Tôi năm nay 36 tuổi, lấy chồng đã 12 năm. Chồng tôi, anh Cường, là người đàn ông hiền lành, ít nói, làm gì cũng nghĩ cho người khác trước. Ngày tôi lấy anh, chẳng ai chúc mừng, chỉ toàn xì xào "sao cô giỏi giang vậy mà lại chọn thằng làm thợ hồ dốt nát?".
Nhưng tôi biết không ai "dốt nát" mà ngày thì làm việc vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, đêm về vẫn nấu cháo lo cho mẹ bệnh, dốc sức lo cho em trai học đại học. Chồng tôi nghèo thật nhưng có tình có nghĩa, người như vậy đáng quý, đáng trân trọng hơn cả vàng bạc.
Em trai chồng tôi tên Tín, học rất giỏi nhưng nhà nghèo, khi mẹ chồng phát bệnh, Tín suýt phăỉ bỏ học, nhưng rồi chồng tôi vẫn quyết cho em đi học, gồng gánh lo hết mọi thứ. Ngày nghỉ lễ, người ta đi chơi, đi hội, chồng tôi lại lội bùn đi mò cua bắt ốc để bán, kiếm thêm vài chục ngàn gửi cho em trai.
Tôi còn nhớ có lần anh về sớm, tay rỉ máu vì vết cắt khi vác tấm tôn, tôi bảo nghỉ vài hôm đi, anh chỉ lắc đầu: "Nghỉ thì không có tiền, thằng Tín sắp phải nộp học phí rồi".
Tín học giỏi thật, ra trường là có việc ngay, làm công ty nước ngoài, chức vụ phó phòng, ăn nói lưu loát, ăn mặc bóng bẩy, đi xe xịn. Mỗi lần về quê, người làng lại khen nức nở: "Tín giỏi quá, làm rạng danh nhà họ Trần" nhưng dường như càng thành công, Tín càng quên mất quá khứ.
Một lần, khi Tín về quê thăm vợ chồng tôi, tôi bảo Tín xem công ty có tuyển dụng bảo vệ không, bên nhà tôi có ông bác vừa về hưu, lương hưu thấp mà vẫn còn sức khỏe nên muốn đi trông xe, làm bảo vệ kiếm thêm tiền dưỡng già. Thế mà Tín không thèm ngẩng mặt lên, cắm đầu vào ăn và trả lời: "Giờ ai còn tuyển bảo vệ già như thế. Thanh niên thất nghiệp đầy ra, đi làm bảo vệ không hết kìa".
Nghe mà tôi thấy bực nhưng nghĩ Tín nói cũng đúng nên đành im lặng, nuốt giận vào trong.
Nhiều lần khác, Tín về chơi, không mang cho chồng tôi được cái áo hay món quà nào. Nhưng gà vịt rau cỏ trong nhà thì cứ đòi mang đi với lý do: "Đồ quê sạch, nhà tự nuôi tự trồng nên đảm bảo an toàn, chợ ngoài thành phố đầy ra nhưng sợ phun thuốc". Tôi không keo kiệt, song thái độ của Tín khiến tôi không thoải mái, chúng tôi vẫn nghèo, Tín thì lương cao mà chẳng quay đầu lại giúp anh chị chút nào, đến các cháu cũng chẳng được đồng nào từ chú.
Thời gian gần đây, tôi thấy Tín coi thường chồng tôi rõ rệt. Cứ khi anh nói gì là em chồng lại vặc lại: "Anh đúng là không đi đâu khỏi lũy tre làng, chẳng biết tình hình ngoài kia gì cả" hoặc "Anh phải cập nhật thông tin đi, đừng có kém hiểu biết thế chứ, rồi người ta bảo mình là ếch ngồi đáy giếng"...
Có lần chồng tôi nói về vụ có mấy thợ điện, thợ mạng gì đó gọi điện bảo anh đóng tiền kẻo cắt điện trong khi anh rõ ràng đóng rồi. Tín liền bật cười: "Lừa đảo đấy. Em đã bảo rồi, anh phải chịu khó mà đọc tin tức, cứ ru rú đi làm thợ xây suốt thế này thì cẩn thận kẻo chúng nó lừa hết. Trình độ thì có hết lớp 9, chúng nó nói gì cũng tin".
Chồng tôi cười hềnh hệch bảo rằng anh làm gì có tiền mà lừa. Thế là Tín nhếch mép hừ một tiếng.

Ảnh minh họa
Tôi tức quá không chịu được nữa nên chiều đó, chờ lúc chồng đi đón con, tôi nói chuyện riêng với em chồng. Tôi nói thẳng: "Em nghĩ ai nuôi em ăn học đến ngày hôm nay? Ai nhịn ăn sáng, ai bỏ học nghề, ai đi làm thuê làm mướn ngoài nắng ngoài mưa? Anh Cường đó, cái người mà em vừa hạ thấp, khinh thường đó".
Tín nhếch mép, đáp lại một cách lạnh nhạt: "Thì anh ấy lo, em mới có ngày hôm nay nhưng cái đó không có nghĩa là em phải chịu đựng sự quê mùa, dốt nát của anh mãi đâu chị".
Tôi tức run người: "Em không cần chịu đựng ai hết, em chỉ cần nhớ đừng khinh thường, người ta nghèo không có nghĩa là thấp hèn, còn người giỏi mà quên gốc thì mới là đáng sợ".
Tín cười khẩy rồi bỏ đi. Mấy hôm sau, tôi đọc được một status trên facebook của Tín là "sống với họ hàng nhà quê, đầu óc thiển cận, không chịu phát triển", bên dưới là bức ảnh chụp con vịt bầu.
Tôi kể lại với chồng, anh lặng im một lúc rồi bảo tôi đừng so đo làm gì, nó sống tốt là được, thành người đàng hoàng là được.
Tôi quay đi, không nói gì nhưng trong lòng, nỗi giận dữ và bất lực cứ chực trào ra. Thế mới cay, người tốt thường không biết bảo vệ chính mình, người bạc bẽo thì lại giỏi tô điểm cho bản thân.
Tôi nên tiếp tục nín nhịn như chồng mình, hay phải lên tiếng để giữ lại chút công bằng cho những tháng năm cơ cực mà chồng tôi đã bỏ ra vì một đứa em không biết ơn?