Trước đây, Trần Kiên là chủ nhiệm hợp tác xã. Trong xã hội nghèo nàn thời bấy giờ, chủ nhiệm hợp tác xã là một chức vụ khá to tát, khiến gia đình có thể "nở mày nở mặt" và giúp ông nuôi sống cả đại gia đình bao gồm 4 thế hệ một cách sung túc. Nhưng rồi thời kì đổi mới tới, các hợp tác xã bị giải tán để thay bằng hình thức khác hợp với thời đại hơn, Trần Kiên trở thành một ông bảo vệ.
Dù lương tháng chỉ 6 triệu đồng, công việc cũng khá vất vả khi phải trông coi cả một công xưởng rộng tới vài nghìn mét vuông, và không có nguồn thu nhập thêm bên ngoài nào, nhưng Trần Kiên vẫn rất chăm chỉ làm việc. Sau gần chục năm ở vị trí bảo vệ, ông đã nuôi dưỡng các con trưởng thành. Đến lúc này, các con ông Trần Kiên, khi đã trở thành những người có chút địa vị, lại cho rằng ông không nên tiếp tục làm một bảo vệ.
Mặc những lời khuyên nhủ hay số tiền được các con chu cấp hàng tháng, cũng không màng tới cuộc sống nhàn hạ, ông Kiên vẫn rất kiên trì với công việc của mình. Đến một ngày, khi các con ông bực tức đến mức phải tổ chức một cuộc họp gia đình để can ngăn bố đi làm, ông Kiên mới từ tốn giải thích lý do mình phải kiên quyết làm việc đến khi đủ số tuổi để được nhận lương hưu. Những lời nói của ông Kiên khiến các con phải nín lặng, hoá ra người già vẫn có sự nhìn xa trông rộng.
Những người thuộc thế hệ trước đã nghĩ gì khi kiên trì bám trụ một công việc nhàm chán chỉ vì lương hưu? Họ làm vậy đều có lý do, và đây là những lý do đó:
1. Con cái có tỷ lệ thành công cao hơn khi chọn bạn đời
Giới trẻ ngày nay ngày càng thực tế hơn trong hôn nhân. Khi chọn một người bạn đời, ngoài việc quan tâm tới nhà cửa, xe cộ, công việc, lương tháng, họ còn để ý tới việc cha mẹ có lương hưu hay không. Có lương hưu cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ không đặt quá nhiều gánh nặng lên vai con cái sau này. Ngày nay, sau khi những người trẻ kết hôn, họ dường như phải gánh một núi nợ thế chấp, vay mua ô tô, nuôi con và nuôi người già.
Cha mẹ có lương hưu có thể tự mình chi trả chi phí sinh hoạt, thuốc men, con cái không phải lo cha mẹ có đủ tiền tiêu hay không. Dù chỉ có hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, người già vẫn có thể yên tâm ăn uống, sinh hoạt thoải mái. Nếu hai vợ chồng già có lương hưu cao hơn và có thể đi du lịch để thư giãn thì cuộc sống như vậy thật đáng ghen tị.
Bên cạnh đó, có người già sẽ tiết kiệm quỹ hưu trí và khi con cái gặp khó khăn, họ có thể kịp thời giúp đỡ, con cháu cũng sẽ rất biết ơn.
2. Giảm gánh nặng cho con cái
Trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái là giúp đỡ người già. Nếu cha mẹ không có lương hưu, ngoài việc tự lo cho gia đình nhỏ của mình, con cái còn phải cân nhắc chu cấp cho cha mẹ một số chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nhưng nếu người già có lương hưu thì tình hình lại rất khác.
Khi có lương hưu, bố mẹ già không cần tới tiền chu cấp của con cái mà chỉ cần con cái đến thăm khi họ rảnh rỗi. Nếu người già không muốn nấu ăn nữa thì có thể tự mua. Kể cả khi ốm đau cũng có thể tự đi khám, tự chi trả tiền thuốc men, viện phí.
3. Khi về già, bạn có thể ngừng làm việc
Những người không có lương hưu sẽ luôn phải lo kiếm sống để trang trải sinh hoạt phí mỗi ngày. Cuộc sống về già sẽ không hề dễ dàng nếu như bạn không có tích luỹ. Có một thực tế rằng, ở nông thôn, người già thường không có lương hữu. Khi đó, họ phải làm việc cật lực ngay cả khi sức khoẻ đã dần suy yếu.
Trong khi đó, những người già có lương hưu hàng tháng có thể có cuộc sống dễ dàng, thoải mái hơn vì nhu cầu chi tiêu của người già cũng không cao. Nhiều người già thậm chí còn có lương hưu rất cao, cho phép họ có thể đi du lịch, trồng hoa cỏ và theo đuổi những thú vui riêng của mình.
Tất nhiên, việc người già có lương hưu hay không không phải là yếu tố duy nhất đo lường chỉ số hạnh phúc của một gia đình. Bất kể cha mẹ có được hưởng lương hưu khi về già hay không, con cái đều có nghĩa vụ phụng dưỡng. Hãy quan tâm nhiều hơn, đồng hành cùng người già và chăm sóc họ chu đáo, đó là bí quyết để có một gia đình hạnh phúc.
Theo Sohu