Tôi là con cả trong một gia đình nghèo ở quê. Hồi đỗ đại học, tôi đã định không đi nhưng mẹ thuyết phục mãi cuối cùng cũng đành nghe. Nhưng trong khi các bạn cùng trang lứa chỉ phải lo chuyện học hành, ăn ngủ, tôi lao vào kiếm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, học phí cũng như cố dành dụm 1 chút cho các em.
Quãng thời gian cơ cực ấy cũng giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Ra trường được 2 năm, tôi mua cho bố mẹ một số vật dụng cơ bản, tạo một cuốn sổ tiết kiệm với số tiền nho nhỏ cho mấy đứa em.
Rồi tôi kết hôn với Kiên. Anh cũng không giàu có gì, nhưng rõ là rất hợp với tôi cả về tính cách, chí hướng cũng như gia cảnh. Bố mẹ anh không giàu, có chăng hơn nhà tôi 1 chút xíu.
Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nơi thành phố lớn khá chật vật, tuy thế hai vợ chồng vẫn cố gắng tích cóp với hy vọng sẽ mua được 1 căn chung cư sau 2-3 năm nữa.
Thế nhưng đời nào như mơ, không lâu sau đám cưới của tôi thì mẹ ruột tôi bị liệt vì một tai nạn. Thành ra, bà chẳng làm được gì, chỉ di chuyển bằng xe lăn từ nhà ra ngõ.
Cuộc sống càng thêm khó khăn hơn khi bố tôi, trụ cột chính trong gia đình cũng bị xe đâm. Ông bị khá nặng, may mắn qua khỏi nhưng trở về nhà cũng chẳng làm được gì.
Thương bố mẹ không có thu nhập, 3 cô em vẫn còn đang mài mông trên giảng đường đại học, tôi xin chồng mỗi tháng cho bố mẹ thêm 2 triệu để ông bà lo ăn uống.
Kiên không từ chối, nhưng tôi nhận ra sự khó chịu của anh:
- 2 triệu, vợ chồng mình lương có bao nhiêu đâu. Tiền viện phí cho bố mẹ cũng hết sạch cả sổ tiết kiệm rồi đấy.
- Nhưng tình hình hiện giờ khó khăn quá, em là con sao có thể bỏ mặc bố mẹ được. 3 em thì còn nhỏ, chúng đi làm thêm chỉ đủ ăn, đủ lo học là may lắm rồi.
- Bố mẹ anh nghèo thật đấy, nhưng chẳng bao giờ xin 1 đồng của con cái. Thế nặng gánh cho con lắm.
(Ảnh minh họa)
Nghe câu ấy xong, tôi chỉ muốn bật khóc. Hóa ra, bố mẹ tôi lúc nào trở thành gánh nặng cho Kiên? Tôi nghẹn ngào hỏi, anh mới xua tay bảo:
- Thôi, 1 triệu cũng đủ ăn ở quê rồi. Mình còn bao nhiêu việc phải lo.
Anh cũng đã nhượng bộ, tôi chẳng biết nói gì thêm. Từ đó mỗi tháng tôi trích 1 triệu từ lương của mình cho bố mẹ. Mỗi lần về quê cũng giấu chồng mua cho bố mẹ ít hoa quả, thịt thà bỏ tủ lạnh…
Nhưng rõ là chồng tôi đã không thích và coi bố mẹ vợ như gánh nặng, thì sớm muộn gì anh cũng sẽ bùng phát. Buổi tối hôm ấy, tôi bê mâm cơm khá đạm bạc ra và cứ nghĩ sẽ được chồng khen. Bởi Kiên lúc nào cũng muốn tôi tiết kiệm mà. Nay vừa hôm tôi mệt lại đúng lúc cuối tháng, thôi thì "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Nào ngờ đâu nhìn thấy cái Kiên lập tức gào lên:
- Cơm canh thế này thì ai mà ăn được?
- Cũng có canh, có thịt mà anh. Nay em mệt, nấu đơn giản 1 chút. Hơn nữa cũng lúc cuối tháng hết tiền…
- Hết tiền? Để chồng ăn kham ăn khổ, còn tiền thì đem về cho ngoại. Nói thật, em là phận gái theo chồng rồi, đừng có lúc nào cũng chăm chăm mang tiền về nữa, lo cho bên nhà chồng đi. Chả thóc đâu mà đãi gà rừng. Em giàu có không nói, đằng này cũng nghèo rách chứ gì.
Nghe tới đó, tôi nghẹn ngào. Hai vợ chồng cãi nhau một hồi rồi cũng chẳng đi đến đâu. Đúng là, hai vợ chồng tôi còn khó khăn, bên nội thì không cần chúng tôi chu cấp gì, chỉ có bố mẹ tôi cần. Nhưng tôi nghĩ, 1 triệu, 2 triệu/tháng không khiến chúng tôi giàu hơn cũng chẳng nghèo đi, cớ gì chồng tôi tính toán thế. Hơn nữa, bố mẹ tôi bệnh tật, không còn khả năng lao động mới phải nhờ tới tôi chứ.
Tôi rối lắm, giờ chẳng biết nên cắt luôn khoản này của bố mẹ để chiều chồng hay cãi lời anh rồi tiền ai nấy giữ? Nhưng như thế hôn nhân sao mà bền lâu được?