Ngày tôi về ra mắt, mẹ chồng "chiêu đãi" con dâu tương lai bằng món thịt chưng mắm tép siêu mặn và 1 đĩa rau cải luộc. Nhìn mâm cơm chỉ có vỏn vẹn 2 món, tôi thấy hơi tủi thân và nghĩ rằng bố mẹ chồng không ưng mình nên mới thế. Nhưng thấy 2 người vẫn trò chuyện vui vẻ, sau đó nghe chồng giải thích rằng mẹ anh vốn rất tiết kiệm, nên tôi không suy nghĩ nữa.

Ngày kết hôn, vợ chồng tôi được bố mẹ chồng hứa sẽ cho căn nhà hiện đại. Nhưng đó chỉ là lời hứa mà thôi. Bởi sau đám cưới, "ngôi nhà hiện đại" mà tôi nhận được chính là căn phòng 25m2 trên tầng 3. Đã thế căn phòng đó còn trống không, chẳng được sắm sửa 1 thứ gì. Sau cùng, vợ chồng tôi phải chuyển giường từ phòng cũ của chồng lên để nằm. Còn chăn, ga, gối đệm, tủ... chúng tôi sắm dần dần.

Xin ra ở riêng không được, tôi phải sống chung với mẹ chồng. Hàng tháng nhận lương, vợ chồng tôi đều về đưa cho bà. Mẹ chồng sẽ đưa lại cho chúng tôi 1 ít. Số còn lại bà chia ra từng khoản, khoản sẽ dùng để sinh hoạt, khoản dùng để mua sắm những thứ cần thiết và ốm đau, còn bao nhiêu mẹ chồng bỏ hết vào sổ tiết kiệm mang tên bà.

Mỗi tháng vợ chồng tôi đều đưa mẹ chồng 25 triệu. Ấy thế nhưng mâm cơm lúc nào cũng lèo tèo có 1-2 món. Và món thịt chưng mắm tép là món kinh điển ở nhà chồng. Hầu như 1 tuần, mẹ chồng phải làm món đó 3-4 bữa. Đơn giản vì ăn thịt chưng mắm tép rất dôi! Nếu đổi món thì chỉ là đậu rán, trứng chiên. Hôm nào sang lắm thì được bữa thịt luộc. Nhà mẹ chồng nuôi hàng chục con gà. Nhưng chỉ những ngày Tết hoặc có khách sộp, bà mới cho làm thịt.

Không chỉ như vậy, các sinh hoạt trong nhà đều có định mức. Tắm không được quá 10 phút. Hôm nào tôi gội đầu mà quá giờ tiêu chuẩn, mẹ chồng sẽ đứng ngoài cửa nhà tắm đập cửa ầm ầm bắt ra. Những hôm hè nóng chảy mỡ, nhưng chỉ được bật điều hòa 2 tiếng cho mát mẻ mà thôi. Mùa đông thì 2 ngày tắm 1 lần để hạn chế bật bình nóng lạnh.

Nhớ đợt con đến tuổi ăn dặm, muốn hầm xương nấu cháo cho bé, tôi cũng không dám. Vì suốt ngày mẹ chồng than thở tiền gas đắt, dùng 3 tháng đã hết bình. Có lần vừa đi làm về, tôi đã bị mẹ chồng mắng xơi xơi ngay trước mặt nhân viên thu tiền điện. Bà quát: "Nó có dịp làm chủ mà. Bố mẹ về quê mất ngày chắc ở trên đây bật điện, dùng nước phè phỡn nên tháng này mới tăng tiền ầm ầm như thế". Tôi nghe vừa ngượng, vừa bực nhưng cũng không cãi. Từ đó, tôi thường gói ghém quần áo bẩn của vợ chồng, con cái lại trong vài ngày rồi lén đem ra tiệm để giặt.

jang-na-ra-1631790637760199203443.jpg

(Ảnh minh họa)

Hôm qua tôi nấu cơm, trót đổ hơi nhiều nước khi luộc rau muống. Thế là sau bữa, mẹ chồng quắc mắt rồi mắng luôn: "Đổ nhiều nước thế này thì vừa hại điện vừa tốn nước. Nhắc bao lần rồi luộc rau thì chỉ cần đổ hơn 1 bát con nước thôi. Nhà này có ai ăn nước đâu! Chị hoang phí thế này thì tháng sau trả tiền điện nước đi cho biết lễ độ. Không phải trả tiền nên chị không thấy xót phải không?".

Mẹ chồng mắng tôi 1 tràng không kịp vuốt mặt như vậy. Tức quá, tôi mới cãi lại: "Tiền sinh hoạt tháng nào vợ chồng con chả đưa cho mẹ đầy đủ. Số tiền đó mà mẹ không đủ trả 1 vài trăm nghìn tiền điện nước ạ? Mà mẹ nói con hoang phí nhưng những cái mẹ hoang phí thì mẹ đâu có nhìn ra...".

Nói xong tôi mở điện thoại của mình lên, mở camera của nhà ra cho bà biết. Mẹ chồng thường bật TV và đài để xem phim, nghe tin tức thời sự... nhưng bà thường quên không tắt. Nhiều hôm bà cũng quên luôn không tắt quạt, tắt điều hòa mỗi khi dùng xong ở phòng khách. Những lúc này thì bà không nhớ và cũng không trách mình đâu, nhưng hễ con dâu sai 1 nhịp là y rằng bà chì chiết không ra gì...

Thấy tôi đưa ra bằng chứng chẳng cãi được như thế, mẹ chồng nín bặt. Nhưng sáng nay bà gọi thợ tháo camera ra rồi! Mẹ chồng nói thứ này chạy suốt trong nhà chỉ tốn điện. Tôi đến cạn lời!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022