Tôi có một người chị họ. 5 năm trước, chồng chị ngoại tình rồi đề nghị ly hôn, còn đồng ý bồi thường cho chị 800 triệu. Chị họ tôi mặc kệ sự can ngăn của gia đình, nhất quyết ly hôn rồi cùng con trai sống một cuộc sống mới. 5 năm trôi qua, tôi cứ nghĩ hai mẹ con chị đã có một cuộc sống yên ổn, nhưng ai ngờ sau ly hôn chị vẫn đang vùng vẫy trong tuyệt vọng, đến cả đứa con trai cũng lén trốn về sống cùng bố. Chị họ tôi than thở, sớm biết có ngày hôm nay thì ngày trước cho dù có được bồi thường mấy tỷ chị cũng nhất quyết không ly hôn.
Thực ra, chị họ tôi và chồng cũ từng là một cặp đôi rất đẹp, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Anh rể cũ phụ trách đi làm kiếm tiền, chị họ ở nhà tập trung chăm sóc con trai, quán xuyến nhà cửa, một nhà 3 người phân công nhiệm vụ rõ ràng, ai cũng vui vẻ hoà hợp. Mãi đến khi cậu con trai tốt nghiệp cấp 2, chị họ tôi mới vô tình phát hiện ra một việc động trời, chồng chị ở bên ngoài cặp kè với một người phụ nữ khác. Anh ta thường xuyên lấy cớ phải tăng ca ban đêm hoặc phải đi công tác để lén lút hẹn hò nhân tình của mình.
Chị họ tôi phát hiện ra thì làm ầm lên, trách mắng chồng là kẻ phản bội, lừa dối vợ con. Ai ngờ, chồng cũ cũng quay sang “bóc phốt” ngược lại vợ, oán trách ở nhà vợ lạnh nhạt với mình, động cái là cãi nhau dù chỉ là mấy chuyện cỏn con, hai người từ lâu đã chẳng còn tiếng nói chung, thường xuyên xảy ra "chiến tranh lạnh". Một cuộc hôn nhân lạnh lẽo chẳng có hơi ấm như vậy, chồng cũ chị từ lâu đã chẳng còn lưu luyến nữa, vì vậy anh ta mới chạy ra ngoài ngoại tình.
Thế nhưng trên đời này làm gì có tình yêu nào hoàn mỹ không tì vết, cho dù hai người có hợp nhau thế nào đi nữa thì chắc chắn không thể tránh khỏi những lúc xích mích cãi vã. Con người ta khi đến tuổi trung niên, đời sống hôn nhân sẽ trở thành trạng thái thường ngày, tất cả những tiếp xúc thân mật, giao lưu, trò chuyện bị xem là không cần thiết, nhưng chính những điều ấy lại biến mối quan hệ vợ chồng trở nên xa lạ, hai bên dần chán ghét lẫn nhau, dễ dẫn đến sự chen vào của người thứ ba.
Sau bao nhiêu cố gắng hoà giải và khuyên ngăn của hai bên gia đình, vợ chồng chị họ tôi vẫn ly hôn. Anh rể cũ bồi thường cho chị 800 triệu, căn nhà của hai người cũng để lại cho vợ, điều này đồng nghĩa với việc anh ra đi tay trắng. Chị họ tôi cho rằng đó là lẽ đương nhiên, thế nhưng bố mẹ chồng chị và cả hai bác tôi không đồng ý.
Mẹ chồng ra mặt xin lỗi chị, hứa sẽ dạy bảo lại con trai của bà, nhưng bà không mong muốn vợ chồng chị chia tay, ly hôn chẳng phải chuyện tốt đẹp gì, hơn nữa cũng ảnh hưởng xấu đến quá trình trưởng thành của con trẻ sau này. Còn hai bác tôi lại cho rằng từ khi kết hôn, cuộc sống của chị họ tôi chỉ xoay quanh chồng con, không có năng lực kiếm tiền, một khi ly hôn còn phải nuôi con, cuộc sống chắc chắn sẽ rất gian khổ. 800 triệu bồi thường kia sống ở thành phố lớn cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, tiền tiêu mãi rồi cũng hết mà thôi. Dưới chị họ tôi còn một cậu em trai, cho nên bác trai bác gái không thể nào dồn hết tinh lực cho một mình cô con gái được. Vậy nên, không ly hôn vẫn là sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Ảnh minh họa
Chị họ tôi nghe lời khuyên bảo của bậc phụ huynh như vịt nghe sấm, chẳng có câu nào lọt tai. Mặc dù chị hiểu rõ một sự thật rằng hôn nhân không tốt đẹp như tưởng tượng, nhưng chị cảm thấy việc chồng ra ngoài ăn vụng không thể thỏa hiệp và tha thứ được, nếu bắt chị phải chung sống với loại đàn ông giả dối như vậy thì sẽ chỉ làm chị càng thêm đau khổ mà thôi. Chị quyết tâm ly hôn, con trai theo mẹ, bắt đầu cuộc sống mẹ đơn thân.
