Tôi là Xuân, 30 tuổi, đã kết hôn được 3 năm và có 1 bé gái 2 tuổi. Ba người chúng tôi sống trong một căn chung cư nho nhỏ ở thành phố. Tuy nhà cửa không rộng rãi, nhưng lại được tôi tỉ mẩn trang trí bày biện nên trông vô cùng gọn gàng và ấm cúng.

Tình cảm của vợ chồng tôi cũng rất tốt đẹp, anh ấy là nhân viên kinh doanh của một công ty công trình, thường hay phải đi công tác cùng sếp để khảo sát thị trường. Còn tôi làm thu ngân ở một siêu thị gần nhà. Mấy tháng trước, cô em gái của chồng tôi, Nhã, bày tỏ rằng sắp đến ngày sinh nở mà chồng lại phải đi công tác 3 tuần mới về, mẹ chồng em thì đang đau ốm, không thể đến giúp đỡ con dâu ở cữ. Mẹ chồng tôi đang đau chân, không tiện đi lại nên cũng chẳng đến chăm sóc con gái được. Tính tôi dễ mềm lòng, lại cùng là người một nhà với nhau, giúp đỡ lẫn nhau là đúng, vậy là tôi liền đề nghị Nhã đến nhà tôi nghỉ đẻ một thời gian, chờ chồng đi công tác về rồi tính tiếp.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng, nhà càng đông càng vui, tôi lại thích trẻ con, mẹ con Nhã qua đây chắc không khí gia đình sẽ ấm áp hơn. Ngày Nhã đến, tôi nhiệt tình lắm. Tôi dọn dẹp phòng sạch sẽ tinh tươm, còn có tâm mua hẳn một bộ ga giường mới phù hợp cho làn da của em bé. Mẹ chồng tôi ở gần nên cũng cố sang giúp đỡ, tôi lại càng thấy vui, cảm thấy cả nhà đang vô cùng gắn kết.

Nhưng mới qua vài ngày, tôi đã thấy có điều không ổn. Cứ sáng ngày ra là em bé khóc, Nhã lại cứ như không nghe thấy, vô tư trùm chăn ngủ. Mẹ chồng tôi nghe tiếng thì lại chạy đến đập cửa phòng tôi nói: “Xuân ơi, em bé khóc rồi, con mau đi xem xem thế nào đi!”. Tôi buồn ngủ đến nỗi không mở nổi mắt, nhưng nghe tiếng khóc xé ruột thấy thương nên đành vội vàng chạy qua bế.

a8ec113b66c2333d4149b939db578aee-17287220135991323663542.jpg

Hình minh họa

Đến lúc làm đồ ăn sáng, mẹ chồng với em chồng ngồi nói chuyện rôm rả ở phòng khách, không hề có ý gì muốn giúp đỡ, một mình tôi ở trong bếp nấu nướng chóng hết cả mặt. Ăn sáng xong, tôi lại vội vã đưa con đi nhà trẻ rồi đi làm. Đến trưa, em chồng bận chăm con, mẹ chồng đau chân, tôi lại tranh thủ chạy về cơm nước. Em chồng nói muốn ăn món này món kia, tôi đều chiều theo ý con bé hết. 

Nhưng đến khi tôi bưng món ăn ra, Nhã lại giở chứng kén cá chọn canh, cầm đũa gẩy gẩy rồi chê món này nhạt quá, món kia mặn quá. Tôi tủi thân vô cùng nhưng vẫn giữ trong lòng không nói ra. Mẹ chồng tôi thì ở bên cạnh cất cao giọng: “Xuân ạ, con phải để ý chút, em gái con còn đang ở cữ, phụ nữ ở cữ phải ăn uống đầy đủ, không thì lấy đâu sữa cho con bú!”.

Nghe vậy, tôi chỉ biết im lặng gật đầu. Cứ như vậy hơn hai tuần, sáng nào cũng dậy sớm vừa dỗ em bé cho Nhã ngủ, vừa nấu ăn sáng cho cả nhà, giặt quần áo đem đi phơi, rồi lại tất bật đến siêu thị, chưa kể đưa đón con tôi đi học. Còn Nhã thì nằm ở nhà chỉ tay năm ngón, ra lệnh cho tôi phải làm này làm nọ, lúc thì đòi nấu canh gà hầm, lúc lại muốn ăn cháo tổ yến.

Đến một hôm, tôi thật sự quá mệt mỏi rồi, Nhã bảo tôi sao quần áo của em bé vẫn chưa giặt, tôi nói: “Chị có lòng mời em đến nhà chị ở cữ, chứ không phải mời em đến ở hẳn rồi còn làm giúp việc miễn phí cho em đâu! Chị cũng có công việc của chị, chị cũng mệt lắm chứ!”.

Nhã nghe vậy thì mặt đỏ bừng, vừa muốn nói gì đó thì mẹ chồng lên tiếng: “Xuân, thái độ của con là kiểu gì thế, chăm em một chút thôi thì có làm sao?”.

Tôi nhìn mẹ chồng, bao nhiêu ấm ức tủi thân dồn nén trong lòng bỗng chốc trào ra như vỡ đê, tôi nói: “Mẹ, ngày nào con cũng bận rộn từ sáng sớm đến tối khuya, có ai xót cho con không? Con không phải là người hầu của nhà này! Giờ Nhã đã làm mẹ rồi, con của Nhã thì Nhã phải tự chăm sóc, không thể cứ ỷ lại vào con mãi được! Con cũng có công việc, con cái của riêng con mà!”.

Mẹ chồng và em chồng nghe tôi nói vậy, cả hai đều ngây ra. Một lúc sau, em chồng xin lỗi tôi còn mẹ chồng thì cúi mặt trầm tư.

Từ sau hôm đó, cả hai mẹ con đều thay đổi rõ rệt. Nhã tự dậy sớm chăm con, mẹ chồng cũng giúp tôi làm việc nhà, tôi thấy chân bà còn hơi đau nên chỉ cho bà làm mấy việc nhẹ nhàng, còn đâu vẫn là tôi làm là chính. Thông qua lần này, tôi cũng hiểu ra rằng, dù có là gia đình đi nữa thì lòng tốt cũng có giới hạn. Tôn trọng, thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau thì gia đình mới hoà thuận được.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022