1745652792-11f825c1-65de-4d18-8f49-852c712f02f7faceimage-1745652866906514770102-137-0-777-1024-crop-17456528725311534055528-1745726289051-1745726294310157085051.jpeg

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải viết những dòng tâm sự này, nhưng mỗi lần nhìn những vết bầm tím trên làn da non nớt của con, lòng tôi lại quặn đau. Thằng bé mới chỉ 18 tháng tuổi, chưa đủ ngôn ngữ để diễn tả nỗi sợ hãi, chỉ biết khóc thét lên mà thôi.

Những ngày đầu khi em chồng sang chơi, tôi cứ nghĩ đó chỉ là biểu hiện yêu thương. Cho đến 1 hôm, khi bế con tắm, tôi giật mình phát hiện những vết răng hằn đỏ ửng trên cánh tay bé bỏng. "Con bị làm sao thế này?" - giật mình hoảng hốt.

Chồng tôi bước vào, liếc nhìn rồi bật cười bảo là cô út vừa cắn nó đấy: "Có gì đâu mà lo, em nó cắn yêu cháu đấy!".

Từ đó, mỗi lần em chồng đến chơi là một lần nỗi ám ảnh ập đến với con tôi. Thằng bé vốn hiếu động, hay cười bỗng trở nên sợ sệt lạ thường. Nó nép sau lưng mẹ, hai bàn tay nhỏ xíu khư khư giấu sau lưng, đôi mắt ngân ngấn nước mắt nhìn cô sợ hãi. Nhưng em chồng tôi vẫn cười vui vẻ hớn hở. Vừa cười, em chồng tôi vừa nhanh tay kéo cháu lại và cắn vào má, vào tay, để lại những vết hằn tím bầm.

Tôi đã nhẹ nhàng nhắc nhở biết bao lần. "Em đừng cắn cháu, nó đau và sợ lắm" - tôi lựa lời nói nhỏ với em chồng. Nhưng chẳng hiểu sao cả nhà chồng tôi đều biết và tôi nhận được sự phản ứng dữ dội từ cả nhà chồng.

2a9a821aaeb918c9eb4979b5f4564178-1745652974855518685075-1745726295124-174572630033021489485.jpg

Mẹ chồng bĩu môi: "Ô cái con này khó tính nhỉ, cô nó yêu mới cắn chứ!" . Chồng tôi thì nhăn nhó: "Sao em cứ phải nặng nề thế nhỉ? Em nó yêu cháu, quý cháu mà em đi nói như yêu em nó làm gì ác độc lắm ấy!".

Có lần, khi thấy con khóc thét vì bị cắn vào bắp chân, tôi không kìm được đã ôm con vào lòng và nói thẳng: "Em mà yêu cháu kiểu này thì thôi em ghét nó đi cũng được! Chị không cần em yêu thương con chị kiểu bạo lực thế này đâu" .

Cả nhà chồng như ong vỡ tổ. Em chồng bật khóc nức nở, chồng tôi đùng đùng nổi giận, còn mẹ chồng thì ném vèo cái chổi về phía mẹ con tôi rồi bảo tôi là "loại không biết điều" .

Những đêm đó, tôi ôm con ngủ mà lòng đầy xót xa. Tôi tự hỏi tại sao một hành động rõ ràng là bạo hành trẻ em lại được khoác lên chiếc áo "yêu thương"? Tại sao sự an toàn của một đứa trẻ lại không quan trọng bằng cái gọi là "hòa khí gia đình"?

Đằng nào thì cũng mang tiếng rồi nên tôi chẳng cả nể gì ai nữa.

Kể từ đó, tôi kiên quyết không cho em chồng tiếp xúc với con nữa. Mỗi khi cô út đến, tôi bế con vào phòng riêng và khóa cửa. Dĩ nhiên, tôi bị gán cho cái mác "ích kỷ", "khó tính", nhưng tôi không còn quan tâm. Điều duy nhất tôi nghĩ đến là sự an toàn của con mình.

Thời gian trôi qua, con tôi dần hồi phục tâm lý. Cháu không còn giật mình khóc thét mỗi khi nghe tiếng chuông cửa. Những vết bầm tím cũng không còn xuất hiện trên làn da non nớt ấy nữa.

Tất nhiên là để bảo vệ được con thì tôi cũng làm mất luôn mối quan hệ hòa hỏa với gia đình nhà chồng. Nhưng với tôi, được nhìn con lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần đã là hạnh phúc đủ đầy. Tôi hiểu rằng, đôi khi làm mẹ phải biết trở thành "ác nhân" trong mắt người khác, chỉ để có thể là anh hùng của riêng con mình.

Gửi đến những người mẹ đang đứng trước tình huống tương tự: Hãy dũng cảm bảo vệ con bạn, bởi không ai yêu con và hiểu con bằng chính bạn. Đừng để những quan niệm cổ hủ hay sợ hãi mất lòng người khác khiến bạn bỏ qua những tổn thương mà con phải gánh chịu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022