Lúc mới đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản rằng, rời xa gã đàn ông tệ bạc đó, cuộc sống của chị sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, sự thật phũ phàng đã cho chị một cái tát đau đớn. Chức vụ ở công ty của chị rất thấp, đương nhiên lương cũng không cao, muốn thăng chức tăng lương là điều rất khó. Từng có một cơ hội cho chị đi rèn luyện học hỏi, thế nhưng chị lại kêu ca phàn nàn rằng điều kiện chuyến đi quá gian khổ vất vả nên không đi, vậy là chị đã bỏ lỡ cơ hội cực tốt để nâng cao trình độ của mình.
Chị muốn đổi một công việc khác lương cao hơn, thế nhưng chị vừa lớn tuổi, trình độ học vấn lại không cao, cho nên cơ hội tìm việc tốt là không có. Tất cả mọi chi tiêu trong nhà, tiền đóng học phí, tiền đi học thêm cho con trai khiến chị lo lắng bạc cả tóc. 800 triệu đó cũng không phải số tiền quá lớn, tiền học của con trai chị một kì đã hết 8-9 triệu, ba năm học cấp 3 sắp tới cộng thêm 4 năm đại học đúng là một vấn đề đau đầu.
Mà điều khiến chị bực bội nhất, đó là cậu con trai mặc kệ mẹ phản đối, thường hay xách đồ sang ở cùng bố. Bởi bố lúc nào cũng chiều theo ý con trai, thích gì được nấy, còn mẹ thì lúc nào cũng nhăn mặt, nghiêm khắc, động một tí là mắng mỏ cậu bé. Cậu còn cho rằng nguyên nhân khiến bố mẹ mình ly hôn là do tính cách nóng nảy của mẹ gây ra. Sau này khi đã vào đại học, được thoải mái tự do, cậu cũng không hay về nhà với mẹ, có khi cả tháng mẹ con chẳng thấy mặt nhau lần nào. Cuộc sống của chị họ tôi rất vất vả, điều khiến chị mệt mỏi nhất là áp lực về mặt tinh thần. Lúc thì chị cảm thấy hối hận vì đã ly hôn, lúc lại thấy ly hôn với người chồng ngoại tình chẳng có gì sai trái cả. Cái cảm giác lo âu bất an ấy luôn bủa vây quanh chị, khiến cho ai nhìn vào cũng thấy chị thật lạc lõng, cô đơn và bế tắc.
Ly hôn tuổi trung niên, người nào không độc lập về kinh tế, không có khả năng kiếm tiền sẽ là người bị tụt lại, sống một mình chắc chắn sẽ rất khó khăn. Độc lập kinh tế là gốc rễ của cuộc sống, nó bao gồm việc có nguồn thu nhập liên tục và việc khiến chất lượng cuộc sống dần trở nên tốt đẹp hơn. Chị họ tôi ly hôn vì chồng ngoại tình, điều này không hề sai, nhưng chị lại không có năng lực kiếm tiền, dẫn đến kinh tế bấp bênh. Mà kinh tế thất thường lại khiến chị gặp áp lực về mặt tinh thần, cứ như vậy, cuộc sống của chị sẽ ngày càng đi vào ngõ cụt chứ chẳng thể tươi sáng hơn được.
Cho nên, trong hôn nhân, bất kể là nam hay nữ cũng đều phải có khả năng kiếm tiền tự nuôi bản thân mình, cũng như có khả năng nuôi dạy con cái. Kinh tế độc lập rồi thì cuộc sống mới có nhiều quyền lựa chọn, cho dù là ly hôn thì cũng có thể tạo ra một tương lai tốt hơn. Nếu không, dù cho lý do ly hôn hợp tình hợp lý mà không có khả năng tự chủ tài chính thì cũng không thể đạt được hạnh phúc mình mong muốn, càng không thể thay đổi hiện trạng bây giờ, chỉ làm mất đi ý nghĩa của việc ly hôn mà thôi.