Thay vì bằng tiền, ba mẹ có thể lì xì con bằng quà tặng, chuyến đi trải nghiệm (Ảnh: Huyên Nguyễn).
"Bật ngửa" khi nghe trẻ con bàn chuyện giấu tiền lì xì
Có hai con ở bậc tiểu học, mỗi dịp Tết đến, tiền lì xì (mừng tuổi) của con chị Mỹ Quỳnh lên đến 20-30 triệu đồng. Năm nào, vợ chồng chị cũng đau đầu nghĩ cách "nịnh con" để cất giữ khoản tiền này.
"Hôm rồi, tôi vô tình nghe bọn trẻ con trong khu phố bàn bạc với nhau cách giấu tiền lì xì để đỡ bị ba mẹ tịch thu, rồi chúng rủ nhau mua cái này, sắm cái kia. Có bé mách bạn bè ký gửi một cục ở tiệm net hoặc bà bán hàng ở cổng trường rồi cả năm dùng dần. Tôi nghe mà điếng người", chị Quỳnh tâm sự.
Bà mẹ trẻ còn luôn bận tâm chuyện bọn trẻ, thậm chí cả người lớn so bì nhau mệnh giá tiền trong bao lì xì.
Món quà chị Quỳnh dành lì xì dịp Tết Giáp Thìn cho con là một đồ chơi trí tuệ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Tập tục tặng tiền mừng tuổi đầu năm là nét đẹp ngày Tết, nhưng để dạy bọn trẻ hiểu được điều này không dễ dàng. Mặc dù, ở nhà ba mẹ vẫn giáo dục con sử dụng tiền lì xì nhưng chúng dễ bị tiêm nhiễm từ bạn bè, xã hội hơn", chị Mỹ Quỳnh nói.
Vì thế, năm nay vợ chồng chị Quỳnh tuyên bố sẽ không lì xì tiền cho con mà thay bằng một đồ chơi trí tuệ và chuyến đi trải nghiệm.
Đồng quan điểm, chị Bùi Việt Hà (39 tuổi, quận 7, TPHCM) có con lên lớp 4 nhưng sẽ không lì xì bằng tiền.
Theo chị, càng về sau này các bạn trẻ thường không cảm nhận được không khí Tết, háo hức nhận tiền mừng tuổi giống như thế hệ của ông bà, ba mẹ chúng hồi nhỏ.
Do đó, điều quan trọng không phải lì xì bao nhiêu tiền, vật chất cao như thế nào mà là những điều trẻ thực sự nhận lại.
"Cả một năm mình bận rộn nên không có nhiều dịp đưa con đi chơi. Vì thế, mình sẽ lì xì con bằng những khoảng thời gian riêng, đưa con đi trải nghiệm cuộc sống, giải thích cho con nhiều hơn về ý nghĩa Tết cổ truyền. Mình mong bé thấy không khí Tết vui vẻ, ý nghĩa", chị Hà cho hay.
Chị Việt Hà sẽ cùng con đi trải nghiệm nét đẹp văn hóa dân tộc (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Dù vẫn chọn lì xì tiền cho con, song chị Hoàng Diễm (quận Tân Phú, TPHCM) cho rằng quan trọng nhất vẫn là những hành động, lời nói của ba mẹ để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa qua mỗi phong bao.
Chị kể, đầu năm mới, gia đình chị vẫn luôn giữ thói quen cúng lễ, chúc Tết, các bé chúc Tết ông bà, ba mẹ và người lớn mừng tuổi cho con. Sau đó, gia đình sẽ đi tham quan các địa điểm du xuân, tìm hiểu văn hóa dân tộc Việt. Cả gia đình cùng chụp hình mọi nơi để lưu giữ kỷ niệm, chào đón năm mới.
"Nếu chỉ đưa tiền lì xì mà không giáo dục cho con, điều này sẽ không mang nhiều ý nghĩa", chị Hoàng Diễm nói.
Còn bà mẹ Vũ Thanh Dung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dành khá nhiều thời gian để viết một bức thư để kèm trong mỗi phong bao tiền mừng tuổi.
"Trong bao lì xì, ngoài tiền mừng tuổi, tôi thường viết những điều ước, mong muốn của mình dành cho con. Dịp này, tôi cũng tổng kết lại việc các con đã làm được và chưa làm được trong năm cũ, khích lệ, bày tỏ tin tưởng vào ưu điểm của con để con phát huy. Tôi dành nhiều thời gian để viết ra những tâm tư, suy nghĩ, mong con thấu hiểu ba mẹ. Các con tôi rất thích điều đó", chị Dung bày tỏ.
Học cách trao, tặng lì xì
Cứ mỗi khi đến dịp xuân về, trẻ nhỏ thường vô cùng háo hức chờ đợi cha mẹ và người thân phát tiền mừng tuổi. Theo quan niệm xưa, tiền mừng tuổi thường không nhiều nhưng bao giờ cũng phải là tiền mới, chủ yếu là để lấy may trong dịp đầu xuân năm mới.
Cùng với nhịp sống hiện đại, phong tục mừng tuổi hay lì xì đầu năm mới không còn giữ được giá trị. Những bao lì xì đang dần dần bị biến tướng, trở nên vật chất hóa. Nhiều bạn trẻ dần quan tâm đến giá trị mệnh giá của "lõi" lì xì thay vì những giá trị tinh thần, thậm chí, từ chối nhận nếu mệnh giá tờ tiền mừng tuổi thấp.
NCS.ThS Hoàng Huyền, Giám đốc một công ty giáo dục tại TPHCM, cho rằng mừng tuổi đầu năm vẫn là một nét đẹp văn hóa rất đáng được trân trọng và giữ gìn. Để lì xì không là "liều thuốc độc" trong nuôi dạy con, bố mẹ cần hết sức cẩn trọng từ việc trao tặng tới sử dụng lại số tiền này.
Bà Huyền chỉ ra đôi khi vì quá vô tư, khi lì xì cho con, cha mẹ lại có cách nói chưa phù hợp gây ảnh hưởng tới sự phát triển của con trẻ. Điều này lâu dần sẽ hình thành nên tính cách, hành động chống đối thậm chí làm trẻ không còn vui vẻ khi nhận mừng tuổi nữa.
Lì xì cho con trẻ có thể bằng tiền hoặc là những vật khác, như: Sách, truyện, đồ dùng học tập, đồ chơi, chuyến đi trải nghiệm... Đi kèm với lì xì là những lời yêu thương, căn dặn.
Ba mẹ có thể lì xì cho con bằng quà tặng, thay vì bằng tiền (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Bên cạnh chú ý về ngôn ngữ, ba mẹ cũng cần định hướng, khuyến khích con tiết kiệm tiền lì xì một cách hợp lý, để có thể mua những món đồ cần thiết phục vụ cho học tập, hay sử dụng trong đời sống thường ngày.
Khi sử dụng tiền lì xì, ba mẹ sẽ gợi ý cho trẻ để con sẽ là người có quyết định cuối cùng. Điều này ngoài giúp bé học sử dụng và quản lý tiền còn khiến con cảm thấy mình được tôn trọng, được đưa ra quan điểm để bàn bạc cùng ba mẹ chứ không bị áp đặt phải theo ý kiến của người lớn, chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
"Mỗi ba mẹ sẽ chọn phương án phù hợp để mừng tuổi cho con mình nhưng việc đón nhận phong bao lì xì cần được hiểu như một tượng trưng cho tình cảm chân thành, cho sự may mắn chứ không phải vật chất bên trong", NCS.ThS Hoàng Huyền chia sẻ.
Theo Dân Trí