nên họ tìm cách kéo người khác xuống cùng mình? Hay họ thực sự nghĩ rằng, đàn ông phải sống phóng khoáng, phải coi vợ con là thứ yếu?

Tôi không ghét anh ta, nhưng tôi thấy thương cho những người vợ khác, những đứa trẻ khác, nếu chẳng may chồng họ nghe theo những lời xúi bẩy ấy. Gia đình là thứ quý giá nhất, nhưng có những kẻ chỉ cần vài câu nói tầm phào cũng có thể phá hoại nó.

Giờ đây, mỗi lần thấy anh ta ngồi trước cổng, mắt lim dim nhìn sang nhà tôi như chờ đợi chồng tôi đi làm về là tôi lại muốn vác xô nước vừa lau nhà ra hắt cho 1 phát.

Sau cùng tôi nhắn thẳng cho anh ta 1 tin là tôi biết thừa vụ anh ta xui chồng tôi đánh vợ và tôi yêu cầu anh ta không được phép liên lạc với chồng tôi nữa.

Đàn ông tốt vẫn có thể thành xấu nếu gặp bạn xấu. Và người vợ, đôi khi phải là người kéo chồng mình ra khỏi những cám dỗ ấy.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022